Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:41

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:59 ngày 12/02/2019

Hoạt động KH&CN Quảng Trị: Đổi mới toàn diện các lĩnh vực, ngày càng gắn với thực tiễn đời sống và phục vụ có hiệu quả sự phát triển KT-XH của địa phương

Năm 2018 là năm ngành KH&CN tỉnh nhà có thêm những bước chuyển mình vượt bậc, được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ; sự tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, địa phương; đặc biệt là sự tiếp tục đổi mới, năng động, quyết liệt, kiên trì, nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh, hoạt động KH&CN Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến, đạt được một số tiến bộ và kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nửa đầu nhiệm kỳ 2016-2020.
Khảo sát khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao ở đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Sỹ Tiến
Công tác nghiên cứu và triển khai đã chú trọng xác định các nội dung gắn liền với sản phẩm cụ thể, gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách của tỉnh; các đề tài, dự án có địa chỉ ứng dụng cụ thể, kể cả trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn; nhiều sản phẩm KH&CN đã được thương mại hóa. Tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, đã triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm probiotic có các chủng vi sinh vật hữu ích phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Trị và ứng dụng bổ sung vào thức ăn nuôi trồng thủy sản phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung, phát triển nghề nuôi tôm nói riêng theo hướng sản xuất hàng hoá có sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, theo hướng phát triển bền vững. Đối với lúa là sản phẩm chủ lực của tỉnh, đã tiến hành nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh và phục tráng giống lúa HC95 nhằm tạo ra được 1 bộ giống tốt, sạch bệnh mang các đặc tính tốt ban đầu của giống gốc... Tiến hành nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam ở vùng đồi K4 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn, bền vững. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng, tuyển chọn các giống cà phê chè có triển vọng nhất và chuyển giao cho nông dân áp dụng nhân rộng mô hình khi tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập cho người dân, góp phần phát triển cà phê bền vững, mở rộng ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị... Đặc biệt, từ Chương trình Nông thôn miền núi, Sở KH&CN đã tranh thủ được nguồn lực từ Trung ương triển khai 05 dự án hỗ trợ cho người dân vùng ven biển ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế và ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm theo chuỗi giá trị; đồng thời tập trung phát triển các cây, con chủ lực, tiềm năng của tỉnh như: xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily; xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi giá trị tại vùng cát, ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc an toàn theo tiêu chuẩn VietGAHP. Nhiều sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã đưa ra thị trường và được chấp nhận như: Chè Vằng hòa tan (TralaVang), Cà gai leo – Linh chi hòa tan (Cagali), Linh Chi (Đất lửa); Các loại thực phẩm, thức uống bảo vệ sức khỏe gồm: Nhộng Trùng Thảo (Đông Trùng Hạ Thảo), rượu Đông Trùng Hạ Thảo; Tỏi đen (Winner), rượu Tỏi đen... Trong đó, có 02 sản phẩm Cà gai leo – linh chi hòa tan (Cagali) và Chè vằng hòa tan (Tralavang) được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 4 năm 2018 với 01 sản phẩm đạt giải Nhì và 01 sản phẩm đạt giải Ba.
 
Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, đã  tập trung ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến... phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Tiêu biểu các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy tiến tiến (sấy ở nhiệt độ thấp) để chế biến, bảo quản một số sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao ở địa phương như: ném, hồ tiêu, thủy hải sản…góp phần bảo quản được nông sản, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm để hình thành hàng hóa thương mại trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung biên soạn Địa chí tỉnh Quảng Trị là một công trình khoa học lớn, là nguồn tài liệu có giá trị khảo cứu về điều kiện tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hóa, xã hội, các phong tục tập quán... của người dân Quảng Trị từ cổ đại đến ngày nay; qua đó thấy được quá trình biến đổi của tự nhiên, sự thay đổi về địa danh, địa giới của tỉnh Quảng Trị và từng địa phương cũng như tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. 
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng và đạt kết quả cao. Sở KH&CN đã triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn lực để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Năm 2018, Sở đã tổ chức tập huấn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 cho 140 học viên của các cơ sở/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 02 lớp áp dụng công nghệ mã số mã vạch, mã QR để quản lý thương phẩm trong chuỗi cung ứng. Hướng dẫn hỗ trợ 30 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu như thiết kế, đăng ký, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký sử dụng mã số mã vạch, mã QR; 09 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn 08 tổ chức, cá nhân xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở... Văn phòng TBT Quảng Trị là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, cập nhật các văn bản (bao gồm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam và các tin cảnh báo của Uỷ ban TBT, WTO); các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Hiệp định TBT và các tin bài liên quan hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đang tích cực triển khai theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Năm 2018, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh; ban hành hướng dẫn, quy trình triển khai thực hiện Chính sách. Đến nay, Sở đã tổ chức các Hội đồng tư vấn thẩm định hồ sơ các dự án đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ (gồm 08 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, 14 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, 03 dự án thuộc lĩnh vực đổi mới công nghệ và trên 12 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp).
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2020, Sở đã hỗ trợ 05 doanh nghiệp/cá nhân tham gia cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Techfesst Bắc Trung Bộ và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Techfesst Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Phối hợp với Đoàn khối các doanh nghiệp, Đoàn trường các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tổ chức 02 lớp tập huấn, 01 lớp huấn luyện về khởi nghiệp dổi mới sáng tạo;  phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Trị và trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị  tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên 2018 thu hút đông đảo sinh viên tham gia với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh duy trì cho vay có hiệu quả đối với 03 doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kỹ thuật, dây chuyền công nghệ mới đầu tư vào sản xuất, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN và Quỹ phát triển KH&CN được chú trọng. Năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã thành lập thêm được 01 doanh nghiệp KH&CN.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng và phát triển thương hiệu đạt kết quả nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng, danh tiếng của các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2018, đã hướng dẫn về mặt nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho 15 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ cho phép cho phép sử dụng tên nhiều địa danh để xác lập các nhãn hiệu tập thể. 09 sản phẩm đặc sản của 09 địa phương trong toàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, năm 2018, chỉ dẫn địa lý hạt tiêu Quảng Trị đã mở rộng khu vực địa lý bao gồm 38 xã, thị trấn trên địa bàn 4 huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa. Đây là tiền đề để sản phẩm đặc sản hồ tiêu Quảng Trị tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định được giá trị, thương hiệu ở trong và ngoài nước. Số lượng các văn bằng về nhãn hiệu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được bảo hộ năm 2018 là 25 văn bằng, cao nhất từ trước đến nay.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân... được triển khai toàn diện. Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Công tác an toàn bức xạ được duy trì và nâng cao chất lượng, đảm bảo việc sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ tại cơ sở an toàn. Công tác thanh tra được tăng cường, đã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, từng bước chấn chỉnh và đưa hoạt động kinh doanh vào nề nếp. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng đối với KH&CN. Tiềm lực, trình độ KH&CN của tỉnh được nâng cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN với Nhật Bản, Thái Lan, CHDCND Lào... có những bước phát triển mới, qua đó đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ nhằm tranh thủ nguồn kinh phí lớn, nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng cao và huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị để nâng cao tiềm lực KH&CN cho tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong nửa cuối nhiệm kỳ 2015-2020, là năm ngành KH&CN tập trung triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2110/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 88-KL/TU ngày 19/7/2018 của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020. Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, ngành KH&CN trong năm 2019 cần tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025, Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 11/7/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh.
2. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến... phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao.
3. Hoàn thành xuất bản công trình Địa chí Quảng Trị. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Rà soát các đề tài đã nghiệm thu ứng dụng trong thực tiễn để có giải pháp phát huy hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Các đề tài triển khai theo hướng có địa chỉ ứng dụng cụ thể, chú trọng hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng kết quả nghiên cứu để tăng giá trị sản phẩm. Tập trung nghiên cứu các lĩnh vực nông nghiệp và cây dược liệu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, các đề tài liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu của Quảng Trị.
4. Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025 của tỉnh Quảng Trị. Hình thành được 01-02 doanh nghiệp KH&CN và 01-02 Quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống của tỉnh, ưu tiên các sản phẩm nằm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” tỉnh Quảng Trị. Tăng cường công tác quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, truyền thống, sản phẩm chủ lực của tỉnh sau khi đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
6. Tăng cường và chuẩn hóa hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vừa bảo vệ lợi ích nhà nước và của người tiêu dùng, đồng thời phải tạo thuận lợi tối đa có thể cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung thanh tra, kiểm tra vào các vấn đề cấp thiết như: đồng hồ đo đếm điện năng, đồng hồ đo nước lạnh, chất lượng xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện - điện tử… Chú trọng phối hợp với đơn vị liên quan để giảm số lần thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.
7. Phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư. Tăng cường phổ biến, triển khai Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) năm 2017. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) năm 2017.
8. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các phòng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Tổ chức hợp nhất 02 đơn vị: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN,Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN thành Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin Khoa học và Công nghệ theo Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 19/11/2018 về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin Khoa học và Công nghệ, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và đưa Trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả.
9. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 của UBND tỉnh và Kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của UBND phường, xã, thị trấn giai đoạn 2015-2020 theo lộ trình.
10. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế về KH&CN với CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Cộng hòa Pháp… nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng cường tiềm lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
11. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN đảm bảo chất lượng, phục vụ và giải quyết các vấn đề KH&CN của ngành và của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển. Tuyển dụng, sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả.
12. Tăng cường tiềm lực KH&CN thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển KH&CN. Tập trung vào việc xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực, nghiên cứu triển khai của các tổ chức KH&CN, các cơ sở ứng dụng và chuyển giao KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, toàn ngành phải triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần phải tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức KH&CN, đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN. Đồng thời phải kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN, tăng cường tiềm lực KH&CN trên các lĩnh vực. Như vậy, hoạt động KH&CN năm 2019 của tỉnh chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc, phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Trần Ngọc Lân - TUV-Giám đốc Sở KH&CN Quảng Trị
lên đầu trang