Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:32

Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:56 ngày 03/05/2019

Ngành than: Khoa học & công nghệ là “chìa khóa” tăng trưởng

Trong bối cảnh khai thác than ngày càng xuống sâu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khai thác than

Công nghệ ngang tầm thế giới
Hội nghị tổng kết công tác kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò giai đoạn 2014-2018, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2019-2023 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2014-2018, việc triển khai áp dụng công nghệ mới trong đào lò, khai thác được lãnh đạo TKV quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhằm cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nâng cao năng suất, giảm giá thành khai thác. Các công nghệ tiên tiến của các nước có nền công nghiệp khai khoáng phát triển (Nga, Nhật Bản, Ba Lan, Trung Quốc...) đã dần được đưa vào thử nghiệm, đánh giá và triển khai áp dụng tại các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Thời điểm hiện tại, TKV được đánh giá không thua kém bất cứ tập đoàn lớn nào trên thế giới về mặt công nghệ khai thác than hầm lò. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ khai thác bằng cơ giới hóa (CGH) đồng bộ và các công nghệ tiên tiến để nâng cao công suất lò chợ phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa chất khu vực. Trong khi các nước trên thế giới có một thuận lợi lớn nhất là trữ lượng than hầm lò tập trung tại các vỉa than dày, góc dốc thoải, chiều dài theo phương lớn và ổn định thì hầu hết các mỏ than hầm lò tại Tập đoàn là các vỉa than có chiều dày từ mỏng đến dày trung bình, góc dốc lớn, chiều dài theo phương ngắn và thường bị chia cắt bởi các phay phá địa chất. Vì vậy, việc triển khai áp dụng công nghệ CGH đồng bộ và các công nghệ tiên tiến để nâng cao công suất lò chợ của Tập đoàn trong những năm vừa qua vẫn đang chỉ dừng lại ở mức lựa chọn được một số đơn vị có điều kiện thuận lợi để áp dụng và dự kiến sau này sẽ nhân rộng tại các đơn vị có điều kiện địa chất tương tự, còn lại chủ yếu là các công nghệ khai thác truyền thống.
Trong giai đoạn từ năm 2014-2018, sản lượng của các lò chợ áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến (CGH, giàn mềm, giá khung, giá xích) đang tăng dần qua các năm, thay thế cho các lò chợ áp dụng công nghệ cũ, kém hiệu quả, lạc hậu (giá thủy lực di động, phân tầng, ngang nghiêng, buồng cột).
Ở công tác thông gió mỏ, hiện nay các mỏ hầm lò trong TKV đều được trang bị đủ trạm quạt gió chính có hệ thống đảo chiều; việc đảo chiều gió được thực hiện theo quy định 2 lần/năm. Các đơn vị đã kiểm toán lại mạng gió, cải tạo nâng cấp và đầu tư mới quạt gió chính có lưu lượng, hạ áp đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng, đảm bảo điều kiện vi khí hậu cho người lao động. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng 10 cửa gió tự động ở các đơn vị: Nam Mẫu, Khe Chàm, Thống Nhất, Dương Huy; đang triển khai tự động hóa trạm quạt gió chính ở Công ty than Mạo Khê. Các mỏ hầm lò đã đầu tư quạt cục bộ có cơ cấu giảm thanh, quạt đa cấp, ống gió có đường kính từ lớn (700-1.200 mm) để thông gió cho các gương lò dài, gương lò cơ giới hóa. Tính đến hết 2018, các đơn vị trong Tập đoàn đang quản lý và sử dụng 455 quạt đa cấp các loại, 983 quạt đơn cấp; việc đầu tư các quạt đa cấp để hạn chế việc lắp nối tiếp nhiều quạt thông gió cho một gương lò dài.
Đầu tư mạnh cho khoa học
Theo kế hoạch của TKV, trong 5 năm từ 2019-2023, mục tiêu điều hành kế hoạch của Tập đoàn là duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là thợ lò. Phấn đấu đến năm 2023, sản lượng than khai thác bằng CGH (CGH đồng bộ, CGH loại nhẹ và các loại hình CGH khác) đạt 20-25% tổng sản lượng than khai thác hầm lò. Phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ mét lò neo đạt 23-25% tổng mét lò đào mới. Không để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng về khí, cháy mỏ, bục nước mỏ và ngập mỏ hầm lò, đáp ứng các yêu cầu ổn định sản xuất của mỏ.
Riêng trong năm 2019, Tập đoàn đã có chỉ đạo các đơn vị, đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2019 trên cơ sở bám sát thực tế, nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh ngay từ tháng đầu năm. Cụ thể, TKV tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức quản lý và sản xuất, đưa khoa học công nghệ với 3 trọng tâm "Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa" vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (từ khai thác, sàng tuyển, chế biến). Coi khoa học công nghệ là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí. Tăng cường bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận công nghệ mới, tiến tới vận hành quản lý nguồn nhân lực bằng tin học hóa. Đặc biệt, ứng dụng CGH đồng bộ trong khai thác than hầm lò; chú trọng việc triển khai nghiên cứu áp dụng cơ giới hoá hạng nhẹ, để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nguy cơ mất an toàn.
Năm 2019, phấn đấu đạt và vượt 15,5% sản lượng than khai thác. Đối với sản xuất lộ thiên, đẩy mạnh sử dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn, tiếp tục nghiên cứu triển khai công nghệ vận tải liên hợp ôtô - băng tải; nghiên cứu triển khai các hệ thống điều khiển tự động tổ hợp vận tải mỏ; áp dụng đồng bộ các hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động… từ đó nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên.
Theo VEN.vn
lên đầu trang