Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 01:22

Thứ năm, 25/04/2024 | 01:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:09 ngày 18/12/2018

Truyền thông là cầu nối đưa các nghiên cứu khoa học – công nghệ vào đời sống

Thực trạng hiện nay là các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Việt Nam vẫn còn nằm trong phòng thí nghiệm, còn các doanh nghiệp thì mãi luẩn quẩn trong kinh doanh vì không đổi mới công nghệ. Sự kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học còn lỏng lẻo một phần do công tác truyền thông Khoa học – Công nghệ còn chưa hiệu quả.

Ông Trần Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Thông tin KH & CN cho rằng "Khoa học công nghệ có đến với người dân hay không phải thông qua hoạt động truyền thông"
Đó là nhận định của của các đại biểu tham dự hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông Khoa học & Công nghệ” do Trung tâm Thông tin KH & CN Đà Nẵng tổ chức mới đây.
Theo các đại biểu, truyền thông đóng vai trò là cầu nối đưa khoa học & công nghệ đi vào đời sống, đưa những kết quả nghiên cứu khoa học đi vào phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người.
Hoạt động truyền thông KH & CN rất được chú trọng tại các nước phát triển trên thế giới với tư cách là một trong những động lực, điều kiện quyết định thành công của hoạt động KH&CN, cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN. Các nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông KH&CN là do yêu cầu xã hội, chứ không phải do thể chế, và lý do phổ biến nhất khi thông tin KH&CN được cung cấp bởi chính các nhà khoa học là đảm bảo rằng công chúng có được thông tin tốt hơn về KH&CN.

Kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đa phần còn nằm trong phòng thí nghiệm
Tại Việt Nam, hoạt động KH & CN được xác định trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước bền vững gắn với hàng loạt cơ chế, chính sách để phát triển KH & CN. Tuy nhiên, trên thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tại nước ta nhiều năm nay đứng trước “bài toán khó” đó là thương mại hóa sản phẩm.
Đa phần các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ vẫn còn loanh quanh trong phòng thí nghiệm, chưa thoát ra khỏi yếu tố nghiên cứu.
Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì đang đứng trước nhiều báo động bị đào thải tại “sân chơi chung” toàn cầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có độ mở lớn. Mà một trong những nguyên nhân chính là do dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.
Sự kết nối, liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nhà khoa học đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiệu quả của truyền thông khoa học.
Theo các đại biểu, sở dĩ hoạt động truyền thông khoa học chưa được đẩy mạnh là do khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả.
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng trăn trở: “Tại sao hoạt động truyền thông khoa học & công nghệ lại khó như vậy, trong khi những hoạt động về các cuộc thi người đẹp, hoa hậu lại thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân?”. Bà Hậu cho rằng truyền thông khoa học công nghệ phải làm sao đưa KH & CN đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất.
Các đại biểu cũng đồng tình với quan điểm hoạt động khoa học & công nghệ còn lẻ bước; có sự mất cân bằng giữa các thông tin hàn lâm (các bài nghiên cứu khoa học) với các tin bài xã hội.
Để hoạt động truyền thông khoa học công nghệ có hiệu quả, các đại biểu kiến nghị các đơn vị làm khoa học & công nghệ cần có những hoạt động để phổ biến kiến thức khoa học & công nghệ cho phóng viên các cơ quan báo chí thông qua các buổi hội thảo, tập huấn những chuyến đi thực tế. Các đại biểu cũng đề xuất khi một doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, đời sống thành công hay khi nghiên cứu thành công hay có hoạt động chuyển giao công nghệ thì các Sở Khoa học & Công nghệ kết nối thông tin đến các cơ quan báo chí để truyền thông, có như vậy mới đưa kết quả nghiên cứu thoát khỏi phòng nghiên cứu đến với cuộc sống.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang