Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:09

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:09

Chính sách

Cập nhật lúc 15:54 ngày 11/05/2019

Vướng mắc trong chính sách thu hút nhà khoa học trẻ

Thời gian qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí cho cán bộ khoa học trẻ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp, tham dự hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ trẻ, có trình độ vẫn gặp không ít khó khăn, nguyên nhân do bị hạn chế số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) tại các viện nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh làm việc trong phòng thí nghiệm tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trước đây các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam được ký hợp đồng lao động theo nhu cầu công việc, không bị hạn chế số lượng. Trong đó có từ hơn 1.000 chỉ tiêu hợp đồng, với cơ chế lương và chế độ khác do các đơn vị chi trả từ nguồn thu sự nghiệp (như đấu thầu các đề tài, dự án…). Từ năm 2017 đến nay, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam được Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu số lượng người làm việc, gồm: người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (biên chế), người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Trên cơ sở tổng số chỉ tiêu hợp đồng được giao, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam phân bổ cho các viện nghiên cứu trực thuộc. Tuy nhiên sau hai năm thực hiện cho thấy, việc giao chỉ tiêu người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập không phù hợp đặc thù ngành khoa học. Các đơn vị cho rằng, không nên giao chỉ tiêu đối tượng này mà nên linh hoạt cho phép thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định số lượng và chịu trách nhiệm trên cơ sở nhu cầu lao động và nguồn kinh phí của đơn vị.
Viện Khoa học vật liệu là đơn vị cần nhiều nhân lực nhất của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, hiện đang triển khai 10 đề tài cấp nhà nước, gần 30 đề tài của Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia, ngoài ra còn có hoạt động đào tạo tiến sĩ, triển khai ứng dụng nghiên cứu. Để đáp ứng các nhiệm vụ nêu trên, Viện Khoa học vật liệu cần từ 60 đến 70 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị, nhưng hiện chỉ được giao 49 chỉ tiêu. PGS, TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu băn khoăn, trong khi đơn vị cần thêm nhân lực, tạo được việc làm cho người lao động và ngân sách nhà nước không phải chi trả lương và các chế độ khác thì việc hạn chế chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập là không hợp lý, không thể hiện được tính tự chủ của đơn vị. Tương tự, Viện Công nghệ sinh học chưa biết giải quyết tình trạng thiếu nhân lực như thế nào khi sắp tới Trung tâm giám định hài cốt liệt sĩ và Trung tâm nghiên cứu về tế bào gốc đi vào hoạt động, sẽ cần thêm khoảng 60 người làm việc. Viện Công nghệ môi trường cũng cho rằng, việc hạn chế số lượng người lao động ngoài biên chế ảnh hưởng tiến độ thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, nhất là những nhiệm vụ do Chính phủ giao đơn vị tham gia giám sát các điểm nóng môi trường trên cả nước.
Để có đủ người làm việc, một số đơn vị đã ký hợp đồng khoán theo vụ việc, nhưng hình thức này không hấp dẫn người lao động vì không có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, nhiều trường hợp chỉ làm vài tháng rồi nghỉ, các đề tài nghiên cứu bị ảnh hưởng tiến độ. Có đơn vị nhờ các doanh nghiệp đối tác ký hợp đồng với người lao động, còn viện nghiên cứu chịu trách nhiệm bảo đảm việc làm và trả lương, nhưng cũng không tạo được sự yên tâm cho người lao động khi họ cần môi trường nghiên cứu, đào tạo và học tập để nâng cao trình độ.
Theo các nhà khoa học, việc hạn chế số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay sẽ khó thu hút cán bộ nghiên cứu trẻ, tài năng về làm việc ở các viện nghiên cứu. PGS, TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho rằng, đặc thù nghiên cứu khoa học là cần có đội ngũ cán bộ kế cận được đào tạo bài bản. Trước đây, khi chưa bị hạn chế chỉ tiêu hợp đồng, các viện nghiên cứu thường tuyển dụng cán bộ trẻ, sau đó phải trải qua quá trình đào tạo khoảng từ 4 đến 5 năm ở trong nước hoặc nước ngoài thì mới đảm đương được công việc. Với cơ chế hiện nay, có nguy cơ thiếu lực lượng kế cận được đào tạo chuyên sâu. PGS, TS Đoàn Đình Phương chia sẻ, nghiên cứu khoa học vật liệu là hướng ưu tiên của nhà nước, do đó đơn vị rất cần thu hút người tài để cử đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng hiện nay không triển khai được. Nếu nghiên cứu khoa học không có đội ngũ cán bộ nguồn được đào tạo từ nước ngoài thì khoa học sẽ đi xuống.
Từ những bất cập nêu trên, các nhà khoa học cho rằng, các cơ quan chức năng cần linh hoạt cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định số lượng cán bộ hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Việc tuyển dụng không làm tăng biên chế, không ảnh hưởng ngân sách nhà nước và nhằm bảo đảm hoạt động hiệu quả của các đơn vị. Mô hình tổ chức của nhiều viện nghiên cứu trên thế giới chỉ có một số ít cán bộ biên chế, còn lại hầu hết là lao động hợp đồng, tùy theo tính chất công việc, dự án, đề tài. Mô hình này cần được nghiên cứu áp dụng để giải quyết bất cập hiện nay tại các viện nghiên cứu, tạo động lực cho khoa học phát triển.
HÀ LINH - báo Nhân dân
lên đầu trang