Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 11:28

Thứ tư, 24/04/2024 | 11:28

Chính sách

Cập nhật lúc 18:09 ngày 15/10/2018

Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam

Dầu khí là ngành công nghiệp nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao... Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, sáng tạo và đổi mới công nghệ là chìa khóa nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Dưới đây là nội dung trả lời phỏng vấn Tạp chí Dầu khí của ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương về định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thực hiện thành công chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam?
Ông Trần Việt Hòa: Dầu khí là ngành công nghiệp nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao… Để vượt qua các thách thức mang tính đặc thù này, Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam/Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rất rõ vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và coi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.
PV: Trong chương trình làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Làm công việc lớn của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế cao mà không đặt vấn đề khoa học công nghệ mới thì coi như thất bại”. Theo ông, xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam như thế nào?
 
Ông Trần Việt Hòa: Xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam như: chi phí khai thác dầu đá phiến giảm, sản lượng tiếp tục gia tăng; việc ứng dụng phân tích 3D, 4D và kỹ thuật địa vật lý giếng khoan mới giúp nâng cao độ tin cậy và chính xác hơn của các phép tính toán; sử dụng kết hợp phương án phát triển nhanh và tối ưu khai thác để đạt hệ số thu hồi dầu khí cao nhất; công nghệ CNG, GTL trên biển sẽ giúp chuyển hóa khí thành sản phẩm lỏng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao…
Nhà máy xử lý khí Cà Mau
Lĩnh vực thăm dò địa chấn sẽ phát triển theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học vật lý và công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng thu tín hiệu, nâng cao độ phân giải của các đối tượng nghiên cứu thăm dò có kích thước nhỏ, ở độ sâu lớn, trong môi trường địa chất phức tạp; khai thác các thuộc tính đặc biệt của sóng địa chấn để dự báo các đặc tính vật lý của đối tượng nghiên cứu; phát triển các công nghệ về phần cứng và phần mềm cho phép nhìn, phân tích trực tiếp hình ảnh đối tượng trong không gian 3D, 4D. Xu hướng công nghệ hướng tới nghiên cứu đa đối tượng trong dải độ sâu lớn; công nghệ địa chấn hệ thống nhỏ (microsystem) mục đích tăng độ nghiên cứu chi tiết và tăng đáng kể về độ phân giải (Mỹ đã áp dụng thành công cho vỉa chứa chặt sít).
Xu thế công nghệ trong lĩnh vực địa vật lý giếng khoan dựa trên sự phát triển của khoa học vật lý, công nghệ cơ khí, điện tử, phần mềm để thu được thông tin trực tiếp, tin cậy nhất, giảm thời gian dừng khoan cho đo địa vật lý giếng khoan, tăng đường cong/tham số tối đa trong một lần đo, đa dạng đối tượng dịch vụ (giếng khoan đường kính nhỏ, giếng khoan mở và giếng chống ống) và điều kiện môi trường. Minh giải tích hợp nhiều đường cong, các tài liệu khác nhau sử dụng mạng neuron nhân tạo (ANN) nâng cao độ tin tưởng các phép toán dự báo tính chất vật lý của vỉa chứa.
Trên thế giới đang áp dụng các công nghệ khoan hiện đại nhằm tiết giảm chi phí khoan, khoan khu vực nước sâu, khoan các đối tượng mỏ dầu khí có độ sâu lớn… Các xu hướng công nghệ khoan đang được phát triển gồm: công nghệ khoan bằng ống chống (casing drilling); công nghệ khoan giếng đơn thân (single diameter well); công nghệ khoan thân giếng nhỏ (slim hole, micro hole); công nghệ khoan kết hợp lấy dữ liệu ảnh địa chấn (seismic imaging while drilling, real-time); công nghệ dung dịch khoan đáp ứng thi công khoan đối với khu vực có nhiệt độ cao, áp suất cao; khoan dưới áp suất cân bằng; khoan giếng đa thân; khoan ngang; công nghệ khoan tại khu vực nước sâu xa bờ, khoan giếng có độ sâu khoan lớn.
Công nghệ khai thác mới đang ứng dụng trên thế giới gồm: công nghệ tăng cường hiệu quả của bơm ép nước, cải thiện thu hồi dầu sơ cấp (IOR); công nghệ khai thác các mỏ có độ thấm nhỏ, siêu nhỏ như dầu chặt sít, khí đá phiến,... đòi hỏi hoàn thiện giếng khai thác bằng nứt vỉa thủy lực; công nghệ khai thác đối với đối tượng carbonate hang hốc - nứt nẻ; công nghệ khai thác các mỏ thuộc khu vực nước sâu xa bờ (đầu giếng ngầm,...); công nghệ số nhằm tăng cường quản lý, giám sát quá trình khai thác (hệ thống đo lường tự động, quản lý khai thác trực tuyến,…); công nghệ khai thác mỏ dầu khí phi truyền thống… Công nghệ nâng cao thu hồi dầu tam cấp (EOR): công nghệ trộn lẫn (hydrocarbon, CO2, N2…), hóa học, nhiệt, vi sinh hóa lý (MEOR), khí nước luân phiên (WAG). Trong đó, phương pháp được phát triển mạnh nhất là phương pháp hóa học (chất hoạt động bề mặt, polymer, alkane, alkali  -  polymer (AP), alkaline - surfactant - polymer (ASP), surfactant - alkaline - polymer (SAP), vật liệu nano…). Các sản phẩm công nghệ trên hướng tới mục tiêu phù hợp với đặc tính đá chứa - chất lưu, bền nhiệt để tăng phạm vi, hiệu quả ứng dụng, và thân thiện môi trường, đa dạng sinh học.
Nguồn Tạp chí dầu khí
lên đầu trang