Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:14

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:21 ngày 11/10/2018

Trung tâm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL đi vào hoạt động

Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ khai trương và đi vào hoạt động từ đầu tháng 10-2018. Với đa dạng công nghệ, sản phẩm công nghệ cũng như cung cấp dữ liệu cung cầu công nghệ một cách đầy đủ và chính xác, Điểm kết nối được xem như cú hích để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng ĐBSCL. Trong đó, TP Cần Thơ đóng vai trò trung tâm kết nối trọng điểm.
Hội tụ công nghệ
Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ nằm trong khuôn viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ (đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, sát Trường Đại học Nam Cần Thơ). Đây là nơi triển khai hoạt động trưng bày, giới thiệu, chuyển giao, thương mại hóa kết quả, sản phẩm KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khách tham quan gian trưng bày sản phẩm làm ra từ công nghệ. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Ông Trần Thế Như Hiệp, Trưởng Phòng Khoa học, hợp tác quốc tế - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Điểm kết nối hoạt động ở 3 mảng chính: công nghệ, thiết bị/máy móc công nghệ; các sản phẩm làm ra từ công nghệ; cơ sở dữ liệu về công nghệ. Đây là những sản phẩm được tập hợp từ 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ví như Hậu Giang với dược liệu (nấm linh chi, trà), công nghệ cấy mô, phân vi sinh; Bến Tre với công nghệ làm ra đông trùng hạ thảo, men thạch dừa, chế phẩm sinh học môi trường… Những sản phẩm này làm ra từ công nghệ mà Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tiếp nhận được từ các dự án, chương trình nghiên cứu của địa phương hoặc chương trình chuyển giao công nghệ.
Một sản phẩm được nhiều du khách chú ý tại Điểm kết nối là gạch không nung từ công nghệ nano của Công ty TNHH Quốc tế Troy. Nếu gạch thông thường làm từ đất sét đem nung, gây tổn hại cho môi trường và tài nguyên; thì loại gạch này dùng công nghệ dung dịch nano, chỉ cần dùng khoảng 20%-30% đất sét, còn lại là cát, sỏi… Hỗn hợp này xay ra, trộn đều, phun nano vào và dùng máy ép thủy lực ép ra. Tính ưu việt của sản phẩm là xây không cần hồ mà chỉ cần ghép lại, những mấu nối của viên gạch tự liên kết với nhau. Theo tính toán, xây một ngôi nhà cấp 4, diện tích 80m2 bằng loại gạch này thì chỉ cần tiêu tốn khoảng 30kg sắt để đổ đà dằn, kể cả các ô, khung cửa cũng không cần đà. Vì vậy, nhà sử dụng gạch này để xây dựng tốn chi phí chỉ khoảng 50%-60% nhà xây bằng gạch thông thường. Hiện, đơn vị sở hữu công nghệ này đang muốn mở rộng thị trường và chuyển giao công nghệ ở vùng ĐBSCL.
Điểm kết nối còn giới thiệu thành quả nghiên cứu của Công ty Cair khi ứng dụng thành công công nghệ hướng vào hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên, được chiết xuất từ quả bơ để tạo ra sản phẩm khử mùi và diệt khuẩn Cair. Nói một cách dễ hiểu, mùi theo phân tử không khí mà phát tán, muốn xử lý mùi đó thì theo nguyên lý cạnh tranh: dùng một mùi khác để đánh bật mùi muốn xử lý. Sản phẩm Cair sử dụng công nghệ bùng nổ nano, không tạo mùi cạnh tranh mà đưa chiết xuất từ trái bơ để phun ra không khí, “bắt” và xử lý mùi ngoài không khí. Sản phẩm này dùng tốt cho xe hơi, văn phòng, xử lý mùi khói thuốc…
Một số sản phẩm công nghệ khác khá lý thú như mô hình nhà lưới, tưới tự động điều khiển từ xa, thực phẩm làm ra từ công nghệ… Hay nhà sáng chế Hoàng Thanh Liêm (Thới Lai- Cần Thơ) gây ấn tượng với những sáng chế tiện dụng cho nông nghiệp như máy vét bùn dùng cho nông hộ, máy xúc lúa vào bao, dụng cụ tra hạt…
Thúc đẩy cung cầu công nghệ
Một điểm quan trọng tại Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ là cổng thông tin cung cầu công nghệ tại địa chỉ: Sati.gov.vn (vào mục cơ sở dữ liệu công nghệ/technology database). Ở đây, người đăng nhập có thể tìm công nghệ mình cần; hoặc giới thiệu công nghệ mình có và có nhu cầu cung cấp cho nhiều người. Với những thao tác tìm kiếm công nghệ để sử dụng, hệ thống sẽ ghi nhận và ngay lập tức phản hồi nếu trong kho dữ liệu “cung công nghệ” có; nếu không có, họ sẽ nhờ chuyên gia để hỗ trợ, tư vấn. Trong cổng thông tin này có rất nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, môi trường… để người đăng nhập lựa chọn.

