Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:50

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:50

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 14:31 ngày 29/11/2018

Sản xuất gốm tại Bình Dương: Thành công nhờ chương trình nâng cao năng suất chất lượng

Bình Dương là một tỉnh có truyền thống lâu đời với các sản phẩm thủ công mĩ nghệ được làm từ gốm sứ. Các làng gốm tại Bình Dương không chỉ đơn thuần cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng mà còn trở thành một biểu tượng, một nét đẹp văn hóa trong mắt khách du lịch.
Tuy nhiên hiện nay, các hộ sản xuất tại các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: khả năng tổ chức quản lý, thiết bị và nguồn lực tài chính, kiến thức thị trường, kỹ năng marketting, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ… Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm của làng nghề còn chưa đồng đều, mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới… từ đó, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ để khôi phục, phát triển và tìm hướng đi mới cho các làng nghề.
Ảnh minh họa
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gốm trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa cho các doanh nghiệp (DN), từ đó đã góp phần giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, điển hình như: Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương; chương trình cải tiến năng suất, chất lượng; hỗ trợ đào tạo và áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen…
Là một trong những đơn vị trọng điểm được hỗ trợ, Công ty Cường Phát đã thực hiện tốt các tiêu chí sàng lọc – sắp xếp – sạch sẽ theo 5S và tiến hành duy trì để xây dựng thành văn hóa tại doanh nghiệp. Mặt khác, thông qua việc áp dụng Kaizen, công ty đã cải tiến được lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải. Nhờ đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất. Tổng kết lại, các chi phí mà công ty đã tiết kiệm được từ khi tham gia chương trình lên tới hơn 2,5 tỷ đồng.
Một ví dụ khác, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ gốm Chấn Thành (TX.Bến Cát) đã tham gia Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN nhỏ và vừa Việt Nam và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Bình Dương với công trình lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng, vỏ lò di động. Nhờ chuyển sang nung bằng gas và cải tiến lò , chi phí về nguyên liệu đốt của công ty đã giảm gần 40% so với ban đầu (khi đốt bằng củi). Không chỉ vậy, Ông Lý Chí Thiện, quản lý sản xuất của công ty còn cho biết các sản phẩm sân vườn, nhất là các sản phẩm có kiểu dáng lớn (800 – 1.200cm) khi áp dụng mô hình này sẽ cho độ khô đồng đều hơn, màu men bóng hơn và chất lượng được nâng cao.
Hiện nay, Bình Dương là một trong những tỉnh có ngành gốm sứ phát triển nhất nước ta với giá trị xuất khẩu khoảng 150 triệu USD/năm và thị trường tiêu thụ nội địa tương đương 70 triệu USD/năm. Để ngành gốm sứ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các cơ sở sản xuất phát huy tốt những lợi thế sẵn có của mình như nguồn lao động lành nghề, kinh nghiệm sản xuất, sự sẵn sàng về điều kiện tự nhiên… đồng thời nắm bắt cơ hội được hỗ trợ về kinh phí, công nghệ hay được đào tạo áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Về phía các nhà quản lý, việc xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn là cần thiết nhằm vừa giữ lại nét truyền thống của làng nghề sản xuất gốm, vừa đảm bảo không bị lạc hậu về công nghệ và không ngừng nâng cao năng suất chất lượng để cạnh tranh với các thị trường khác trên thế giới.
Theo Văn phòng NSCL 
lên đầu trang