Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 12:10

Thứ năm, 25/04/2024 | 12:10

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:51 ngày 29/10/2018

Vĩnh Phúc: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn được triển khai, đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến được chú trọng.

Công ty TNHH Phú Lương, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Ảnh: Chu Kiều
Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), UBND tỉnh đã gắn kết việc nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) được quan tâm và triển khai đồng bộ. Các đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài triển khai thực nghiệm được thực hiện theo hướng tập trung, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Năm 2018, các đề tài đã hoàn thiện công tác thẩm định, thuyết minh, ký hợp đồng; đang hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt 16 nhiệm vụ KHCN đợt 2/2018.
với dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi: Hoàn thiện thủ tục 4 dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2018; phối hợp với Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi quản lý 3 dự án đang triển khai thực hiện. Tiếp tục xây dựng hệ thống ISO/IEC 17025 áp dụng trong lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-683); hoàn thiện việc đánh giá giám sát phòng thử nghiệm VILAS...
Triển khai thực hiện các đề tài thuộc 2 chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ: “Xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh và chuối tiêu hồng trên địa bàn huyện Yên Lạc” giai đoạn 2017 - 2020 nhằm giúp doanh nghiệp tham gia chương trình có định hướng đúng, ứng dụng có hiệu quả cao nhất vào sản xuất và đời sống.
Hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện 8 dự án thuộc chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2025 bằng nguồn kinh phí do trung ương quản lý.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, gắn chương trình cho vay bình ổn thị trường với chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; cho vay ưu đãi lãi suất đối với những nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất các khoản vay, đẩy nhanh giải ngân vốn...
Do đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm bớt khó khăn, có nguồn vốn đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý doanh nghiệp được tăng cường, các quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư bài bản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Một số sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên bao bì DHT, thành phố Phúc Yên được thành lập năm 2010 với 20 lao động. Đến năm 2013, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay tại ngân hàng, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại như: Máy kéo sợi, máy dệt sợi, máy dệt đai, máy tráng màn, máy cắt nhiệt, máy in... và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao bì PP Jumbo của đơn vị trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho 300 lao động, với thu nhập trung bình trên 6 triệu đồng/người/tháng tại 3 xưởng sản xuất chính, với diện tích rộng gần 2ha.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển khoa học và công nghệ, tạo điều kiện về nguồn vốn giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và hỗ trợ, trong đó chú trọng thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đem đến sự hài lòng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Theo Báo Vĩnh Phúc
lên đầu trang