Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:40

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:40

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 11:00 ngày 19/03/2019

Nguồn cung dồi dào từ phụ phẩm cho ngành điện

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ–TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, nhiều phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, trấu, rơm và mùn gỗ đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng, tái sử dụng tạo nên nguồn năng lượng lớn.
Trạm biến áp 110 KV của Nhà máy điện sinh khối KCP - Phú Yên với nguồn nguyên liệu là bã mía
Như trong ngành mía đường, tiềm năng năng lượng sinh khối từ bã mía là khá lớn. Nếu tận dụng, khai thác được nguồn bã mía triệt để, hiệu quả thì còn đóng góp sản lượng điện đáng kể, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngành mía đường được coi là ngành công nghiệp sản xuất đa dạng sản phẩm với các cấp độ khác nhau. Sản phẩm cơ bản là sản phẩm từ mía ra đường và các phụ phẩm như bã mía, mật rỉ, bã bùn, đọt mía…. Sản phẩm gia tăng cơ bản, bao gồm: điện biomas, giấy, ván ép (từ bã mía); cồn rượu, ethanol (từ mật rỉ); phân bón hữu cơ vi sinh (từ bã bùn)…. Ngoài ra, ngành mía đường còn có thể cho sản phẩm gia tăng cao cấp như: bê tông tro lò, nhựa sinh học, chất phụ gia cho thực phẩm và chăn nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm…
Hiện ngành mía đường Việt Nam đang bị coi là yếu thế trước cánh cửa hội nhập. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức sản xuất các sản phẩm sau đường là một lợi thế để ngành đường tiếp tục đầu tư phát triển và hội nhập.
Chỉ tính riêng bã mía, các nhà máy đường lớn ở Thái Lan, Brazil… đã coi đây là một nguồn thu chính trong cây mía.  Ở Việt Nam, đã có một số nhà máy đầu tư thiết bị, công nghệ để tận dụng nguồn phụ phẩm này trở thành nguồn thu quan trọng giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành đường.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc đầu tư, tận dụng các tiềm năng sẵn có để sản xuất các sản phẩm từ phế, phụ phẩm của ngành đường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vẫn rất hạn chế. Đặc biệt, tiềm năng phát điện từ bã mía dù rất lớn, nhưng số nhà máy thực hiện còn chiếm tỷ lệ thấp. Chính sách của nhà nước để khuyến khích sản xuất các sản phẩm phụ liên quan đến năng lượng tái tạo như điện bã mía, cồn nhiên liệu sinh học chưa thỏa đáng và kịp thời như nhiều nước trên thế giới.
Mỗi tấn mía cây sử dụng bã sau khi ép có thể sản xuất điện đạt từ 100-120 kWh. Nhưng hiện nay mới có 9/41 nhà máy đầu tư điện sinh khối với tổng công suất thiết kế 362 MW và nối lưới điện quốc gia được trên 100 MW. 
Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LASUCO) là một trong các công ty lớn trong ngành mía đường Việt Nam với công suất ép 7.000 tấn mía ngày. Thay vì đổ bã mía xuống ruộng để cải tạo đất như trước đây, từ năm 2000, phụ phẩm này được công ty sử dụng để sản xuất nhiệt và điện.
Hiện nay, công suất tổ máy phát điện bã mía ở LASUCO là 33,5 MW; trong đó, có khoảng 50% điện lượng sản xuất được sử dụng để sản xuất đường, 50% còn lại được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Quy trình sản xuất điện sinh khối từ bã mía còn giúp LASUCO có nguồn thu gần 10 tỷ đồng/năm từ hợp đồng bán giảm phát thải các bon với đối tác nước ngoài.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị LASUCO, cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành đã mang lại niềm tin để LASUCO đẩy nhanh phát triển năng lượng xanh và hiệu quả. Điện sinh khối góp phần đáng kể để LASUCO nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển xanh bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Lê Văn Tam kiến nghị, hiện nay, EVN đang mua điện từ phát điện bã mía với mức giá 5,8 cent/kWh (tương đương với 1.220 đồng/kWh), thấp hơn mức giá 7,4 cent/kWh cho điện từ các nhà máy điện sinh khối. LASUCO kiến nghị nhà nước mua điện bã mía với giá 8,5 cent/kWh, bằng mức giá bình quân của năng lượng tái tạo.
Hay Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Điện sinh khối từ bã mía tại An Khê - Gia Lai với công suất thiết kế 110 MW. Ngoài phát điện phục vụ nội bộ cho sản xuất đường, công ty còn cấp bán lên lưới điện quốc gia, doanh thu ước đạt 300 tỷ đồng/năm.
Theo ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, ngoài mang lại doanh thu, hoạt động của nhà máy điện sinh khối còn tạo ra động lực thúc đẩy hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Đặc biệt, nguồn bã mía thải ra từ sản xuất đường sẽ được sử dụng triệt để cho việc sản xuất điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty đã đầu tư đồng bộ hóa từ khâu giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân trồng mía.
Theo Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 triệu tấn mía và năm 2030 có khoảng 24 triệu tấn mía.
Với lượng mía trên, năm 2020, sản lượng điện sinh khối có thể đạt 2,4 triệu MWh; trong đó, sản lượng điện cấp lên lưới điện quốc gia đạt 50%, khoảng 1,2 triệu MWh.
Năm 2030, ngành đường phấn đấu sản xuất được 2,4 triệu MWh điện, tăng 169% so với năm 2016, tương ứng tổng công suất phát 970 MW, đóng góp vào chương trình an ninh năng lượng quốc gia.
Để đạt kết quả trên, theo ông Phạm Quốc Doanh, các nhà máy đường cần tiếp tục đầu tư chiều sâu hệ thống lò hơi, tuốc bin và máy phát điện hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất điện từ bã mía. Ngành mía đường cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giá điện sinh khối, không phân biệt giá điện của nhà máy thuần phát điện và nhà máy đồng phát điện bã mía.
Ông Phạm Quốc Doanh cho biết, Quyết định 24/2014/QĐ-TTg đã giúp các nhà máy đường giải quyết được việc bán điện không ổn định, giá cả không rõ ràng, tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các nhà máy quan tâm đầu tư điện sinh khối.
Tuy nhiên, hiện giá điện đồng phát sinh khối từ bã mía là 5,8 cent/kWh trong khi điện sinh khối từ các nguồn nguyên liệu khác là hơn 7 cent/kWh. Các nhà máy mong muốn được “bình đẳng” trong cách tính giá điện sinh khối để hấp dẫn các nhà máy đầu tư. Như vậy mới tạo được làn sóng đầu tư điện sinh khối trong ngành mía đường, góp sản lượng điện đáng kể vào nguồn cung điện quốc gia, ông Phạm Quốc Doanh kiến nghị.
Nguồn: Báo Dân tộc và Miền núi 
lên đầu trang