Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:25

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:25

Chính sách

Cập nhật lúc 13:31 ngày 20/11/2019

Các yếu tố tác động tích cực và các yếu tố cản trở đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

Các yếu tố tác động tích cực đến hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của doanh nghiệp
Hợp tác trong hoạt động đổi mới sáng tạo
Hoạt động ĐMST là loại hoạt động luôn cần có sự phối hợp, liên kết hay hợp tác với những đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân khác để mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động phối kết hợp này trong hoạt động ĐMST được gọi là hợp tác ĐMST và các đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân phối kết hợp được gọi là đối tác hợp tác ĐMST hay gọi ngắn gọn là đối tác. Hợp tác ĐMST là sự tham gia một cách chủ động, tích cực của doanh nghiệp với các đối tác khác trong thực hiện dự án, nhiệm vụ ĐMST. Các đối tác này có thể là các doanh nghiệp khác hoặc các tổ chức khác như đại học, viện nghiên cứu,... Các đối tác ở đây là những đơn vị không đặt vấn đề lợi nhuận thương mại lên hàng đầu trong việc hợp tác. Thông qua hợp tác ĐMST doanh nghiệp có thể tiếp nhận được tri thức và công nghệ mà tự mình không thể có được. Hợp tác ĐMST cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau. Hợp tác ĐMST có thể ở bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi giá trị cũng như có thể lôi kéo khách hàng và các nhà cung cấp vật tư, thiết bị vào phát triển sản phẩm, quy trình mới hoặc những hoạt động đổi mới sáng tạo khác. Hoạt động ĐMST cũng có thể thu hút hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau hoặc với các tổ chức nghiên cứu và đào tạo.
Bảng 1.1 và Hình 1.1 cho thấy, bình quân giai đoạn 2014-2016 có khoảng 17,2%  các doanh nghiệp đã hợp tác với doanh nghiệp và/hoặc tổ chức khác trong hoạt động ĐMST. Xét theo quy mô lao động của doanh nghiệp, trong nhóm doanh nghiệp càng lớn (về quy mô lao động) thì càng có nhiều doanh nghiệp thực hiện hoạt động hợp tác ĐMST: 15,2% DN nhỏ, 16,4% DN vừa và 21,7% DN lớn đã thực hiện hợp tác ĐMST trong 3  năm 2014-2016.
Bảng 1.1: Doanh nghiệp có hợp tác ĐMST phân theo quy mô lao động giai đoạn 2014-2016
Hình 1.1: Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác ĐMST giai đoạn 2014-2016 phân theo quy mô lao động

Xét theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp, Hình 1.2 cho thấy, tỷ lệ % các DN có hợp tác ĐMST có xu thể giảm dần từ DN nhà nước qua DN ngoài nhà nước và đến DN có vốn ĐTNN: có 29,9% số DN nhà nước, 16,9% số DN ngoài nhà nước và 16,3% số DN có vốn ĐTNN đã thực hiện hợp tác ĐMST trong giai đợn 2014-2016.
Hình 1.2: Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác ĐMST giai đoạn 2014-2016 phân theo loại hình kinh tế

Hình 1.3 mô tả cơ cấu các mức đánh giá của các DN ĐMST, nói chung, về tác động của đối tác trong hoạt động ĐMST. Sự đánh giá của các DN ĐMST được chia thành 3 mức độ: Có tác động cao (“Cao”), có tác động trung bình (“Trung bình”) và có tác động thấp (“Thấp”) trong hoạt động ĐMST của doanh nghiệp. Theo kết quả đánh giá, các đối tác trong Hình 1.3 được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp.
Hình 1.3: Cơ cấu mức đánh giá tầm quan trọng của đối tác của các DN ĐMST

Hình 1.4 mô tả điểm bình quân1 mà các doanh nghiệp ĐMST đánh giá về mức độ tác động của các đối tác trong hoạt động ĐMST của doanh nghiệp. Theo đó Hình 1.3 và Hình 1.4, có thể chia các đối tác được đánh giá thành 03 nhóm như sau:
Tuyệt đại đa số các DN lựa chọn “3.Khách hàng” là đối tác có tác động “Cao” nhất, cụ thể: số DN đánh giá từ mức “Trung bình” trở lên (tức là “Trung bình” + “Cao”) đạt trên 90% (61,8%+32,8%=94,6%) (Hình 1.3); điểm đánh giá bình quân là 2,6/3 điểm (Hình 1.4).
Đại đa số các DN lựa chọn “1.Doanh nghiệp khác cùng công ty mẹ của doanh nghiệp”, “4.Đối thủ cạnh tranh hoặc doanh nghiệp khác cùng ngành” và “2.Nhà cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu thô, đầu vào trung gian, hoặc phần mềm” là các đối tác có tác động đạt mức trên “Trung bình”, cụ thể: số DN đánh giá từ mức “Trung bình” trở lên đạt 81-90% (Hình 1.3); điểm đánh giá bình quân là 2,2-2,3/3 điểm (Hình 1.4).
Khoảng hơn ½ các DN lựa chọn “5.Nhà tư vấn, phòng thí nghiệm, hoặc tổ chức NC&PT ngoài nhà nước”, “6.Các trường đại học, cao đẳng” và “7.Các viện nghiên cứu công lập” là các đối tác có tác động đạt mức dưới “Trung bình”, cụ thể: số DN đánh giá từ mức “Trung bình” trở lên đạt dưới 70% (Hình 1.3); điểm đánh giá bình quân là 1,7- 1,9/3 điểm (Hình 1.4).
Hình 1.4: Điểm bình quân về mức độ quan trọng của các đối tác trong hợp tác ĐMST
(Mức độ tác động: 0 = Không hợp tác; 1 = Thấp; 2 = Trung bình; 3 = Cao)

Các DN ĐMST đánh giá chung về các đối tác với điểm trung bình là 2,08/3 điểm. Điều này chỉ ra rằng, các DN ĐMST, hiện nay, đánh giá các đối tác có tác động ở mức “Trung bình” đối với các hoạt động ĐMST của DN ĐMST.
Khi xem xét cách đánh giá mức độ quan trọng của các đối tác trong hợp tác ĐMST của các doanh nghiệp ĐMST phân theo thành phần kinh tế, Hình 1.5 cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp đều đánh các đối tác thành ba mức (Có tác động cao với điểm từ 2,4 trở lên; Có tác động trên trung bình với điểm từ 2,0 đến 2,4; và Có tác động dưới trung bình với điểm đánh giá bình quân nhỏ hơn 2,0). Cụ thể các đánh giá như sau:
Doanh nghiệp nhà nước cho rằng nhóm đối tác Có tác động cao là 03 đối tác: “3.Khách hàng”, “1.Doanh nghiệp khác cùng công ty mẹ của doanh nghiệp” và “2.Nhà cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu thô, đầu vào trung gian, hoặc phần mềm”; đối tác Có tác động trên trung bình thuộc về 02 đối tác: “4.Đối thủ cạnh tranh hoặc doanh nghiệp khác cùng ngành” và “5.Nhà tư vấn, phòng thí nghiệm, hoặc tổ chức NC&PT ngoài nhà nước”; đối tác Có tác động dưới trung bình thuộc về 02 đối tác: “6.Các trường đại học, cao đẳng” và “7.Các viện nghiên cứu công lập”.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá nhóm đối tác Có tác động cao thuộc về 01 đối tác là: “3.Khách hàng”; đối tác Có tác động trên trung bình thuộc về 03 đối tác: “4.Đối thủ cạnh tranh hoặc doanh nghiệp khác cùng ngành” và “2.Nhà cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu thô, đầu vào trung gian, hoặc phần mềm”; Nhóm đối tác quan trọng thứ hai là “1.Doanh nghiệp khác cùng công ty mẹ của doanh nghiệp”; đối tác Có tác động dưới trung bình thuộc về 03 đối tác: “5.Nhà tư vấn, phòng thí nghiệm, hoặc tổ chức NC&PT ngoài nhà nước”, “6.Các trường đại học, cao đẳng” và “7.Các viện nghiên cứu công lập”.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng nhóm đối tác Có tác động cao là 02 đối tác: “3.Khách hàng” và “1.Doanh nghiệp khác cùng công ty mẹ của doanh nghiệp”; đối tác Có tác động trên trung bình là 02 đối tác: “2.Nhà cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu thô, đầu vào trung gian, hoặc phần mềm” và “4.Đối thủ cạnh tranh hoặc doanh nghiệp khác cùng ngành”; đối tác Có tác động dưới trung bình thuộc về 03 đối tác: “5.Nhà tư vấn, phòng thí nghiệm, hoặc tổ chức NC&PT ngoài nhà nước”, “6.Các trường đại học, cao đẳng” và “7.Các viện nghiên cứu công lập”.
Hình 1.5: Điểm bình quân về mức độ quan trọng của các đối tác trong hợp tác ĐMST phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp
Các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động đổi mới sáng tạo 
Cuộc điều tra thử nghiệm cũng nghiên cứu các mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp đặt ra và kỳ vọng đạt được thông qua thực hiện các hoạt động ĐMST. Đây là mục tiêu nhưng cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các hoạt động ĐMST. Theo Hướng dẫn Oslo 2005, việc nhận biết được động cơ của doanh nghiệp trong ĐMST cũng như mức độ quan trọng của từng động cơ đó có thể có ích cho việc phân tích sâu hơn các nguồn động lực thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST. Những động cơ này có thể là: mong muốn mở rộng thị trường của sản phẩm, hiện đại hóa quy trình sản xuất, chăm lo tốt hơn sức khỏe người lao động,... Dựa theo những câu hỏi này, qua tổng hợp dữ liệu điều tra, dưới đây sẽ giới thiệu các kết quả mà doanh nghiệp đánh giá mức quan trọng của các mục tiêu phát triển đặt ra khi doanh nghiệp xác định thực hiện các hoạt động ĐMST. Các doanh nghiệp đánh giá tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển đối với hoạt động ĐMST theo 04 mức: “Cao”, “Trung bình”, “Thấp” và “Không liên quan”.
Hình 1.6 mô tả cơ cấu DN ĐMST đánh giá về các mức độ quan trọng của các mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đặt ra cho hoạt động ĐMST trong giai đoạn 2014-2015. Đối với 9 mục tiêu phát triển SXKD được phỏng vấn, bình quân, có từ 77% đến 92% các doanh nghiệp ĐMST cho rằng các mục tiêu này đều có tầm quan trọng từ mức “Trung bình” trở lên.
Hình 1.6: Cơ cấu DN ĐMST đánh giá các mức độ quan trọng của các mục tiêu phát triển SXKD của DN, giai đoạn 2014-2016

