Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:34

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:34

Chính sách

Cập nhật lúc 17:55 ngày 16/10/2018

Áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hệ số thu hồi dầu

Phát triển khoa học và công nghệ được xác định là 1 trong 6 nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững.
Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017 - 2020 đã xác định xây dựng đề xuất thực hiện 3 - 5 cụm nhiệm vụ/dự án khoa học và công nghệ có quy mô lớn.
Đối với lĩnh vực dầu khí, cụm nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn và xây dựng chương trình thử nghiệm, áp dụng công nghiệp các biện pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” đang được Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành tuyển chọn đơn vị thực hiện.
Thứ nhất, mục tiêu của nhiệm vụ “Nghiên cứu lựa chọn các giải pháp công nghệ và thực nghiệm đánh giá các tác nhân nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu thuộc bể Cửu Long” là lựa chọn được giải pháp công nghệ có tính khả thi nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu phù hợp cho từng đối tượng, từng mỏ đang khai thác trong tầng trầm tích lục nguyên thuộc bể Cửu Long; xây dựng được phương án tổng thể ứng dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho trầm tích lục nguyên trên phạm vi toàn bể; lựa chọn được đối tượng đại diện của bể Cửu Long để tiến hành thực nghiệm nghiên cứu các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu; đề xuất và chế tạo được hệ hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi phù hợp cho đối tượng đại diện...
Thứ hai, nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu và chế tạo hệ hóa phẩm quy mô pilot áp dụng cho đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long” có mục tiêu xây dựng được mô hình khai thác, mô phỏng áp dụng giải pháp nâng cao thu hồi dầu cho đối tượng đại diện; đề xuất được phương án tối ưu áp dụng giải pháp nâng cao hệ số thu hồi cho đối tượng đại diện; thiết kế, chế tạo quy mô pilot hệ hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng đại diện để sử dụng cho thử nghiệm thực tế ngoài mỏ.
Thứ ba, nhiệm vụ “Nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm công nghiệp và đánh giá hiệu quả thực tế giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho một đối tượng đại diện thuộc tầng trầm tích lục nguyên của bể Cửu Long” sẽ đề xuất quy trình công nghệ cho quá trình bơm ép thử nghiệm công nghiệp; thiết kế và chế tạo được hệ thống thiết bị phụ trợ phục vụ thử nghiệm trên giàn khai thác thực tế; thử nghiệm công nghiệp và xây dựng được kế hoạch áp dụng trên phạm vi toàn mỏ.
Tôi cho rằng trong bối cảnh công tác tìm kiếm, thăm dò gặp nhiều khó khăn, các mỏ dầu khí chủ lực bị suy giảm sản lượng sau thời gian dài khai thác thì việc áp dụng các công nghệ để giúp cải thiện thu hồi dầu (IOR) và nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) là vấn đề cấp bách. Cụm nhiệm vụ quan trọng này và các dự án nghiên cứu khác về EOR/IOR trong thời gian tới phải giải quyết được bài toán tổng thể, ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để gia tăng hệ số thu hồi dầu.
 Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương
Bài viết đăng trên Tạp chí Dầu khí số 8/2018


lên đầu trang