Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:13

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:13

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:50 ngày 09/05/2019

Kỳ vọng vai trò đột phá của DN công nghệ

Các chủ đề lớn được thảo luận tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam, trong ngày 9/5, nhằm xác định rõ định hướng phát triển của các DN công nghệ với vai trò đột phá về kinh tế số trong những năm tới.
Theo CEO Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân, nhìn sang 2 quốc gia lớn trên thế giới rất mạnh về công nghệ thông tin (CNTT) là Trung Quốc và Ấn Độ, có thể thấy trong khi Ấn Độ là nước xuất khẩu phần mềm, có rất nhiều lập trình viên, tạo rất nhiều doanh thu; Trung Quốc là quốc gia tạo được ấn tượng mạnh trên thế giới về các sản phẩm công nghệ.
Trung Quốc hiện nay đang có những tên tuổi lớn như Huawei, Tencent, Baidu… Các DN công nghệ của Trung Quốc sản phẩm phục vụ thị trường nội địa trong nước trước. Và khi có được sản phẩm bán được, cạnh tranh được trong nước thì bắt đầu họ phát triển xuyên biên giới, đưa ra nước ngoài.
Trong kỷ nguyên số, nếu DN Việt Nam có nội dung, phần mềm, công nghệ khẳng định được mình thì cơ hội không chỉ đến với DN đó mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Tân đồng tình với chủ trương, định hướng chiến lược phát triển những sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”. Các DN công nghệ Việt Nam sở hữu, làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm của mình, chúng ta mang sản phẩm của doanh nghiệp mình ra nước ngoài kinh doanh.
Từ góc độ của một công ty công nghệ có hơn 600 lập trình viên đang làm các sản phẩm phục vụ thị trường Việt Nam, ông Tân cho rằng, các doanh nghiệp có tiền vốn, có đội ngũ nhân sự của mình, nếu họ muốn làm, nhìn thấy cơ hội kinh doanh, thấy được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, thì họ sẽ “đổ tiền, đổ của, đổ lực” để làm.
Ông Nguyễn Thế Tân nhận xét vài năm trở lại đây, chính sách ưu đãi cho các DN trong nước đang dần tốt lên. Tuy nhiên, chính sách pháp lý còn áp dụng tư duy cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện tại, rất cần tháo gỡ những bất lợi, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các DN công nghệ Việt Nam.
“Nhìn khung chương trình Diễn đàn, tôi thấy rằng có sự đồng lòng của Chính phủ. Với quan điểm thúc đẩy phát triển mới, với các hạng mục cho phép các doanh nghiệp tham gia góp ý, tháo gỡ, tôi nghĩ rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ cùng muốn làm”, ông Tân nói.
Còn ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Haravan cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp được các doanh nghiệp nước ngoài.
“Với kinh nghiệm 5 năm hoạt động tại Việt Nam, có thể tự tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp được các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, với những ứng dụng công nghệ đó, các DN Việt Nam cũng phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh trước DN nước ngoài và thúc đẩy kinh tế tại Việt Nam phát triển”, ông Hải cho biết.
Nói về kinh nghiệm tiếp cận thị trường Việt Nam, đại diện Haravan chia sẻ, khi áp dụng công nghệ từ thế giới về Việt Nam, phần nhiều có những giải pháp trị giá hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu USD, chỉ có doanh nghiệp lớn mới có thể mua và ứng dụng. Trong khi đó, với số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, việc ứng dụng các giải pháp đó là không thể do không có kinh phí, không phù hợp. Đứng trước thực tế này, Haravan đã đóng gói, đưa ra giải pháp với chi phí phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp được ứng dụng những công nghệ không thua kém nước ngoài. ““Với công nghệ, người trẻ Việt Nam có cơ hội được thể hiện khát vọng của mình ra thị trường thế giới. Công nghệ chính là đại diện cho trí tuệ Việt Nam. Việc tổ chức những Diễn đàn về công nghệ như thế này cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, coi công nghệ là ngành mũi nhọn. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi trên sân nhà”, ông Văn khẳng định.
Ngoài câu chuyện chính sách, ông Trần Việt Hùng, CEO của startup công nghệ Got It! đề cập đến vấn đề không mới nhưng vô cùng bức thiết hiện nay đó là số lượng cũng như chất lượng đội ngũ nhân lực công nghệ.
Ông Hùng dẫn lại những ví dụ kinh điển về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thời gian qua. Cách đây 1 năm khi Facebook mua lại Instagram với giá một tỷ USD, công ty được mua lại chỉ gồm 14 người, trong đó có 9 kỹ sư. Hoặc khi Facebook mua Whatsapp với giá 19 tỷ USD, công ty này có 60 kỹ sư. Số lượng nòng cốt không nhiều, nhưng tất cả đều ở mức siêu giỏi.
"Tại Việt Nam, kỹ sư công nghệ vẫn còn một khoảng cách nhất định với thế giới. Nhân lực Việt có thể sẵn sàng khi gia công phần mềm, nhưng để làm ra sản phẩm thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Người làm công nghệ muốn tiến xa cần rèn luyện thêm kỹ năng mềm, tiếng Anh", ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh.
Xác nhận tham dự Diễn đàn, nguyên cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, TS. Youngrak Choi nhận định Việt Nam có nhiều đặc điểm về công nghệ tương đồng với Hàn Quốc nhiều năm trước. Theo ông, các doanh nghiệp và Chính phủ cần đạt được những thỏa thuận thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, Việt Nam nên lập kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ song hành với kế hoạch phát triển kinh tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn, TS. Youngrak Choi sẽ trình bày về chặng đường hơn 50 năm đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo trở thành cường quốc đi đầu về công nghệ. Ông cũng đưa ra những lời khuyên phát triển phù hợp với tình hình hiện tại của khối doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam là cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành với các DN công nghệ về nhiều vướng mắc liên quan đến hệ thống chính sách.
Từ đó, các DN sẽ kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội cho phát triển DN công nghệ.
Thế Chiến tổng hợp
lên đầu trang