Tập trung xem xét tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá “Cao” mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động ĐMST, có thể thấy, để thực hiện ĐMST, mục tiêu đầu tiên mà các doanh nghiệp đặt ra là “5.Cải thiện chất lượng của hàng hóa và dịch vụ” (60% doanh nghiệp lựa chọn); xếp thứ hai là mục tiêu “7.Nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ” (52% DN); xếp thứ ba là các mục tiêu “6.Nâng cao giá trị sử dụng của hàng hóa và dịch vụ” (49% DN) và “8.Cải thiện sức khỏe và an toàn lao động” (48% DN); xếp thứ tư là 03 mục tiêu “9.Giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm” (43% DN), “1.Mở rộng quy mô của hàng hóa và dịch vụ” (42% DN) và “2.Thay thế những sản phẩm và quy trình đã lạc hậu” (41% DN); xếp cuối cùng là các mục tiêu “3.Tham gia thị trường mới” (36% DN) và “4.Tăng thị phần” (34% DN).
Hình 1.7 mô tả điểm bình quân2 mà các doanh nghiệp đánh giá về mức độ quan trọng của từng mục tiêu phát triển đặt ra đối với hoạt động ĐMST. Số liệu cho thấy, việc “Cải thiện chất lượng của sản phẩm” là mục tiêu quan trọng nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp với điểm bình quân là 2,59/3; tiếp theo là mục tiêu “Nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ” (2,5/3 điểm), “Nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm” (2,48/3 điểm) và “Cải thiện sức khỏe và an toàn lao động” (2,46/3 điểm). Nhóm mục tiêu xếp thứ ba là “Mở rộng quy mô của hàng hóa và dịch vụ” (2,39/3 điểm), “Thay thế những sản phẩm và quy trình đã lạc hậu” (2,38/3 điểm) và “Giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm” (2,38/3 điểm). Nhóm mục tiêu mà các doanh nghiệp xếp cuối cùng là “Tham gia thị trường mới” (2,3/3 điểm) và “Tăng thị phần” (2,27/3 điểm). Thực trạng này cũng phù hợp với nhận xét trong một nghiên cứu năm 2015 của Ngân hàng thế giới [World Bank, 2017], theo đó, đặc điểm quan trọng nhất của các sản phẩm mới mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giới thiệu là nhằm nâng cao chất lượng, giống như các nước khác (Lào, Cămpuchia, Malaysia, Philippin, Thái Lan); tuy nhiên, đổi mới sản phẩm tại Việt Nam tập trung nhiều vào cắt giảm chi phí sản phẩm, nhưng lại ít tập trung cho nghiên cứu để có được những tính năng hoàn toàn mới của sản phẩm.
Hình 1.7: Điểm bình quân về mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động ĐMST của doanh nghiệp

