Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:37

Thứ năm, 25/04/2024 | 07:37

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 12:59 ngày 17/04/2019

Chú trọng nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) là hướng đi của Việt Nam trong bảo đảm an ninh năng lượng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để nguồn năng lượng này đi vào khai thác, sử dụng hiệu quả cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện tại các khu vực “bùng nổ” dự án NLTT.
Đón nhận "làn sóng" đầu tư vào năng lượng tái tạo
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, để bảo đảm đủ năng lượng cho nền kinh tế phát triển, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000MW năm 2030 so với 47.000MW hiện nay. Như vậy, từ nay tới năm 2030 khoảng 83.000MW nguồn điện mới cần được xây dựng và đưa vào vận hành, cùng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Theo khuyến nghị của các chuyên gia năng lượng, để Việt Nam có thể tăng nguồn cung năng lượng mà vẫn bảo đảm yếu tố môi trường thì cần chuyển đổi cơ cấu năng lượng hợp lý, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, khuyến khích vai trò đầu tư tư nhân trong phát triển năng lượng, đặc biệt là nguồn NLTT.
Đồng tình với những gợi ý này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển NLTT để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống. Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn NLTT dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng, như: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng NLTT cho thấy, đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000MW thủy điện nhỏ; 20.000MW điện gió; 3.000MW điện sinh khối; 35.000MW điện mặt trời.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Tập đoàn Sơn Hà
Trên thực tế, Việt Nam đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển NLTT tại Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2018, Việt Nam đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212MW. Về điện mặt trời, mặc dù mới được các nhà đầu tư quan tâm phát triển, nhưng đến cuối năm 2018, đã có khoảng 10.000MW được đăng ký, trong đó có 8.100MW được bổ sung quy hoạch, hai dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86MW. Tổng công suất nguồn điện từ NLTT (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.
Gỡ vướng mắc từ hệ thống lưới điện 
Tiềm năng NLTT của Việt Nam là rất lớn, song nhiều chuyên gia lo ngại, khó khăn lớn nhất của việc phát triển nguồn năng lượng mới này là năng lực truyền tải của hệ thống điện chưa đáp ứng được công suất này, gây ra lãng phí đầu tư xã hội. Đơn cử như về các dự án năng lượng mặt trời, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho hay, hiện nay, các dự án điện mặt trời đang tập trung ở một số địa phương, chủ yếu là miền Trung, nơi có cường độ bức xạ lớn. Cụ thể, trong hai năm qua, chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh, điều này đang gây khó khăn cho hệ thống truyền tải tại đây. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 đến 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng một năm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, việc phát triển nhanh các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức, như: Chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp; cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về NLTT chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời); các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ NLTT trong hệ thống tăng lên... Trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này. Còn ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học-Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Để các dự án điện NLTT đạt hiệu quả khả thi, quan trọng nhất là cần phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư điện NLTT (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời), trong đó có tính đến yếu tố rủi ro. Bởi việc phát triển dự án điện NLTT tại Việt Nam còn khá mới mẻ và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên rủi ro lớn, nhà đầu tư cần nhận dạng và quản lý rủi ro.
Đưa ra giải pháp để NLTT có thể hòa điện lưới quốc gia, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển các dự án NLTT cần tính đến yếu tố là khu vực có tiềm năng lớn, khu vực có nhu cầu tiêu thụ và có tính đến khả năng truyền tải của hệ thống lưới điện. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh phát triển NLTT cũng cần phải chú ý tới một số đặc điểm như công suất phát của các nguồn điện này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, độ bất ổn định khá lớn, nên cần có giải pháp ổn định chất lượng điện năng để bảo đảm hệ thống điện vận hành được ổn định.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, để giải phóng được công suất của dự án NLTT, cần thiết phải sớm ban hành quy định về lưới điện truyền tải, khuyến khích các nhà đầu tư NLTT đầu tư vào công nghệ phù hợp nhằm giúp giảm thấp nhất áp lực lên lưới điện quốc gia. Khu vực miền Trung có tiềm năng lớn về điện mặt trời, do đó cần khẩn trương xây dựng, nâng cấp các đường dây truyền tải điện quốc gia chạy qua khu vực này. Có lẽ nên ưu tiên vốn Nhà nước cho việc xây dựng các đường dây tải điện, cùng với đó có giải pháp xã hội hóa trong việc xây dựng các đường truyền tải.
Nguồn: Quân đội nhân dân 
lên đầu trang