Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 15:45

Thứ năm, 18/04/2024 | 15:45

Chính sách

Cập nhật lúc 05:40 ngày 25/11/2019

Viện nghiên cứu ngành Công Thương: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nhận thức được tầm quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN), các viện nghiên cứu ngành Công Thương đã quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thu hút, trọng dụng các nhà khoa học. 
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng
Viện Nghiên cứu Cơ khí đặt mục tiêu đến năm 2030, cán bộ, công nhân viên trong viện là 500 người; trong đó, trên đại học khoảng 150 người, trên 300 người có trình độ kỹ sư, còn lại là công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Đặc biệt, ít nhất có 40% cán bộ thành thạo một ngoại ngữ, 70% cán bộ có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, thiết kế. Viện cũng định hướng phát triển đặt ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kiến thức rộng, tác phong làm việc chuyên nghiệp làm nòng cốt tại các trung tâm chuyên môn. Đồng thời, xây dựng các bộ phận chuyên sâu là cán bộ kỹ thuật trẻ có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ; thường xuyên tổ chức đào tạo cập nhật các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, chuyên sâu để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của viện.
Tương tự, Chiến lược phát triển Viện Năng lượng giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn 2050 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đặt mục tiêu phát triển toàn diện Viện Năng lượng thành cơ quan tham mưu, nghiên cứu chiến lược, chính sách, quy hoạch và phát triển KH&CN năng lượng hàng đầu của cả nước, có uy tín quốc tế, với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Theo đó, tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao. Đến năm 2025, tổng số nhân lực của Viện Năng lượng đạt khoảng 300 người, trong đó trình độ thạc sĩ trở lên đạt 45 - 50%, trình độ tiến sĩ trở lên đạt 8 - 10%; 60-70% cán bộ KH&CN thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển 3-4 đơn vị và nhóm chuyên gia mạnh, có uy tín quốc tế, có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của ngành.
Nhận thức rõ về việc con người vừa là nguồn lực quyết định hiệu quả, vừa là động lực phát triển trong dài hạn, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính chuyên môn hóa cao, có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc độc lập cũng như kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường hội nhập quốc tế, với năng lực và trình độ tiếp cận KH&CN hiện đại của khu vực và thế giới.
Theo đó, đến năm 2025, viện phấn đấu tỷ lệ nguồn nhân lực KH&CN có học vị tiến sĩ hoặc nghiên cứu viên cao cấp đạt 10 - 15%; tỷ lệ cán bộ trên đại học đạt 30 - 35% và 50 - 60% cán bộ khoa học có thể trao đổi học thuật với các chuyên gia nước ngoài bằng tiếng Anh. Đầu tư cho đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, chứng chỉ hành nghề theo chuẩn quốc tế trong thiết kế, giám sát các hệ thống tự động hóa quy mô lớn và trong thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương được đào tạo cơ bản, nhiều người được đào tạo ở các nước phát triển, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động nghiên cứu triển khai của ngành trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thách thức trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay đó là, lực lượng chuyên gia giỏi, đầu ngành đều đã nhiều tuổi hoặc sắp được nghỉ hưu theo chế độ, trong khi lực lượng kế cận còn mỏng… Theo đó, nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý, nghiên cứu KH&CN là một trong những nhiệm vụ ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung trong thời gian tới.
Theo ý kiến của một số viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần sớm có hệ thống chính sách ưu tiên cho việc đào tạo nhân lực trình độ cao tại các viện nghiên cứu.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang