Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:36

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:36

Chính sách

Cập nhật lúc 06:38 ngày 12/10/2019

Phát triển hạ tầng KH&CN ngành Công Thương

Để nâng cao năng lực KH&CN cho các Viện nghiên cứu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 6 - 9 phòng thí nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế giới. 
Hiện tại, trực thuộc Bộ Công Thương có 03 phòng thí nghiệm trọng điểm được đặt tại các Viện nghiên cứu, bao gồm: Phòng Thí nghiệm trọng điểm Lọc, hóa dầu trực thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam; Phòng Thí nghiệm trọng điểm Hàn và Xử lý bề mặt trực thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí; Phòng Thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp trực thuộc Viện Năng lượng.
Để các phòng thí nghiệm phát huy hiệu quả, hàng năm Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí hoạt động (không quá 30% tổng kinh phí) thông qua việc phê duyệt các đề tài, dự án mang tính chất chuyên ngành phù hợp với trang thiết bị, lĩnh vực nghiên cứu. Thông qua các nghiên cứu này các phòng thí nghiệm từng bước xác định được những hướng nghiên cứu thế mạnh để từ đó hướng tới việc tạo ra các công nghệ, sản phẩm độc quyền có uy tín trong khu vực và trên thế giới. 
Các thiết bị Phòng Thí nghiệm điện đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm cao cấp của quốc gia
Phòng thí nghiệm về công nghệ lọc, hóa dầu 
Được đánh giá có trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, Phòng thí nghiệm về công nghệ lọc, hóa dầu có đủ trang thiết bị đồng bộ và hiện đại phục vụ cho nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng triển khai thực nghiệm. Rất nhiều kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm đã được ứng dụng
Có thể kể đến một số ứng dụng như Dự án “ Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, sản xuất năng lượng mới vì sự phát triển bền vững”, trong khuôn khổ Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”; Cụm công trình về dung môi sinh học (hợp tác với Viện Nghiên cứu Xúc tác và Môi trường - Cộng hòa Pháp). Công nghệ thiết lập được trong hướng nghiên cứu này đã được bảo hộ độc quyền sáng chế bởi Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa kỳ, Cơ quan Sáng chế Châu Âu, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và cơ quan Sở hữu trí tuệ Brazin. Từ cụm công trình này, nhiều sản phẩm mới, được nghiên cứu phát triển hoặc được nghiên cứu ứng dụng bởi Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu, đang được triển khai thương mại hóa. Trong đó, dòng sản phẩm được tung ra thị trường tháng 8 năm 2018 hứa hẹn mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công nghệ được đưa vào ứng dụng thực tiễn bởi Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, thông qua Dự án sản xuất thử nghiệm ở qui mô 5.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty sẽ đầu tư 100 tỷ đồng để triển khai công nghệ đầu năm 2019. 
Hay như Cụm công trình về lọc dầu sinh học (Hợp tác với Hàn Quốc): Đã nghiên cứu thích nghi và làm chủ công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, sử dụng xúc tác dị thể, thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, trên nền công nghệ gốc của Hàn Quốc, ở qui mô pilot 200 tấn/năm. Hiện tại, đối tác Hàn Quốc và Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu đang chuẩn bị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất biodiesel 30.000 tấn/năm theo công nghệ nêu trên. Bên cạnh đó, PTNTĐ còn chủ động phát triển được một công nghệ nguồn hoàn toàn mới, tiên tiến và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ và Việt Nam, đồng thời tiến hành nghiên cứu hoàn thiện công nghệ ở qui mô pilot để sớm đưa vào ứng dụng ở qui mô công nghiệp.
Phòng TNTĐ công nghệ lọc, hóa dầu đã tiếp cận giải quyết những vấn đề cốt lõi của lĩnh vực công nghệ lọc, hóa dầu, phát huy hiệu quả đầu tư cho phát triển KH&CN 