Khi xem xét thực tế các doanh nghiệp, phân theo quy mô lao động, đánh giá tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển đặt ra đối với hoạt động ĐMST (Hình 1.8), cũng nhận được câu trả lời tương tự, như trên. Đó là: các doanh nghiệp (nhỏ, vừa, lớn) đều xem mục tiêu “5.Cải thiện chất lượng của sản phẩm” là quan trọng nhất và DN có quy mô lao động càng cao thì càng đánh giá cao tầm quan trọng của mục tiêu này (DN nhỏ: 2,4; DN vừa: 2,5; DN lớn: 2,6 điểm); tiếp đến là nhóm các mục tiêu “7.Nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ”, “6.Nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm” và “8.Cải thiện sức khỏe và an toàn lao động” đều được đánh giá ở mức trung bình cao và, có xu hướng, DN có  quy mô lao động càng  cao thì càng đánh giá cao tầm quan trọng của các mục tiêu này  (2,2 – 2,5 điểm); xếp vào nhóm quan trọng thứ ba là các mục tiêu “9.Giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm”, “2.Thay thế những sản phẩm và quy trình đã lạc hậu” và “1.Mở rộng quy mô của sản phẩm” (2,1 – 2,4 điểm); và cuối cùng là các mục tiêu “3.Tham gia thị trường mới” và “4.Tăng thị phần” (2,0 – 2,1 điểm).
Hình 1.8: Điểm bình quân về mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động ĐMST của doanh nghiệp phân theo quy mô lao động
Hình 1.9: Điểm bình quân về mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động ĐMST của doanh nghiệp phân theo loại hình kinh tế

Khi nghiên cứu đánh giá của các DN ĐMST về mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra đối với hoạt động ĐMST trong nhóm các doanh nghiệp chia theo loại hình kinh tế thì điểm đánh giá bình quân của các loại hình kinh tế doanh nghiệp có một vài biểu hiện như sau (Hình 1.9):
(i) Nhìn chung, các DN nhà nước đánh giá khá cao tầm quan trọng của các mục tiêu đặt ra cho hoạt động ĐMST và điểm số đánh giá này giảm dần đến các DN ngoài nhà nước và thấp nhất là sự đánh giá của các DN có vốn ĐTNN;
(ii) Cũng như mức độ đánh giá của các DN phân theo quy mô lao động, mức độ quan trọng của các mục tiêu cũng có thể phân ra thành 4 thứ hạng: cao nhất là mục tiêu “5.Cải thiện chất lượng của sản phẩm” (2,5-2,7 điểm); thứ hai là các mục tiêu “7.Nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ” (2,4-2,6 điểm), “8.Cải thiện sức khỏe và an toàn lao động” (2,3-2,6 điểm) và “6.Nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm” (2,2-2,5 điểm); thứ ba là các mục tiêu “9.Giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm” (2,2-2,5), “2.Thay thế những sản phẩm và quy trình đã lạc hậu” (2,0-2,4 điểm) và “1.Mở rộng quy mô của sản phẩm” (2,2-2,3 điểm); và cuối cùng là các mục tiêu “3.Tham gia thị trường mới” (1,9-2,3 điểm) và “4.Tăng thị phần” (1,9-2,2 điểm).
Năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu của họat động ĐMST của doanh nghiệp
Hình 1.10 mô tả tỷ lệ % các DN ĐMST tự đánh giá về năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu ĐMST giai đoạn 2014-2016. Số liệu cho thấy, có duy nhất một mục tiêu mà doanh nghiệp không thực sự “tự tin” khi đánh giá là doanh nghiệp có năng lực tổ chức thực hiện đạt mức “Khá và Tốt”, đó là mục tiêu “2. Làm cho khoản đầu tư NC&PT mang lại hiệu quả thiết thực”. Chỉ có khoảng 40,8% các DN (=30,4%+10,4%) cho là năng lực tổ chức thực hiện của doanh nghiệp ở mức “Khá và Tốt”. Trong khi năng lực tổ chức thực hiện đối với các mục tiêu khác thì mức độ “Khá và Tốt” được nhiều DN lựa chọn hơn, như: 46,7% (=14,9+32,8) DN đối với mục tiêu “Đưa nhanh công nghệ tiên tiếp vào sản xuất sản phẩm đổi mới”; 47,7% (14,8+33,9) DN đối với mục tiêu “Tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến”; 46,7% (=12,6+34,1) DN đối với mục tiêu “Tổ chức phát triển nhanh sản phẩm mới để đưa ra thị trường”.
Hình 1.10: Tỷ lệ % các doanh nghiệp tự đánh giá về năng lực tổ chức thực hiện mục tiêu của hoạt động ĐMST giai đoạn 2014-2016

