Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:15

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:38 ngày 29/11/2019

Đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo Hướng dẫn Oslo 2005, bao gồm 04 loại ĐMST chính: đổi mới sản phẩm (ĐMSP); đổi mới quy trình công nghệ, thiết bị, máy móc (ĐMQT); đổi mới tổ chức và quản lý (ĐM TC&QL) và đổi mới tiếp thị (ĐMTT).
Chương này sẽ đề cập đến những đặc điểm cơ bản của các ĐMST chính; và phân tích sâu các tổ hợp ĐMST chính quan trọng của các doanh nghiệp là: đổi mới sản phẩm và/hoặc đổi mới quy trình công nghệ (ĐMSP và/hoặc ĐMQT), tổ hợp đổi mới tổ chức và quản lý và/hoặc đổi mới tiếp thị (ĐMTT và/hoặc ĐMTC&QL), cũng như tổ hợp ((ĐMSP và/hoặc ĐMQT) VÀ (ĐMTT và/hoặc ĐMTC&QL)). Đây là những ĐMST chính và nhóm ĐMST chính mà các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO,… kiến nghị các quốc gia áp dụng để có dữ liệu phân tích, đánh giá cũng như so sánh quốc tế. Một đặc điểm cơ bản khác rất quan trọng của ĐMST là “tính mới” của ĐMST. Theo Hướng dẫn Oslo 2005,  tính mới của ĐMST được chia làm 03 mức: mới đối với doanh nghiệp, mới đối với thị trường của doanh nghiệp và mới đối với thế giới. Mức tối thiểu là ĐMST phải, ít nhất, mới đối với doanh nghiệp.
Dưới đây sẽ tập trung xem xét các đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2016.
1. Đổi mới sản phẩm
1.1. Doanh nghiệp ĐMST có đổi mới sản phẩm
Theo Hướng dẫn Oslo 2005 của OECD, đổi mới sản phẩm (ĐMSP) có thể định nghĩa là việc đưa ra được một sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến về mặt kỹ thuật, bao gồm việc cải tiến đáng kể đặc tính kỹ thuật, thành phần, vật liệu, phần mềm nhúng bên trong, tính thân thiện với người dùng hoặc những đặc tính chức năng sử dụng khác. Sự đổi mới sản phẩm như thế này có thể xuất phát từ việc áp dụng tri thức mới hoặc các công nghệ mới, hoặc xuất phát từ việc đưa ra ứng dụng mới từ kết hợp những tri thức hoặc các công nghệ hiện có.
Bảng 1.1 mô tả số doanh nghiệp trong 7.641 phiếu điều tra sử dụng được có đổi mới sản phẩm và tỷ lệ % doanh nghiệp có ĐMSP trong giai đoạn 2014-2016 là 32,08% (2.451 DN). Như vậy, giai đoạn 2014-2016 có 67,92% số doanh nghiệp (2.258 DN) trong số phiếu điều tra sử dụng được, không có đổi mới sản phẩm, tức là không đưa ra được thị trường các sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) mới hoặc các sản phẩm được cải tiến về mặt kỹ thuật (Hình 1.1) trong giai đoạn 2014-2016.
Bảng 1.1: Số doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm trong giai đoạn 2014-2016
Bảng 1.1 và Hình 1.2 cho thấy, trong 4.709 doanh nghiệp có ĐMST trong giai đoạn 2014-2016, thì có hơn một nửa (52,05%) số doanh nghiệp là có đổi mới sản phẩm, còn lại 2.258 doanh nghiệp (47,95%) không có ĐMSP mà có hoạt động ĐMST, hoặc có các ĐMST chính khác, như đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới tiếp thị hay đổi mới tổ chức và quản lý.
Hình 1.1: Tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm trong ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2014-2016
Hình 1.2: Tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm trong các doanh nghiệp có ĐMST giai đoạn 2014-2016
1.2. Doanh nghiệp ĐMSP trong từng ngành kinh tế (cấp 2):
Hình 1.3 mô tả tỷ lệ % doanh nghiệp có ĐMSP trong từng ngành (cấp 2) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với tổng số phiếu điều tra sử dụng được và so với số DN ĐMST. Số liệu điều tra cho thấy, bình quân toàn ngành có 32% doanh nghiệp ĐMSP trong giai đoạn 2014-2016 và có 52% doanh nghiệp ĐMSP trong các DN ĐMST.
Hình 1.3: Tỷ lệ DN có ĐMSP giai đoạn 2014-2016 trong tổng số doanh nghiệp có phiếu điều tra sử dụng được và trong DN ĐMST
Xét trong từng ngành cấp 2, bình quân toàn ngành có 52% số DN ĐMST là có ĐMSP, cụ thể, có thể phân các DN làm 03 nhóm: Nhóm cao (có tỷ lệ DN ĐMSP >=60%), Nhóm trung bình (có tỷ lệ DN ĐMSP >=45% - <60%) và Nhóm thấp (có tỷ lệ DN ĐMSP <45%).
