Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 08:28

Thứ tư, 24/04/2024 | 08:28

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:49 ngày 27/04/2019

Việt Nam - Hàn Quốc: Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp robot và tự động hóa

Chính phủ Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên hàng đầu cho ngành công nghiệp robot và tự động hóa thông qua Chiến lược phát triển khoa học và công nghiệp giai đoạn 2011- 2020. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới với tỷ lệ sử dụng robot trong các ngành công nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tìm kiếm và kiến tạo hợp tác kinh doanh thực tiễn trong lĩnh vực này.
Đó là nhận định của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp tại Hội thảo xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và Trung tâm hợp tác ASEAN-Hàn Quốc (AKC) tổ chức vào ngày 26/4.
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại. Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7.700 dự án với tổng vốn đầu tư 64 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai nước năm 2018 đạt 62,6 tỷ USD. Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015 mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, đưa kim ngạch thương mại dự kiến lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện, Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và dành ưu tiên hàng đầu cho cuộc cách mạng 4.0. Theo đó, nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
Kết quả là việc ứng dụng robot trong môi trường công nghiệp của Việt Nam gần đây đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo Liên đoàn Robot học quốc tế, vào năm 2017, đã có 8.252 sản phẩm robot được bán tại Việt Nam, vượt qua các nước Singapore (4.500 robot), Thái Lan (3.400 robot) và trở thành thị trường robot lớn thứ 7 trên thế giới.
Mặt khác, Hàn Quốc cũng là một quốc gia sở hữu năng lực cạnh tranh toàn cầu và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực robot và công nghiệp tự động hóa. Đặc biệt, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới với tỷ lệ sử dụng robot trong các ngành công nghiệp. Cụ thể, năm 2017, Hàn Quốc sử dụng 710 robot cho mỗi 10.000 công nhân viên, vượt qua Singapore và đạt kỷ lục mật độ sử dụng robot cao nhất thế giới.
“Mong doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ là những nhà đầu tư đến tìm kiếm đối tác mà sẽ là những nhà đầu tư thực tiễn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước Việt Nam” – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Ông Lee Hyuk - Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc - cũng kỳ vọng, năng lực công nghệ và kinh nghiệm phong phú của Hàn Quốc nếu được chắp nối tại môi trường công nghiệp của Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam.
Tuy nhiên, việc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp robot và tự động hóa giữa hai nước vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, liên quan đến phương án tài chính hay phát triển công nghiệp hỗ trợ… Ông Kim Do - huyn - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - cho hay, hiện nay, tại Việt Nam đã có sự hiện diện của nhiều tổ chức tài chính, tuy nhiên, chưa có một tổ chức tài chính nào chuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Ngân hàng Công nghiệp IBK là bạn đồng hành của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Mong rằng, thủ tục thành lập tư cách pháp nhân tại Việt Nam của Ngân hàng IBK được triển khai nhanh chóng để IBK có thể tạo lập nền tảng tài chính, thúc đẩy khởi nghiệp, xa hơn nữa là thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với vị trí là ngân hàng chuyên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tiên tại Việt Nam” - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất.
Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được nhiều bước phát triển trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất và linh kiện/phụ tùng vốn là nền tảng để phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước Đông Nam Á khác. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn nguyên liệu sản xuất và linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài. Trên thực tế, đa phần lượng xuất siêu của Hàn Quốc sang Việt Nam cũng bắt nguồn từ đây.
“Hy vọng rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự hội thảo sẽ tìm ra nhiều cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Đây sẽ trở thành một nền tảng tìm kiếm, kiến tạo ra các cơ hội kinh doanh thực tiễn giữa Việt Nam và Hàn Quốc” – Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Báo Công Thương


lên đầu trang