Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 21:01

Thứ ba, 19/03/2024 | 21:01

Chính sách

Cập nhật lúc 13:55 ngày 22/02/2019

Chuyển hướng đón đầu công nghệ mới

TPHCM có 2 điểm sáng về sản xuất và đầu tư công nghệ là Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Khu Công nghệ cao (SHTP). Hơn 10 năm hình thành và phát triển, 2 khu này đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM. 
Mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng thời nay, không chỉ là cho thuê đất với những ưu đãi để thu hút các công ty công nghệ, mà QTSC và SHTP còn trở thành nơi ra đời của những sản phẩm sáng tạo, đón đầu xu hướng công nghệ mới.
Hơn 10 năm hình thành và phát triển, QTSC và SHTP đã tạo ra những giá trị lớn về công nghệ
Giảm dần doanh nghiệp gia công
Hiện QTSC có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và các doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại QTSC ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó, thị trường xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng với giá trị đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với năm 2017.
Theo đánh giá của Vụ CNTT (Bộ TT-TT), QTSC không chỉ là khu CNTT tập trung được thành lập đầu tiên trong cả nước mà còn là khu được đánh giá hoạt động thành công nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng được đánh giá cao trong khu vực. Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, trong 10 năm đầu hoạt động của QTSC, doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm thế thượng phong, nhưng đến nay, trong tổng số 160 doanh nghiệp hoạt động tại khu, chỉ có 50 doanh nghiệp nước ngoài, còn hơn 100 đơn vị là doanh nghiệp Việt.
Sự chuyển dịch cũng diễn ra bên trong QTSC, không còn chỉ là sản xuất phần mềm mà các doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Phần lõi vẫn là phần mềm nhưng đã gắn thêm với cơ - điện tử, truyền thông… Quan trọng hơn, không ít doanh nghiệp Việt nơi đây cũng chuyển sang đổi mới sáng tạo, tức tự làm ra những sản phẩm công nghệ, giải pháp cung cấp cho khách hàng, thị trường chứ không nhất thiết chỉ gia công, đặt hàng cho các công ty nước ngoài như trước đây.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, QTSC cũng tạo ra những sản phẩm phục vụ doanh nghiệp như triển khai hệ thống đo đếm dữ liệu điện kế từ xa nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ cho khách hàng; tạo ra Smart Water - giải pháp công nghệ quản lý, theo dõi chỉ số nước sử dụng của khách hàng, đọc chỉ số nước tự động hàng tháng, lưu trữ số liệu và xuất ra các thông báo cước phí cho khách hàng theo kỳ thanh toán; hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh…
Ông Lâm Nguyễn Hải Long đề nghị: “Để phù hợp với xu thế chuyển dịch sang sáng tạo, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp hoạt động trong QTSC có thể tự do sáng tạo”.
Chú trọng doanh nghiệp R&D
Tính đến nay, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 150 dự án, trong đó có 93 dự án trong nước và 55 dự án FDI… SHTP hiện có nhà đầu tư thuộc các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil… Đáng chú ý, trong năm 2018, SHTP đã tiếp xúc tại chỗ 81 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đầu tư và tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Trong đó, nhóm ngành sản xuất công nghệ cao được quan tâm nhiều nhất chiếm 49,38%, nhóm nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 25,92%, còn lại là nhóm ngành thương mại dịch vụ và phát triển hạ tầng. Theo SHTP, con số 25,92% từ nhà đầu tư có R&D là “điểm ngắm” vì đây là khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo, một trong những mục tiêu của giai đoạn hiện nay.
Hiện SHTP có những công nghệ đang có tác động lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Cùng với định hướng phát triển của TPHCM xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, SHTP sẽ xây dựng, hoàn thiện một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, để cùng với Đại học Quốc gia TPHCM trở thành “hạt nhân” trong Khu đô thị sáng tạo của thành phố. Song song đó, SHTP cũng đã thành lập 5 phòng thí nghiệm, thu hút 16 tiến sĩ và thạc sĩ đến làm việc. Vườn ươm doanh nghiệp SHTP đã hỗ trợ 25 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công, 100% dự án ươm tạo có công nghệ do chính người Việt Nam sở hữu và phát triển. Đây là những tiền đề lớn trong việc đổi mới sáng tạo ở SHTP.
Theo Ban quản lý SHTP, khu vẫn tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án về khoa học và công nghệ để đáp ứng với tốc độ phát triển hiện hữu như triển khai thi công dự án nâng cấp Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và dự án Đầu tư trang thiết bị MEMS, khởi công xây dựng dự án Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao... Đây là hướng để tiếp cận và đón đầu sự phát triển của công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… 
Các doanh nghiệp Việt trong SHTP cũng đã tạo ra những sản phẩm mang tính thương mại hóa cao như: thiết bị WMC-01, Reader WMC-01, quy trình sản xuất methanol từ hỗn hợp hydro/cacbonic bằng lò phản ứng dạng màng, sản phẩm băng vết thương dạng gel, chế phẩm chống nắng dùng qua đường uống (Biosuncare), thiết bị giám sát chất lượng nước online TCCheck TC-918, sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo, sản phẩm Server xác thực người dùng trên môi trường web và mobile theo tiêu chuẩn FIDO của UAF… Đây là những sản phẩm xuất phát từ quá trình đổi mới sáng tạo.
Nguồn: Sài Gòn giải phóng 
lên đầu trang