Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:01

Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:01

Chính sách

Cập nhật lúc 12:59 ngày 17/04/2019

Đồng Nai: Gần 4 tỷ USD đầu tư vào công nghiệp

Đến cuối tháng 3-2019, nguồn vốn mà các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ước tính đạt hơn 5 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 4 tỷ USD (gần 93 ngàn tỷ đồng). Cho vay lĩnh vực công nghiệp - xây dựng hiện đang chiếm khoảng 60% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa)
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, công nghiệp - xây dựng của tỉnh chiếm gần 60% trong tổng GRDP toàn tỉnh nên cho vay trên lĩnh vực này chiếm khoảng 60% trong tổng dư nợ là phù hợp với kế hoạch tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
* Dành vốn cho công nghiệp
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại Đồng Nai đều phải vay vốn từ các ngân hàng. Giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng khá, các doanh nghiệp không ngừng mở rộng sản xuất nên nhu cầu về vốn vay cũng nhiều hơn. Tìm hiểu tại các ngân hàng trong tỉnh cho thấy, dư nợ cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu chiếm 40-60% trong tổng dư nợ.
Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Đến cuối tháng 3-2019, tổng dư nợ của Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khoảng 11 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chiếm 60%. Tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp này cũng dưới mức cho phép”.
Nguồn vốn rót vào doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều song tỷ lệ nợ xấu lại thấp, điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động tương đối hiệu quả. Nguồn vốn được dùng mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng để nâng công suất mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc HDBank chi nhánh Sở giao dịch Đồng Nai cho hay: “HDBank chi nhánh Sở giao dịch Đồng Nai đã cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến, kinh doanh vay hơn 4 ngàn tỷ đồng, chiếm 40% trong tổng dư nợ và tăng khoảng 5% so với dịp đầu năm. Đây cũng là lĩnh vực mà ngân hàng cho vay nhiều nhất, các lĩnh vực khác chỉ 10-20%”.
Để tạo thuận lợi cho khách hàng, các ngân hàng hiện khá linh hoạt, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Những doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu, có hoạt động ổn định rất dễ tiếp cận vốn. Nhiều ngân hàng cho vay đến 70-80% giá trị tài sản doanh nghiệp có được; khách hàng có thể thế chấp ngay máy móc, thiết bị, nhà xưởng đang xây dựng để vay vốn tiếp tục đầu tư.
* Góp sức cho công nghiệp tăng trưởng
Về điều hành tín dụng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát nên mức tăng tín dụng tối đa sẽ là 14%. Nguyên tắc chung là mở rộng tín dụng nhưng phải đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghệ cao. Căn cứ vào yêu cầu trên, các ngân hàng trên địa bàn Đồng Nai tập trung vốn vay cho những lĩnh vực ưu tiên và sản xuất công nghiệp, hạn chế đổ tiền vào lĩnh vực rủi ro cao là bất động sản, chứng khoán.
Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai
Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc BIDV chi nhánh Biên Hòa cho biết: “Dư nợ cho vay của BIDV Biên Hòa là 11 ngàn tỷ đồng, riêng cho vay các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gần 4,5 ngàn tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngoài những lĩnh vực ưu tiên theo quy định thì công nghiệp vẫn là lĩnh vực sẽ được ngân hàng rót vốn vào nhiều nhất”.
Nguồn vốn cho vay dồi dào, thị trường khởi sắc là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy công nghiệp tại Đồng Nai phát triển. Trong quý I-2019, giá trị ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đều có mức tăng trưởng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định, nguồn vốn cho vay không thiếu, song muốn tiếp cận được doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí của ngân hàng đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đánh giá: “Nguồn tiền các ngân hàng ở Đồng Nai đổ vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trên 116 ngàn tỷ đồng. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên vốn vay cho lĩnh vực này chiếm tỉ trọng cao là phù hợp với xu hướng phát triển”.
Cũng theo ông Mạnh, riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh được vay hơn 39,1 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 20% trong tổng dư nợ, tăng gần 5,5% so với cùng kỳ. Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay vốn ở Đồng Nai còn rất lớn, song đang gặp khó khăn vì không có đủ tài sản để thế chấp.
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có 42 ngân hàng với 56 chi nhánh ngân hàng, 217 phòng giao dịch trực thuộc và 36 quỹ tín dụng nhân dân cho vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đến ngày 31-3-2019 là trên 194,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Trong đó nợ xấu ước chiếm 0,9% trên tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay tăng trưởng cao ở đối tượng là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho vay ngắn hạn 6-9%/năm, trung dài hạn 9-11%/năm.
Nguồn: Báo Đồng Nai 
lên đầu trang