Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:38

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:38

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:02 ngày 30/08/2019

Áp dụng Khoa học – Công nghệ: Hướng đi tất yếu của doanh nghiệp


Sản phẩm gốm sứ Minh Long tham gia triển lãm tại hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) 2018 được tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY
 Con đường sống còn
Tại hội nghị gặp gỡ các ngành hàng trong nước năm 2019 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long cho biết, từ năm 2014, công ty đối mặt với nhiều vấn đề như lương nhân công, giá gas tăng… Trong điều kiện đó, công ty đã chủ động đầu tư công nghệ tự động hóa, cùng với đó nghiên cứu công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 độ C, bằng phương pháp đốt một lần lửa.
“Giai đoạn đó chúng tôi buộc phải áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, Minh Long nghiên cứu thành công công nghệ một lần nung mà chưa có DN nào trên thế giới thực hiện được”, ông Minh chia sẻ.
Được biết, ban đầu ông Minh hợp tác với một đối tác Đức nhưng không thành công. Sau đó, ông quyết tâm tự nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Khi đưa vào hoạt động hệ thống sản xuất tự động hóa, từ việc cần 400 lao động để sản xuất một số lượng sản phẩm dự kiến thì nay Minh Long chỉ cần 15 nhân viên để hoàn thành điều đó.
Ông Minh cho hay năm 2018, với những khó khăn từ kinh tế thế giới, Minh Long buộc phải tìm một hướng đi mới cho sản phẩm của mình. Sự ra đời của sản phẩm nồi dưỡng sinh là một minh chứng sống cho việc áp dụng khoa học - công nghệ, tạo ra sản phẩm mới, khác biệt để DN tồn tại và phát triển. Năm 2018, doanh số do bộ nồi dưỡng sinh mang về cho công ty 100 tỷ đồng. Cũng nhờ áp dụng khoa học - công nghệ mà công ty tránh được sự thiếu hụt lao động.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), các doanh nghiệp ngành gỗ đã và đang đầu tư nhiều vào thiết kế, trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị hiện nay đã và đang là xu hướng sống còn đối với các DN gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Điều đáng mừng là hiện nay, các DN gỗ Bình Dương đã đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Gỡ khó về vốn vay
Theo các DN, dù có nhiều cơ hội phát triển trong hội nhập song các DNNVV thường nằm trong vòng lẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp nên chậm đầu tư đổi mới công nghệ.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, nói các DN dệt may trong nước hiện nay đa phần là DNNVV, khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn hạn chế nên công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu. Dù biết rằng nếu công nghệ lạc hậu đi kèm với năng lực quản lý kém nên giá thành cao, năng lực cạnh tranh thấp, ít có cơ hội tiếp cận được các đơn hàng sản xuất với giá trị gia tăng cao.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hồng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, các DN cơ điện cũng đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường song do nguồn vốn hạn chế nên nhiều DN khó tăng sản lượng khi các chính sách ngân hàng thay đổi liên tục, tạo ra sự khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Được biết, hiện nay Bình Dương có 3 nguồn vốn hỗ trợ DN, gồm Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ, cho các DN vay đầu tư máy móc thiết bị, phát triển khoa học - công nghệ; Quỹ Hỗ trợ DNNVV và nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Theo Sở Công thương Bình Dương, từ năm 2019 mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh tăng so với mức cũ, cụ thể mức chi hỗ trợ mua sắm công nghệ tăng lên đến 300 triệu đồng (trước đây là 200 triệu đồng), mức chi mô hình trình diễn kỹ thuật lên đến 1 tỷ đồng (trước đây là 500 triệu đồng).
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết sở đang xây dựng trung tâm hỗ trợ DNNVV. Dự kiến trung tâm sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2020. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc của DN.
Tiểu My
lên đầu trang