Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:45

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:52 ngày 22/11/2019

Đầu tư vào công nghệ: Nắm bắt xu thế tự động hóa

Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào công nghệ tự động hóa, gia tăng sử dụng robot. Dự đoán, trong 2 - 3 năm tới, sẽ có làn sóng phát triển ngành tự động hóa tại Việt Nam. Tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) - đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương - xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết vài nét đánh giá khái quát về ngành tự động hóa của Việt Nam hiện nay?
Trong ngành tự động hóa, các dự án hoặc công trình nghiên cứu của Việt Nam không thua kém về chuyên môn, thậm chí được xem là có tầm cỡ trên thế giới. So với Thái Lan, Malaysia hoặc thậm chí Hàn Quốc, nghiên cứu về công nghệ tự động hóa của các nhà khoa học Việt Nam được đánh giá có trình độ ngang bằng về chuyên môn. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng đưa vào sản xuất, Việt Nam còn rất yếu kém.
Một số DN tự động hóa của Việt Nam đã cung ứng được thiết bị cho các DN hàng đầu thế giới như GS, Samsung. Nhìn chung, năng lực sáng tạo của DN ngành tự động hóa Việt Nam có những bước phát triển, tuy nhiên chưa có sự chuyên nghiệp đạt tầm cao, mà chủ yếu là thiết kế tổng thể giải pháp mang tính hệ thống.
Vậy, việc ứng dụng tự động hóa của các DN sản xuất tại Việt Nam hiện nay ở mức độ như thế nào, thưa ông?
Việc ứng dụng tự động hóa của các DN trong nước hiện nay mới chỉ ở mức đơn giản, bởi phần lớn DN có quy mô nhỏ và vừa, lợi nhuận thấp. Hiện, Việt Nam có 3 lĩnh vực tương đối mạnh trong ứng dụng tự động hóa, đó là: Ngành sản xuất đồ uống; điện tử, công nghệ thông tin, linh kiện phụ tùng; sản xuất ôtô, xe máy. Sở dĩ các lĩnh vực này ứng dụng nhiều nhất là do đầu ra tương đối ổn định, thị trường lớn, DN có nguồn lực đầu tư lớn và có điều kiện tiếp thu, làm chủ công nghệ.
Thực tế cho thấy, nhu cầu tự động hóa của DN trong sản xuất là xu thế chung hiện nay. Những DN sản xuất hàng hóa muốn cạnh tranh phải giảm chi phí, mà giải pháp chính là ứng dụng tự động hóa vào sản xuất. Thực tế, mặt bằng lương công nhân ngày càng tăng, các thiết bị công nghệ tự động hóa robot ngày càng rẻ. Vì vậy, sẽ được DN sản xuất robot hóa vào quá trình sản xuất để giảm chi phí nhân công. Các DN sản xuất công nghiệp có những đơn đặt hàng lớn đều theo xu thế ứng dụng tự động hóa trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, tạo giá trị gia tăng cao.
Theo ông, cần làm gì để đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm tự động hóa trong nước, đẩy mạnh ứng dụng tại DN?
Hiện nay, xu thế dịch chuyển các DN FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong khi nguồn nhân lực không đủ đáp ứng, buộc DN sản xuất phải đưa ra các giải pháp ứng dụng hệ thống cung ứng thích hợp ứng dụng robot hóa để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Vì thế, DN cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghẹ cao, robot hóa trong sản xuất sẽ nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện hợp tác giữa các nhà khoa học với DN kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa.
HAuA luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN hội viên có cơ hội thực hiện kết nối giao thương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa tại thị trường nội địa. Ngoài ra, HAuA đang có những hoạt động thúc đẩy cho hội viên phát triển ra thị trường thế giới như ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế chuyên ngành tự động hóa của Hàn Quốc để phát triển khu Vietnam - Korea Techno Park tại Việt Nam chuyên về lĩnh vực Robotics và Semiconductors. HAuA đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) để kết nối hội viên của hội là các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, điện tử..., hỗ trợ vốn và liên kết với các nhà cung ứng toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang