Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:20

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:20

Chính sách

Cập nhật lúc 14:50 ngày 23/10/2018

Đức: Nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới

Khi nói đến sự đổi mới, Đức là quốc gia đứng ở vị trí hàng đầu. Điều này đạt được một phần là nhờ tốc độ phát triển các công nghệ mới như xe hơi không người lái ở đất nước này. 
Trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đức xếp thứ nhất trong danh sách các nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới với số điểm 87,5/100 trong tiêu chí năng lực đổi mới sáng tạo, một trong 12 tiêu chí để đánh giá năng suất của một quốc gia. 
Đức vượt trội so với Mỹ, nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới, hiện được xếp thứ hai về sự đổi mới sáng tạo (86,5) và Thụy Sĩ ở vị trí thứ ba (82,1).
Theo chỉ số mới, tốc độ ứng dụng các ý tưởng, phương pháp và sản phẩm mới sẽ mang lại cho các quốc gia lợi thế cạnh tranh trong CMCN 4.0. 
Tại sao đổi mới sáng tạo lại quan trọng như vậy?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tiếp tục thực hiện các phương thức truyền thống để theo đuổi tăng trưởng và thành công là không đủ do không đảm bảo hiệu quả về chi phí. 
Thay vào đó, những quốc gia có khả năng sáng tạo ra các ý tưởng mới, từ đó thương mại hóa các sản phẩm một cách nhanh nhất, sẽ đạt được năng suất cao nhất. Đây là một trong những tiêu chí của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (innovation ecosystem). 
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được đánh giá bằng 5 tiêu chí bao gồm thương mại hóa, tương tác và đa dạng, yêu cầu hành chính, nghiên cứu và phát triển và văn hóa doanh nhân.
Tuy nhiên, các yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của một quốc gia lại bao gồm áp dụng công nghệ thông tin, chất lượng giáo dục và cường độ cạnh tranh.
Nhìn chung, các quốc gia có thu nhập cao dành được điểm số cao hơn ở 5 tiêu chí trên. Điều này cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của họ tốt hơn.
Đức và Mỹ, hai quốc gia được đánh giá là đổi mới sáng tạo nhất, vượt trội hơn Hàn Quốc và Nhật Bản khi xét đến các tiêu chí thương mại hóa, yêu cầu hành chính, nghiên cứu và phát triểu. Tuy nhiên ở hai tiêu chí còn lại là văn hóa doanh nhân và tương tác và đa dạng, hai quốc gia dẫn đầu này lại có điểm đánh giá thấp hơn. 
Không quốc gia nào được đánh giá là "nền kinh tế đổi mới sáng tạo hoàn hảo" cũng như tất cả các quốc gia đều phải vượt qua thách thức và khai thác các cơ hội do CMCN 4.0 mang lại.
Điều gì làm Đức trở thành một siêu quốc gia về đổi mới sáng tạo?
Đức là quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới, một phần là nhờ số lượng những ý tưởng tuyệt vời mà họ đưa ra, trong đó nhiều nhất là ngành công nghiệp ô tô, nổi bật với các công nghệ như xe hơi được kết nối mạng kỹ thuật số, xe hơi không người lái và xe điện.
Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quốc gia đã phát minh ra máy nghe nhạc MP3 và pin nhiên liệu này đứng thứ 5 về các ứng dụng có bằng sáng chế, với 295,32 ứng dụng/triệu người.
Báo cáo của Diễn đàn cũng ghi nhận "mức độ tinh vi của người mua" của Đức rất cao (66.1), điều này đòi hỏi các công ty phải không ngừng đổi mới, ngược lại, các nhà phát minh cũng được môi trường kinh doanh sôi động thúc đẩy để mang đến nhiều sáng chế cho thị trường.
Để đạt được điều này, Đức đã dành 2,9% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong khi chính phủ của một số quốc gia ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bằng cách cắt giảm chi tiêu cho R&D, Đức lại tăng ngân sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các dự án di động điện tử.
Trong năm 2016, tổng chi phí trong nước về R&D đã trở lại mức trước khủng hoảng, 123 tỷ đô la. 
Với sự chú trọng vào R&D, các nhà sản xuất xe hơi tại Đức đang định hình tương lai. Trong năm 2017, 2.633 sáng chế đã được áp dụng trong lĩnh vực xe không người lái, tăng 14% so với năm 2016. Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã chi 11,6 tỷ euro cho R&D năm 2017, xếp thứ 5 trên thế giới, sau Amazon ở vị trí đầu tiên với 20,1 tỷ euro.
Năm 2017, 128.921 sáng chế đã được đăng ký tại Văn phòng đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu Đức (PDMA). 
Tuy nhiên, không sáng chế nào có thể trở thành hiện thực nếu không có các tổ chức nghiên cứu công và tư. 
Đức có hơn 1.000 tổ chức công và được tài trợ bởi cộng đồng cho khoa học, nghiên cứu và phát triển, mạng lưới gần 600 đơn vị nghiên cứu và đổi mới và 614.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển bao gồm 358.000 nhà nghiên cứu.
Mục tiêu chính của Đức, như Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang đưa ra trong Chiến lược Công nghệ cao, là kết hợp khoa học và công nghiệp để Đức tiếp tục theo đuổi con đường trở thành nhà lãnh đạo đổi mới toàn cầu.
Đức đã tìm ra “giải pháp sáng tạo cho những thách thức cấp bách của ngày hôm nay, dù là đô thị bền vững, năng lượng thân thiện với môi trường, y học cá nhân hóa hay xã hội kỹ thuật số”.
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đức đang đi đúng hướng.
Ngọc Diệp (Theo https://www.weforum.org/) 


lên đầu trang