Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 23/04/2024 | 17:46

Thứ ba, 23/04/2024 | 17:46

Chính sách

Cập nhật lúc 17:11 ngày 16/11/2018

“Không nhập khẩu công nghệ tràn lan”

“Không nhập khẩu công nghệ tràn lan”. Đó là khẳng định của đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại tọa đàm “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Thúc đẩy nhập khẩu công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tọa đàm được tổ chức sáng ngày 16/11/2018 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. 
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước,... và các chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn. Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ đại diện Bộ Công Thương đã tới tham dự buổi tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng điều hành tọa đàm
Theo thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp xin ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để xây dựng Dự thảo Thúc đẩy nhập khẩu công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Khoa học và công nghệ mong muốn các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, đơn vị có mặt tại tọa đàm tiếp tục đóng ý kiến cho Dự thảo, tập trung vào 04 vấn đề chính gồm: 1) Định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên cũng như số lượng ngành ưu tiên, công nghệ nhập khẩu trong các lĩnh vực; 2) các giải pháp về cơ chế, chính sách (thị trường, thuế, tín dụng,...); 3) các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; 4) tổ chức, phân công Bộ, ngành thực hiện.  
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phát biểu ý kién tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng thời gian thực hiện Đề án đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là rất ngắn, dẫn đến khó cho đơn vị thực hiện. Theo ông Minh, nhóm soạn thảo Đề án nên xem xét lại thời gian thực hiện Đề án sao cho phù hợp với thực tế và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Về mục tiêu cụ thể, ông Minh cho rằng Đề án cần nêu lên những chỉ số mang tính chất định lượng sẽ thuận tiện cho công tác rà soát đánh giá các giai đoạn thực hiện sau này. Về các lĩnh vực ưu tiên, ngoài những lĩnh vực ưu tiên trong Nghị quyết 23, trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án, chúng ta nên ưu tiên nhập khẩu những công nghệ hiện nay đang đem lại giá trị gia tăng cao, phù hợp với sản xuất của Việt Nam. Đề án nên có thêm phụ lục danh mục các ngành, lĩnh vực ưu tiên để các Bộ, ngành có thể cập nhật thêm một số ngành chưa được đề cập đến trong Đề án như vật liệu, luyện kim,...
Ý kiến này của đại diện Bộ Công Thương cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quang cảnh tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Công ty VNPT Technologies…cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án cho phù hợp với thực tiễn. 
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhất trí với các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành về thời gian thực hiện và mục tiêu cụ thể của Đề án, đồng thời khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ không nhập khẩu công nghệ tràn lan mà chỉ chọn những ngành nghề, sản phẩm có sức cạnh tranh và tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Phát biểu kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cảm ơn các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn đã đóng góp những ý kiến xác đáng cho dự thảo Đề án, đồng thời khẳng định nhóm soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu để xem xét bổ sung, hoàn thiện dự thảo. 
Ngọc Mai
lên đầu trang