Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:02

Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:02

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 11:00 ngày 30/08/2019

BSC và KPIs công cụ đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Bản đồ chiến lược BSC và KPIs là một công cụ quản trị nền tảng để đạt được một chiến lược hài hòa giữa Kinh doanh – tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ doanh nghiệp và Con người, nhằm giúp ban lãnh đạo truyển đạt chiến lược lâu dài tới các cán bộ, công nhân viên.
Công ty Cổ phần Thời trang Thể thao Chuyên nghiệp Giao Yến (Pro-Sports Giao Yến) là Công ty sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu, thị trường xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có quy mô trên 1000 lao động. Với hơn 10 năm phát triển tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Pro Sports Giao Yến có thể được coi là một doanh nghiệp có tiếng nói trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.
Công ty cung cấp việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và góp phần phát triển ngành công nghiệp địa phương nhờ đầu tư bài bản vào công nghệ, máy móc cũng như nguồn nhân lực của nhà máy. Cụ thể, nhờ mạnh dạn áp dụng Bản đồ Chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động KPIs, Pro Sports Giao Yến đã và đang có những bước tiến vững chắc dựa trên chiến lược lâu dài, hướng tới hoàn thành mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp.
Được giới thiệu vào những năm đầu thập niên 90, Bản đồ Chiến lược (BSC) là một trong những nền tảng hàng đầu cho quản trị chiến lược. BSC kết hợp 4 góc nhìn khác nhau trong kinh doanh – Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ doanh nghiệp, và con người – nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và đạt được những mục tiêu chung của tổ chức. Bản đồ Chiến lược không tạo ra chiến lược, thay vào đó, nó tổ chức, sắp xếp lại chiến lược ở một hình thức mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát và trao đổi.
Bộ chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPIs) là một phần quan trọng trong hệ thống thông tin nội bộ doanh nghiệp. KPIs là công cụ cần thiết giúp cho các doanh nghiệp xác định mức độ đạt được mục tiêu kinh doanh. Với KPIs, các cấp quản lý cũng như các nhân viên trong doanh nghiệp có thể nhận thức được là từng cá nhân, bộ phận hay toàn doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không và nếu không thì đâu là điểm cần được được chú ý.
Sự kết hợp của BSC và KPI không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi tầm nhìn và chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá bộ máy nhân sự mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững thông qua việc quản lý và đo lường hiệu suất, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của từng phòng ban, cá nhân trong doanh nghiệp. Trong khi BSC chỉ giúp triển khai các chiến lược thành các mục tiêu chiến lược và mục tiêu cho các viễn cảnh tài chính, khách hàng, nội bộ và nghiên cứu & phát triển; thì KPI sẽ giúp triển khai các mục tiêu chiến lược đến các phòng ban, bộ phận và đặc biệt là từng cá nhân trong doanh nghiệp.
Sau 5 tháng áp dụng thí điểm BSC và KPIs, Pro Sports Giao Yến đã đạt được một số kết quả: Hiệu quả về nhận thức: Người lao động ở các phòng ban áp dụng đã có ý thức phấn đấu thực hiện để đạt được các chỉ tiêu KPIs được xây dựng và chỉnh sửa trước đó; Hiệu quả về thao tác: Cách thức thực hiện một đầu việc được đánh giá, cải tiến để đạt được hiệu suất làm việc cao nhất. Rất nhiều những ý tưởng mới để thực hiện công việc một cách hiệu quả và chính xác hơn đã được đưa ra; Hiệu quả về hình ảnh công ty: một số đối tác nước ngoài thật sự ấn tượng với sự năng động, hiện đại và chuyên nghiệp của Pro Sports Giao Yến vì doanh nghiệp đã ứng dụng công cụ BSC và KPIs – vốn được áp dụng rất rộng rãi ở các nước phát triển. Nhờ đó, khách hàng có đánh giá tốt hơn về công ty, giúp đặt nền móng cho việc hợp tác lâu dài; Hiệu quả về năng suất: Thời gian xử lý công việc của Phòng Tài chính – Kế toàn và Phòng Hành chính – Nhân sự được ghi nhân có tăng trong khoảng thời gian áp dụng BSC và KPIs từ tháng 9 năm 2018. Bộ phận Quản lý thiết bị và Vật tư có hao hụt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, tại Tập đoàn Polyco đã tiến hành triển khai thực hiện Bản đồ chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá hoạt động KPIs từ tháng tháng 7/2018 tại 4 phòng ban trực thuộc bao gồm: Phòng Kinh doanh, Phòng Kỹ thuật, Phòng Vật tư và Phòng Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm. Đồng thời, nhóm tư vấn hướng dẫn Tập đoàn Polyco thành lập các nhóm cùng với các nhóm trưởng để chia nhỏ công tác quản lý, tham gia dự án nghiêm túc, giúp các đơn vị trong công ty chủ động và có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các tiêu chí được xây dựng và thống nhất thể hiện qua Bộ chỉ số đánh giá hoạt động KPIs.
Bà Đinh Phương Thảo – Phó Giám đốc Tập đoàn Polyco – cho biết, sau khi triển khai Bản đồ chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động KPIs, công ty đã nhận thấy sự cải thiện rõ rệt trong việc thực hiện các tiêu chí về trả lời yêu cầu của khách hàng của Phòng Vật tư, tăng năng suất kiểm tra chất lượng đơn hàng theo tuần của phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian đưa báo giá cho các khách hàng dự án ở Phòng Kinh doanh. Nhờ đó, hiệu quả làm việc của các phòng ban trực tiếp tham gia chương trình cũng như các phòng ban có liên quan đều được nâng lên. Từ các phòng ban này, Tập đoàn Polyco đang xem xét để áp dụng Bộ chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động KPIs rộng khắp các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Cũng theo bà Đinh Phương Thảo, trong quá trình triển khai BSC và KPIs, công ty đã phân công các nhóm trưởng đánh giá kết quả sử dụng KPIs hàng tuần nhằm duy trì kết quả nội bộ và nhắc nhở CBCNV phòng ban của mình trong việc cố gắng đạt được các tiêu chí đánh giá KPIs.
Việc thực hiện Bản đồ chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá hoạt động KPIs đã giúp nhân viên có ý thức thực hiện các nhiệm vụ trong một khung thời gian cố định, rút ngắn thời gian phản hồi tới khách hàng và các phòng ban khác. Chương trình đã giúp Tập đoàn Polyco đào tạo và hướng dẫn thực hành hiệu quả Bản đồ chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá hoạt động KPIs cho hơn 40 CBCNV.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng cho biết: trong quá trình triển khai BSC và KPIs, công tác thực hiện chưa diễn ra đồng bộ dẫn đến tinh thần thiếu nhiệt huyết của một số cán bộ thuộc phòng Kỹ thuật cũng như một số cán bộ Phòng Kinh doanh còn chưa quen với tiêu chí cụ thể mới dành cho việc tìm kiếm và chăm sóc một số lượng khách hàng có tăng so với tiêu chí cũ. Vì vậy, để triển khai rộng, toàn bộ Tập đoàn cần quyết liệt hơn trong việc đánh giá kết quả ứng dụng các công cụ quản trị mới. Các tuyên dương – khen thưởng cũng như nhắc nhở kịp thời cần được thực hiện, để khuyến khích người lao động thực hiện các tiêu chí đánh giá KPIs nghiêm túc hơn.
Theo VietQ
lên đầu trang