So sánh các doanh nghiệp tự đánh giá “Khá và Tốt” về năng lực thực hiện các mục tiêu ĐMST của mình, phân theo quy mô lao động, Hình 1.11 cho thấy: nhìn chung, doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn thì càng có nhiều DN đánh giá cao năng lực thực hiện mục tiêu ĐMST của mình. Trong 04 loại mục tiêu ĐMST đưa ra lấy ý kiến, có tỷ lệ % thấp nhất các DN (cả 03 loại quy mô DN) đánh giá năng lực tổ chức thực hiện “Khá và Tốt” là mục tiêu “Làm cho khoản đầu tư NC&PT mang lại hiệu quả thiết thực”. Mục tiêu được tỷ lệ % cao nhất các DN lựa chọn là mục tiêu “Tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến” ở nhóm DN nhỏ và DN lớn; và mục tiêu “Tổ chức phát triển nhanh sản phẩm mới để đưa ra thị trường” ở nhóm các DN vừa.
Hình 1.11: Tỷ lệ % các DN đánh giá “Khá và Tốt” đối với việc thực hiện các mục tiêu ĐMST
Hình 1.12: Điểm bình quân các doanh nghiệp tự đánh giá về năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu ĐMST giai đoạn 2014-2016 phân theo quy mô lao động
Xét về điểm bình quân các DN đã đánh giá, Hình 1.12 mô tả Điểm bình quân các DN, phân theo quy mô lao động, tự đánh giá về năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu ĐMST của mình. Theo đó, doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn thì càng đánh giá cao năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu ĐMST của mình. Mục tiêu được các DN tự đánh giá cao nhất về năng lực tổ chức thực hiện của mình (kể cả 03 loại quy mô DN) là mục tiêu “Tiếp cận nhanh công nghệ tiên tiến”. Mục tiêu được các DN tự coi là yếu nhất trong khâu tổ chức thực hiện là mục tiêu “Làm cho khoản đầu tư NC&PT mang lại hiệu quả thiết thực”.
Hình 1.13 mô tả tỷ lệ % các DN, phân theo loại hình kinh tế, đánh giá “Khá và Tốt” việc thực hiện mục tiêu ĐMST giai đoạn 2014-2016. Theo số liệu có thể thấy, bình quân, luôn có một tỷ lệ cao nhất các DN nhà nước đánh giá “Khá và Tốt” về năng lực thực hiện mục tiêu ĐMST của mình (50,4% - 56,6% so với 37,8%-46,3% ở DN ngoài nhà nước, cũng như so với 44,8%-53,2% ở DN có vốn ĐTNN). Trong 04 loại mục tiêu, mục tiêu “Làm cho khoản đầu tư NC&PT mang lại hiệu quả thiết thực” luôn có một tỷ lệ thấp nhất các DN (ở cả 03 loại hình kinh tế) tự đánh giá năng lực thực hiện là “Khá và Tốt”.
Hình 1.13: Tỷ lệ % các doanh nghiệp đánh giá “Khá và Tốt” việc thực hiện các hoạt động ĐMST
Hình 1.14: Điểm bình quân các doanh nghiệp tự đánh giá “Khá và Tôt” về năng lực tổ chức thực hiện mục tiêu ĐMST giai đoạn 2014-2016 phân theo loại hình kinh tế