Cùng với đó, Cụm công trình về phát triển công nghệ tiên tiến trong chế biến sâu khoáng sản apatit đã được đưa vào ứng dụng ở qui mô 50.000 tấn/năm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm Dicalcium Phosphate (làm phụ gia thức ăn chăn nuôi), mang lại hiệu quả kinh tế từ 50 đến 100 tỷ đồng mỗi năm cho Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc LâmPhòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu p hối hợp với Công ty cổ phần Phospho Việt Nam đang hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng phụ gia kết dính thế hệ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn phụ phẩm khoáng sản ở Việt Nam, ở qui mô 10.000 tấn/năm. Công nghệ được áp dụng mang lại cho doanh nghiệp doanh thu khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ hàn và xử lý bề mặt
Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ hàn và xử lý bề mặt cũng được đầu tư đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học và có giá trị thực tiễn liên quan đến vật liệu hàn, công nghệ hàn và công nghệ xử lý bề mặt. 
Từ đề tài cấp Bộ Công Thương năm 2015, Phòng thí nghiệm đã áp dụng thành công công nghệ làm sạch đường ống trao đổi nhiệt bằng đầu quay không lõi, sản phẩm cho 4 hệ thống trao đổi nhiệt tại Xí nghiệp axit - Công ty CP hóa chất supe phốt phát Lâm Thao, đem về 5 đơn hàng với doanh thu khoảng 5,5 tỉ đồng về thiết kế chế tạo các hệ thống cơ khí cho dây chuyền lắp ráp xe ô tô tại nhà máy thuộc Công ty CP sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam ở Ninh Bình.
Phòng thí nghiệm trọng điểm điện cao áp
Giai đoạn 2017 -2018 Phòng thí nghiệm đã thực hiện nhiều công trình dịch vụ diện như: Triển khai công tác chứng kiến thử nghiệm và cấp biên bản thử nghiệm cho các máy biến áp 110-220kV do Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh sản xuất; Thực hiện công trình thử nghiệm xung sét và thử nghiệm điện áp chịu đựng xoay chiều tăng cao tần số công nghiệp (tại phòng thí nghiệm) cho cuộn kháng 500kV do Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh sửa chữa; Thực hiện công tác thử nghiệm hạng mục điện áp xoay chiều tăng cao tần số công nghiệp (AC) và đo phóng điện cục bộ (PD) cho cáp ngầm 110kV - Công trình: Di chuyển đường dây 110kV tại nút giao đường 32 và đường Văn Tiến Dũng vào khu công nghiệp Nam Thăng Long thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn – ga Hà Nội; Triển khai thực hiện công tác thử nghiệm đo cường độ điện trường cho đường dây và trạm biến áp thuộc Truyền tải điện Hà Nội quản lý; Thực hiện công tác thử nghiệm theo Hợp đồng đo cường độ điện trường cho đường dây và trạm biến áp thuộc Truyền tải điện Tây Bắc quản lý; Thực hiện công trình thử nghiệm điện áp xung sét và xung thao tác cho chuỗi cách điện 220kV của Truyền tải điện Đông Bắc 3; Thực hiện công trình thử nghiệm xung sét LI, xung thao tác SI cho cuộn kháng 500kV của TTĐ 2 do EEMC đại tu…Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế cũng được Phòng thí nghiệm quan tâm và chú trọng. 
Ngoài hệ thống PTN trọng điểm, đối với Khối Trường trực thuộc Bộ Công Thương, hầu hết các trường đều sử dụng phòng thí nghiệm, thực hành kết hợp đào tạo và nghiên cứu. Các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề thuộc Bộ đã xây dựng, đầu tư các phòng thí nghiệm; trong đó, một số trường có diện tích phòng thí nghiệm, xưởng thực hành khá lớn; một số trường đã trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm hiện đại, công nghệ tiên tiến có khả năng phục vụ tốt cho hoạt động nghiên cứu như thiết bị thí nghiệm cơ điện tử, robot, tự động hóa quá trình điều khiển, thiết bị sinh hóa, hóa học, thiết bị đo lường có độ chính xác cao, máy CNC, máy cắt dây, máy gia công tia lửa điện, Trung tâm gia công,… 

Đối với Khối Tập đoàn/Tổng Công ty, bằng nguồn vốn trích lập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ đã được đẩy mạnh trong giai đoạn vừa qua. 

Vụ Khoa học và công nghệ

lên đầu trang