Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:52

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:52

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:30 ngày 28/10/2019

Bosch Việt Nam sẽ đưa công nghệ 4.0 vào Đồng Nai

Đồng Nai là "thủ phủ" công nghiệp của cả nước, do đó việc đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất được cả lãnh đạo tỉnh lẫn các doanh nghiệp rất xem trọng. Theo ông Mallikarjuna Guru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Bosch hiện đã ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy ở Đồng Nai và một vài tỉnh khác rất thành công. Sắp tới, Bosch Việt Nam sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ Đồng Nai trên lĩnh vực này.
Ông Mallikarjuna Guru, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam
Năm 1994, Tập đoàn Bosch (Đức) mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và năm 2008, đầu tư Nhà máy chuyên sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục cho ô tô tại Đồng Nai. Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Đồng Nai được công nhận ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Dẫn đầu về công nghệ
* Trong mong muốn của ông, Công ty TNHH Bosch Việt Nam sẽ phát triển đến mức nào tại Việt Nam?
- Tập đoàn Bosch đã có mặt tại Việt Nam 27 năm nay. Lúc đầu, Bosch chỉ mở văn phòng đại diện ở những thành phố lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Sau đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi đã tiến hành đầu tư Nhà máy giải pháp hệ thống truyền động ở huyện Long Thành để sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục trong ô tô.
Ngoài ra, Bosch còn thành lập và đưa vào hoạt động 2 trung tâm là Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm nghiên cứu - phát triển công nghệ ô tô. Đến cuối năm 2018, đã có 4,1 ngàn lao động Việt Nam làm việc cho Công ty TNHH Bosch Việt Nam.
Dự tính của Bosch là sẽ đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam bao gồm: dụng cụ điện cầm tay; công nghệ truyền động và điều khiển; công nghệ tòa nhà thông minh; linh kiện xe 2 bánh; phụ tùng và thiết bị ô tô; công nghệ đóng gói; công nghệ nhiệt... Và tất cả đều được ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, kinh doanh để đem lại hiệu quả cao. Một điều chắc chắn là Bosch sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
* Là doanh nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai được công nhận ứng dụng công nghệ cao, ông có thể chia sẻ những nỗ lực của Bosch Việt Nam để đạt được danh hiệu này?
- Tập đoàn Bosch hoạt động trên 4 lĩnh vực chính là: giải pháp mobility (công nghệ di động); công nghệ công nghiệp; hàng tiêu dùng; kỹ thuật xây dựng và năng lượng.
Bosch là tập đoàn tiên phong về ứng dụng internet vạn vật, cung ứng các giải pháp cho nhà ở thông minh, thành phố thông minh, giao thông kết nối và công nghiệp kết nối.
Có thế mạnh chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ cảm biến, phần mềm, dịch vụ nên khi đầu tư nhà máy tại Đồng Nai, tập đoàn Bosch đã ứng dụng các công nghệ hiện đại sẵn có vào sản xuất. Mục tiêu là để đưa ra thị trường dòng sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường thế giới. Do đó, Nhà máy Bosch ở Đồng Nai đã được công nhận ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất.
* Phát triển công nghiệp công nghệ cao là việc mà Đồng Nai đang hướng đến, là doanh nghiệp tiên phong trên lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì chăng?
- Muốn phát triển công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu là phải có nguồn lao động chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ 4.0 và góp phần nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa.
Qua tìm hiểu, tôi được biết Đồng Nai là một trong những nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Hầu hết các tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới đều đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai. Theo xu hướng phát triển của thế giới, các tập đoàn, doanh nghiệp từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để đáp ứng các đơn hàng khó với số lượng lớn.
Đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại chỉ cần có tiền là làm được, song vấn đề cần chuẩn bị trước là nguồn nhân lực có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ. Biết rõ điều này nên từ năm 2013, Bosch Việt Nam đã phối hợp với tỉnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về việc hợp tác với Đồng Nai trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao?
- Mới đây, vào ngày 26-9-2019, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã ký kết với UBND tỉnh giúp các trường nghề tại Đồng Nai có cơ hội tiếp cận công nghệ 4.0. Từ đó, các trường có thể cập nhật, đổi mới công tác đào tạo trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp cho các trường nghề trên địa bàn tỉnh tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, sẽ tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề trong tỉnh với Bosch trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Môi trường đầu tư thuận lợi
 Là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều năm, theo ông đâu là rào cản lớn nhất cho một doanh nghiệp FDI khi đầu tư dự án tại Việt Nam?
- Tập đoàn Bosch đầu tư vào Việt Nam khá thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc luôn được kịp thời giải quyết nên chúng tôi chưa gặp phải rào cản lớn nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều không riêng gì Bosch mà các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam rất an tâm là ở đây có nền chính trị ổn định, Chính phủ luôn nỗ lực trong công tác cải thiện chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Do đó, trong những năm qua, Công ty TNHH Bosch Việt Nam luôn giữ được mức tăng trưởng tại Việt Nam khá cao và liên tục tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việt Nam là quốc gia tham gia vào hội nhập nhanh, nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, mở ra cơ hội cho Bosch Việt Nam cũng như các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, nếu các thủ tục hành chính của Việt Nam tiếp tục được đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
* Hơn 10 năm đầu tư vào Đồng Nai, ông đánh giá môi trường đầu tư của tỉnh như thế nào?
- Năm 2008, Tập đoàn Bosch đầu tư nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành). Giai đoạn đầu mới đi vào hoạt động, nhà máy chỉ sản xuất 1,6 triệu sản phẩm/năm, sau đó công ty có nhiều đợt tăng vốn, mở rộng dây chuyền sản xuất. Sau 10 năm đầu tư vào Đồng Nai, nhà máy của Bosch đã đưa ra thị trường 26 triệu sản phẩm. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh khá tốt, hoạt động của công ty tại Đồng Nai tương đối hiệu quả. 
Tôi được biết không riêng gì Bosch mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào tỉnh cũng thành công như: Hyosung, Fujitsu, Kenda, LG, Ajinomoto... Những thủ tục về đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế... từng bước được cải thiện, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Những khó khăn của Bosch cũng được chính quyền Đồng Nai giải quyết kịp thời. Tôi nghĩ trong thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào khai thác sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Đồng Nai đầu tư hơn nữa.
* Theo ông, Đồng Nai cần làm gì để thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài có công nghệ cao?
- Đồng Nai hiện là nơi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú ý và muốn đến đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Hiện tỉnh đang xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) và tôi nghĩ khi hoàn thành hạ tầng sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thuê đất làm nhà xưởng sản xuất. Vì đây là nơi có công nghiệp phát triển nhất Việt Nam, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giao thông thuận lợi sẽ là yếu tố để nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Chính sách của tỉnh hiện khá thông thoáng, hằng năm tổ chức nhiều đợt gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Đồng Nai để tháo gỡ những khó khăn trên các lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, đất đai, lao động...
Những hội nghị này nên được tổ chức thường xuyên hơn để doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện gặp gỡ trao đổi những vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Đồng thời, tỉnh nên tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Đồng Nai 
lên đầu trang