Xem xét sự tự đánh giá của doanh nghiệp về năng lực tổ chức thực hiện mục tiêu ĐMST phân loại doanh nghiệp theo loại hình kinh tế, Hình 1.14 cho thấy: nhìn chung tỷ  lệ các doanh nghiệp nhà nước tự đánh giá năng lực tổ chức thực hiện các mục tiêu ĐMST ở mức khá cao (3,5 đến 3,7 điểm), tiếp đến là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (từ 3,5 đến 3,6 điểm) và cuối cùng, đánh giá thấp nhất, là các doanh nghiệp ngoài nhà nước (từ 3,4 đến 3,5 điểm). Cả ba loại hình doanh nghiệp đều “thận trọng” khi tự đánh giá về năng lực tổ chức thực hiện mục tiêu “Làm cho khoản đầu tư NC&PT mang lại hiệu quả thiết thực” (3,5 so với điểm cao nhất 3,7 ở DN nhà nước; 3,5 so với các điểm 3,6 còn lại ở DN có vốn đầu tư nước ngoài; và 3,4 so với các điểm 3,5 còn lại ở DN ngoài nhà nước).
Các yếu tố cản trở đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp
Trong thực tiễn có những yếu tố, nguyên nhân cản trở doanh nghiệp thực hiện ĐMST. Cuộc điều tra đã khảo sát doanh nghiệp đánh giá về mức độ ảnh hưởng của những nguyên nhân chính đã cản trở doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động ĐMST. Mức độ ảnh hưởng của các nguyên nhân được cho điểm như sau: 0 = không liên quan, 1 = liên quan không đáng kể, 2 = liên quan vừa phải, 3= liên quan nhiều và 4 = liên quan rất nhiều.
Hình 1.15: Điểm bình quân các doanh nghiệp đánh giá về mức độ của những nguyên nhân chính cản trở doanh nghiệp tiến hành ĐMST

Hình 1.15 mô tả về điểm bình quân đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nguyên nhân. Có thể sắp xếp 05 nguyên nhân cản trở cơ bản từ cao đến thấp như sau: cao nhất là “3. Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao” (2,29 điểm); tiếp đến là “4. Thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ” (1,89 điểm); xếp thứ ba là “5. Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ chính sách và pháp luật của Nhà nước” (1,87 điểm); thứ tư là “1. Hoạt động ĐMST dự kiến mang lại lợi nhuận không cao như mong muốn” (1,43 điểm); và xếp cuối cùng là “2. Không biết về các hoạt động đổi mới công nghệ phù hợp với lĩnh vực SXKD của doanh nghiệp” (1,28 điểm).
Hình 1.16 mô tả đánh giá của các doanh nghiệp (theo quy mô lao động) đối với các nguyên nhân gây cản trở DN tiến hành ĐMST. Theo đó, cản trở lớn nhất là “Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao” (2,19-2,33 điểm), tiếp đến là “Thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động ĐMCN” (1,77-1,95 điểm) và “Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ chính sách và pháp luật của Nhà nước” (1,70-1,94 điểm).
Hình 1.16: Doanh nghiệp đánh giá nguyên nhân chính cản trở doanh nghiệp tiến hành ĐMST phân theo quy mô lao động

Hình 1.17 mô tả đánh giá của các doanh nghiệp (theo loại hình kinh tế) đối với các nguyên nhân gây cản trở DN tiến hành ĐMST. Theo đó:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước có ba cản trở lớn nhất là “Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao” (2,47 điểm), “Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ chính sách và pháp luật của Nhà nước” (2,05 điểm) và “Thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động ĐMCN” (2,02 điểm);
- Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì ba cản trở lớn nhất là “Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao” (2,40 điểm), tiếp đến là “Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ chính sách và pháp luật của Nhà nước” (2,06 điểm) và “Thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động ĐMCN” (2,01 điểm);
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì chỉ 01 cản trở lớn nhất, có điểm trung bình > 2 điểm, là “Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao” (2,03 điểm).
 Hình 1.17: Doanh nghiệp đánh giá nguyên nhân chính cản trở doanh nghiệp tiến hành ĐMST phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp
Như vậy, xét theo các loại doanh nghiệp theo quy mô lao động hay theo loại hình kinh tế, 03 nguyên nhân cơ bản nhất cản trở việc triển khai thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo là: (i) Chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao (mà DN không có thể đáp ứng); (ii) Doanh nghiệp thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ; và (iii) Thiếu những khuyến khích, hỗ trợ thực sự hấp dẫn từ các chính sách của Nhà nước.
Chú thích:
1Các mức đánh giá được quy thành điểm như sau: “Có tác động cao” = 3 điểm; “Có tác động trung bình” = 2 điểm; và “Có tác động thấp” = 1 điểm; “Không hợp tác” = 0 điểm.
2Mức Cao=3, Trung bình=2, Thấp=1, Không liên quan=0 (điểm).
CHI TIẾT TÀI LIỆU XEM TẠI ĐÂY
Dự án FIRST

lên đầu trang