Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:07

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:07

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 14:58 ngày 18/10/2018

Nhà máy Xi măng Long Sơn bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm

Nhà máy Xi măng Long Sơn (chủ đầu tư là Công ty Xi măng Long Sơn), với 2 dây chuyền đồng bộ, hiện đại, tổng công suất 14.000 tấn/ngày, tương đương 5 triệu tấn xi măng 1 năm.

Nhà máy Xi măng Long Sơn. 
Sau quá trình đầu tư xây dựng, tháng 11–2016, dây chuyền số 1 và tháng 9–2017, dây chuyền 2 của nhà máy đi vào sản xuất. Nhà máy được chủ đầu tư lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Sản phẩm của nhà máy đã và đang được thị trường trong, ngoài nước đón nhận, tiêu thụ với sản lượng ngày càng tăng.
 
Theo các chuyên gia Liên Xô trước đây khảo sát thì Bỉm Sơn là vùng nguyên liệu sản xuất xi măng được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, vùng nguyên liệu này đã được chọn để xây dựng và phát triển công nghiệp xi măng. Chính vì vậy, chủ đầu tư đã quyết định xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Xác định việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi măng trong bối cảnh có nhiều nhà máy sản xuất xi măng trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã được xây dựng, đi vào sản xuất, chính vì vậy chủ đầu tư lựa chọn công nghệ sản xuất xi măng hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Các dây chuyền, thiết bị phục vụ cho xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn được nhập khẩu trực tiếp từ các hãng nổi tiếng, như: Loesche, KN, ABB của Cộng hòa liên bang Đức và công nghệ tiên tiến của Nhật bản. Chính việc hội tụ những yếu tố  này nên sản phẩm xi măng Long Sơn đáp ứng đủ tiêu chuẩn là sản phẩm xi măng tốt nhất trên thị trường. Cũng trong quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy, chủ đầu tư đã được các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng cấp các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng, sản xuất xi măng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Như giấy phép khai thác khoáng sản, quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án “Đầu tư xây dựng công trình khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực Lam Sơn, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, cấp; biên bản kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa lập...; giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thanh Trung, Phó Giám đốc Công ty Xi măng Long Sơn, cho biết: Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, cũng như đi vào sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo công ty luôn quan tâm và thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn cho người lao động trong sản xuất và khai thác vật liệu. Trong quá trình quy hoạch, triển khai quy hoạch, khu vực hành lang của mỏ bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân trong khu vực. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỏ đá vôi phục vụ cho sản xuất xi măng tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung với diện tích 169 ha và trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho công ty hơn 68 ha mỏ khai thác vật liệu phục vụ sản xuất của nhà máy.
 
Ngoài ra, trong quá trình khai thác vật liệu phục vụ sản xuất, công ty đã thuê đơn vị trong ngành quân đội trực tiếp thực hiện việc nổ mìn. Thời gian nổ mìn vào buổi trưa, chiều muộn hàng ngày (ngoài giờ hành chính) và thời gian nổ mìn đã được thông báo rộng rãi đến chính quyền, nhân dân địa phương trong khu vực. Hơn nữa sau hơn một năm, hiện việc khai thác đang dần vào phía trong khu mỏ, cách xa khu dân cư, chính vì vậy việc nổ mìn làm văng đất đá ảnh hưởng đến sản xuất cũng như người dân là khó xảy ra – đồng chí Nguyễn Thanh Trung, cho biết thêm.
 
Ngay khi đi vào sản xuất, Nhà máy Xi măng Long Sơn luôn chú trọng vận hành các dây chuyền sản xuất bảo đảm ổn định, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm... Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. 9 tháng đầu năm 2018, nhà máy sản xuất hơn 3,271 triệu tấn xi măng, tiêu thụ hơn 3,285 triệu tấn xi măng; sản xuất hơn 3,573 triệu tấn clinker, tiêu thụ hơn 1,286 triệu tấn clinker. Với kết quả sản xuất, kinh doanh vững chắc, thời gian tới, Nhà máy Xi măng Long Sơn tiếp tục duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất và đầu ra của sản phẩm bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nâng cao nhận thức về thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách làm việc của người lao động; coi yếu tố con người là trung tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tiếp tục đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực tiếp thị; đẩy mạnh công tác marketing và truyền thông để quảng bá thương hiệu xi măng Long Sơn trong và ngoài nước. Hoàn thiện hệ thống phân phối trong cả nước; phát triển, nâng cao hệ thống nhân lực trong công tác kinh doanh. Bảo đảm dịch vụ bán hàng và sau bán hàng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận, tin dùng sản phẩm xi măng Long Sơn. Đồng thời tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất.
Theo Báo Thanh Hóa
lên đầu trang