Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 12:13

Thứ ba, 19/03/2024 | 12:13

Chính sách

Cập nhật lúc 13:29 ngày 05/11/2019

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển đổi số trong CMCN 4.0

Ngày 5 tháng 11, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình đánh giá áp dụng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số theo bộ chỉ số Mức độ sẵn sàn cho công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index – SIRI) do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Siemens (CHLB Đức), Hội đồng phát triển kinh tế của chính phủ Singapore (EDB) thực hiện.
Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đánh giá, xây dựng lộ trình và từng bước đầu tư chuyển đổi số, hướng tới nền sản xuất thông minh. Với việc triển khai Chương trình này, Bộ Công Thương khẳng định khả năng kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ về chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ, xây dựng nền sản xuất với các nhà máy thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
 Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Tập đoàn Siemens, Tập đoàn TÜV SÜD, Công ty tư vấn MacKinsey, các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, các doanh nghiệp công nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: Tháng 4 năm 2019, Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens về phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy số và phát triển các nhà máy thông minh là một trong những trọng tâm ưu tiên của biên bản hợp tác.
Toàn cảnh hội thảo
Để triển khai nội dung này, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens đã thống nhất lựa chọn việc áp dụng thí điểm bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho công nghiệp thông minh do Chính phủ Singapore xây dựng và hỗ trợ các doanh nghiệp của Singapore thực hiện chuyển đổi số. Bộ chỉ số này đã được áp dụng tại 200 doanh nghiệp ở Singapore và đã mang lại những kết quả ban đầu rất khả quan. Do đó, việc có một bộ chỉ số để áp dụng chung trong việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết cho các bên liên quan, từ các nhà quản lý cho đến các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn để có cách tiếp cận thống nhất trong CMCN 4.0.
“Thách thức đi liền với cơ hội, khi chúng ta có thể nhanh chóng nắm bắt và biến những khó khăn trước mắt thành lợi thế thì chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong đó mỗi doanh nghiệp phải tìm ra cho mình hướng đi phù hợp”, Vụ trưởng Trần Việt Hòa nhận định.
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo các doanh nghiệp công nghiệp
Đức được xem là quốc gia tiên phong trong CMCN 4.0. Đây cũng là quốc gia tiên phong đưa kế hoạch phát triển CMCN 4.0 thành kế hoạch cụ thể. Để triển  khai những kế hoạch đã được phê duyệt, chính phủ Đức đã phối hợp với những tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Siemens để triển khai các mô hình nhà máy số. Chính Tập đoàn Siemens cũng đã xây dựng nhà máy số tại Đức với 75% công nghệ số. Tiếp đó, tập đoàn này cũng đã xây dựng nhà máy số Siemens ở Thành Đô (Trung Quốc). Tại hội thảo, ông Tindaro Michele Danze, đại diện Tập đoàn Siemens (CHLB Đức) trình bày tham luận về chuyển đổi số, công nghệ của CMCN 4.0. trong chuyển đổi số. 
Đại diện Tập đoàn TÜV SÜD trình bày tham luận tại hội thảo
Các tham luận về “Đánh giá thực trạng, tiếp cận CMCN 4.0 thông qua bộ chỉ số SIRI” của đại diện Tập đoàn TÜV SÜD và tham luận “CMCN 4.0 – 3 chủ đề lớn trong kỷ nguyên số” do đại diện Công ty tư vấn MacKinsey trình bày cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu tham dự.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cũng như việc đánh giá, xác định chỉ số sẵn sàng trong các doanh nghiệp công nghiệp. Những tác động và nguy cơ của chuyển đổi số, phương thức lồng ghép CMCN 4.0 trong doanh nghiệp cũng được đại biểu trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ Công Thương và chuyên gia tư vấn đến từ Tập đoàn Siemens, Tập đoàn TÜV SÜD, Công ty tư vấn MacKinsey trong phiên thảo luận tại hội thảo.
Hội thảo là một trong những điểm khởi động quan trọng trong hành trình Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nhà máy thông minh trong tất cả các ngành và lĩnh vực.
Tiếp ngay sau hội thảo, Bộ Công Thương,Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế của chính phủ Singapore và Tập đoàn TÜV SÜD sẽ hỗ trợ tư vấn áp dụng bộ chỉ số SIRI tại các doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho riêng mình. Trên cơ sở những hỗ trợ này, Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp sẽ đi xa hơn trên con đường xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành các nhà máy số tương lai.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Các chuyên gia đến từ các công ty tư vấn quốc tế trình bày tham luận tại hội thảo
Đại biểu thảo luận tại hội thảo
Thực hiện Chỉ thị 16/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động ngành Công Thương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với các nhóm nội dung, giải pháp ưu tiên, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2017 – 2020, trong đó tập trung triển khai, bước đầu tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như cách tiếp cận trước yêu cầu của CMCN 4.0.
Doanh nghiệp có cơ hội được Công ty tư vấn TUV SUV hỗ trợ thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng và xây dựng lộ trình chuyển đổi số theo phương pháp SIRI. Cụ thể, Công ty TUV SUV sẽ hỗ trợ đánh giá thực trạng hiệu quả sản xuất và cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về định hướng và trọng tâm đầu tư công nghệ mà doanh nghiệp nên thực hiện trong 2-3 năm tới.
Doanh nghiệp khi tham gia Chương trình phải có cam kết từ lãnh đạo, cử cán bộ phù hợp tham gia làm việc, cung cấp thông tin liên quan, phối hợp nhiệt tình cùng nhóm chuyên gia trong quá trình đánh giá và hoàn thiện báo cáo, phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kết quả hoạt động và hiệu quả của việc áp dụng và đánh giá theo bộ chỉ số.


Vụ Khoa học và Công nghệ
lên đầu trang