Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 16:27

Thứ ba, 19/03/2024 | 16:27

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 08:18 ngày 11/10/2018

Tiêu chuẩn quốc tế và Cách mạng 4.0

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10. 
Với thông điệp “Tiêu chuẩn quốc tế và Cách mạng 4.0”, ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay nhấn mạnh về tốc độ thay đổi nhanh chóng mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại những cơ hội, nhưng cũng chứa đựng những thách thức riêng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, tiêu chuẩn không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là cơ sở, định hướng công nghệ để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng vào doanh nghiệp của mình.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại lễ kỷ niệm
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần cùng với những công nghệ mới thì tiêu chuẩn càng thể hiện vai trò của mình trong việc đi sâu, đi sát và cùng đồng hành phát triển. Do đó, việc xây dựng tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn và áp dụng tiêu chuẩn là việc hết sức cần thiết để hài hòa tất cả các yêu cầu của công nghệ mới.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Việt Nam có gần 11.000 tiêu chuẩn Việt Nam đang có hiệu lực, trong đó hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt tới 54%, giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. 
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến tiêu chuẩn khi mua bán các sản phẩm hàng hóa bởi đây là một trong những yếu tố đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Việc tăng cường nhận thức của người tiêu dùng đối với các tiêu chuẩn là hết sức quan trọng.
Tiêu chuẩn VietGap, PGS đối với rau củ quả, GMP trong y tế, ISO 22000 đối với an toàn thực phẩm là những tiêu chuẩn người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy trên nhãn các sản phẩm tiêu dùng khi mua. Những tiêu chuẩn này là bảo chứng đối với người mua về chất lượng bởi để đạt được các tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều quy định khắt khe theo chuẩn quốc tế.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong quy trình sản xuất được coi là bước tiến của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiếp cận với thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, nó mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa thật sự chất lượng và an toàn.
Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, trong thời gian tới lĩnh vực ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn sẽ là: Đô thị thông minh, tự động hóa, giao thông thông minh, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ số hóa, kiểm soát môi trường và phát triển hệ thống TCVN cho sản xuất thông minh...
Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh đổi mới trong các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp; tập trung nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0; rà soát lại các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0./.
Ngô Hằng
lên đầu trang