Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:34

Thứ năm, 18/04/2024 | 18:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:05 ngày 11/04/2019

Tăng cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho doanh nghiệp dệt may

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu (Saigon Tex & Saigon Farbic 2019) đã khai mạc sáng ngày 10/4, tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của 150 đơn vị triển lãm với hơn 1.000 nhà cung ứng đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều DN trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển.
Saigon Tex & Saigon Farbic 2019 trưng bày các sản phẩm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu tiên tiến nhất phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp dệt may. Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều hội thảo với những chia sẻ thú vị, bổ ích đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về những thách thức thay đổi của ngành, xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng trong ngành dệt may.
Nhận định về sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, trong năm 2018, doanh nghiệp dệt may đã đạt mức kim ngạch xuất khẩu tới hơn 36 tỷ USD, do những thế mạnh về tay nghề kỹ thuật cao, tiêu chí sản xuất xanh, quản trị tiên tiến, và quan hệ sâu với khách hàng truyền thống... Tuy nhiên, thị trường dệt may thế giới ngày một thách thức hơn, khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, khiến ảnh hưởng tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu mạnh cũng coi Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2019 và tương lai gần, thì ngành càng cần đổi mới cạnh tranh bằng các phương pháp thông minh hơn.
Ông Trường khẳng định, các doanh nghiệp dệt may không còn cách nào khác là phải sở hữu “bộ công cụ cạnh tranh” mới, bao gồm: tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa. Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các doanh nghiệp với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh những năm tới.
Đây cũng là nguyên nhân Saigon Tex & Saigon Farbic 2019 được kỳ vọng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tích lũy cho mình “bộ công cụ cạnh tranh” mới.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, triển lãm năm nay sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để đầu tư trực tiếp vào nguyên liệu thô và tích cực đáp ứng nhu cầu của người mua trong nước và quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam dự kiến là 40 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới nếu các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại đã được ký kết và nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ.
Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các buổi hội thảo do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hội Dệt may Thêu – Đan TP. HCM, Vinatex, Hiệp hội Bông Mỹ… tổ chức, với các diễn giả giàu kinh nghiệm, tập trung vào các chủ để: “Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành Dệt May Việt Nam”; “Thông tin – Công cụ quan trọng cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh của DN trong thời đại công nghiệp 4.0”; “Tối ưu hóa năng suất kéo sợi với Bông Mỹ và các công nghệ kéo sợi mới”; “Cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng trong DN”; “Quản lý chất lượng 4.0 – công cụ cần thiết giúp DN vượt rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) trước ngưỡng cửa CPTPP”…
Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 13/4/2019.
Hà Linh tổng hợp
lên đầu trang