Gian trưng bày giống cây trồng lai tạo từ công nghệ thu hút khách. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Việc Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ đi vào hoạt động mang lại nhiều kỳ vọng trong thúc đẩy cung cầu lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Điểm kết nối này hoạt động là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh hoạt động trình diễn, giới thiệu, tư vấn công nghệ và thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Ông Dũng cũng kỳ vọng, đây là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ đẩy mạnh liên kết với các viện trường, đội ngũ các nhà khoa học phối hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, mua bán công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương ứng dụng, chuyển giao đổi mới công nghệ trong ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, thông tin: Điểm kết nối tại Cần Thơ là Điểm kết nối thứ 7 trong cả nước và đầu tiên tại ĐBSCL. Qua hoạt động của các Điểm kết nối trước đây cho thấy, ngoài thúc đẩy kết nối KH&CN trong nước, các công nghệ của các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc… đã được cung cấp, chia sẻ và tạo hữu ích cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, tất yếu phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào KH&CN. Từ kết quả hoạt động của các Điểm kết nối cung cầu công nghệ trước đây, ông kỳ vọng Điểm kết nối thứ 7 tại vùng ĐBSCL sẽ tạo tính lan tỏa và kết nối cao của hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Với vị thế trung tâm vùng, tôi tin rằng Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ sẽ phát huy hiệu quả cao nhất”- Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Dù mới khai trương nhưng Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL tại Cần Thơ đã thu hút rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà sáng chế tham gia trưng bày sản phẩm và kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Theo ông Phùng Nam Hải, Giám đốc Công ty Cair với sản phẩm khử mùi và diệt khuẩn Cair, sản phẩm Cair đang phát triển khá mạnh ở thị trường TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ nên khi hay tin thành lập Điểm kết nối tại Cần Thơ, ông đăng ký tham gia ngay với kỳ vọng mở rộng thị trường và giới thiệu công nghệ khử mùi cho khách hàng vùng Tây Nam bộ.
Tham gia trưng bày sản phẩm hệ thống tưới tiên tiến tại Điểm kết nối, ông Trần Hữu Hiếu, Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Mekongagri, mong muốn giới thiệu đến khách hàng những ưu việt của công nghệ đang sở hữu: vật tư nhập khẩu, chi phí thấp, có thể tưới nước kết hợp châm phân và thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là tính linh động, có thể di chuyển béc tới lui… Ông Hiếu cho biết, hiện sản phẩm của ông được khách hàng cả nước đón nhận tốt, đặc biệt là bà con nông dân. “Chúng tôi tham gia Điểm kết nối này với hy vọng tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường. Việc Điểm kết nối được đầu tư bài bản tạo cho doanh nghiệp chúng tôi thêm niềm tin hợp tác”- ông Hiếu nói.
Hiện nay, cả nước đã có 7 Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội (2 điểm), các tỉnh: Phú Yên, Nghệ An, Đắc Lắc và TP Cần Thơ. Mặc dù các điểm này mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 và đầu năm 2018 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN tại các địa phương.
Theo Báo Cần Thơ
lên đầu trang