- Nhóm cao là nhóm ngành có tỷ lệ các DN ĐMSP nhiều nhất (>= 60%) là các ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, máy vi tính, hóa chất, dung cụ y tế,… cụ thể: ngành “29.Sản xuất xe có động cơ” (71%), ngành “21.Sản xuất  sản phẩm hóa chất khác” (69%), ngành “26.Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến và truyền thông; Dụng cụ y tế và quang học” (64%), “12.Sản xuất sản phẩm thuốc lá” (63%), ngành “27.Sản xuất thiết bị điện” (62%), ngành “30.Sản xuất phương tiện vận tải khác” (62%),...
- Nhóm trung bình là nhóm ngành có tỷ lệ các DN ĐMSP đạt từ 45% đến 60%: ngành “20.Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất” (59,5%), ngành “10.Sản xuất chế biến thực phẩm “ (58%), ngành “23.Sản phẩm từ cao su và plastic” (58%), ngành “28.Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu” (56,4%), ngành “22.Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu” (55%), ngành “13.Dệt” (55%), ngành “25.Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)” (52%), ngành “31.Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế” (52%), ngành “Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện” (50,5%), ngành “32.Công nghiệp chế biến, chế tạo khác) (47%), ngành “24.Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác” (46%).
Hình 1.4: Cơ cấu doanh nghiệp ĐMSP phân theo ngành công nghiệp CB, CT cấp 2
- Nhóm thấp là nhóm ngành có tỷ lệ các DN ĐMSP đạt <45%, bao gồm: ngành “11.Sản xuất đồ uồng” (44%), ngành “17.Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy” (43%), ngành “18.In, sao chép bản ghi các loại” (42%), ngành “14.Sản xuất trang phục “ (41%), ngành “33.Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị” (38%), ngành “15.Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan” (34%), ngành “19.Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế” (29%).
Chi tiết về quy mô số doanh nghiệp ĐMSP của các ngành kinh tế cấp 2 trong Hình 1.3 được mô tả cụ thể tại Hình 1.4. Hình 1.4 trình bày về cơ cấu của 2.451 DN ĐMSP trong giai đoạn 2014-2016 phân theo ngành kinh tế (cấp 2). Theo đó, các ngành có tỷ lệ % lớn nhất các doanh nghiệp đã thực hiện ĐMSP là ngành “25.Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)” (10,08%, tương đương 247 DN), “10.Sản xuất chế biến thực phẩm” (9,79% tương đương 238 DN), “14.Sản xuất trang phục” (9,26% tương đương 227 DN),…
1.3. Doanh nghiệp ĐMSP phân theo quy mô lao động của doanh nghiệp
Hình 1.5 mô tả tỷ lệ số DN ĐMSP phân ra theo quy mô lao động của DN. Theo đó,
(i) Bình quân có khoảng 32,1% DN có phiếu điều tra sử dụng được tuyên bố đã giới thiệu ra thị trường một sản phẩm mới hoặc một sản phẩm được cải tiến đáng kể về mặt kỹ thuật;
(ii) Các doanh nghiệp vừa và lớn đổi mới sản phẩm (38,2% và 37,6%) nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ (29,0%). Kết quả này phù hợp với những gì có thể thấy được trong các nghiên cứu trước đây của World Bank về “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ - Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế”. Theo kết quả nghiên cứu đó, năm 2015, bình quân có khoảng 23% DN Việt Nam ĐMSP, trong đó, có 12% doanh nghiệp nhỏ, 40% DN vừa và 45% DN lớn có ĐMSP [World Bank, 2017].
Hình 1.5: Tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm theo quy mô lao động của doanh nghiệp
1.4. Doanh nghiệp ĐMSP phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp
Hình 1.6 mô tả tỷ lệ số DN ĐMSP phân ra theo loại hình kinh tế của DN. Theo đó, (i) Tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước ĐMSP là cao nhất (43,9%), cao hơn tỷ lệ này của các doanh nghiệp ngoài nhà nước (32,5%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (30,0%); (ii) Tỷ lệ các DN ĐMSP có xu hướng giảm dần từ nhóm các DN nhà nước qua các DN ngoài nhà nước đến DN có vốn ĐTNN.
Hình 1.6: Tỷ lệ doanh nghiệp ĐMSP theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp
1.5. Doanh nghiệp ĐMSP phân theo loại hoạt động ĐMSP
Hoạt động ĐMSP của DN được phân thành 03 loại cơ bản dựa theo sản phẩm cuối cùng mà DN đưa ra thị trường: (i) Hoạt động ĐMSP chỉ mang lại sản phẩm mới (gọi tắt là SPM); (ii) Hoạt động ĐMSP chỉ mang lại sản phẩm được cải tiến đáng kể về kỹ thuật (gọi tắt là SPCT); và (iii) Hoạt động ĐMSP mang lại cả sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến (gọi tắt là SPM và SPCT).
Tương đương với 03 loại hoạt động ĐMSP cơ bản kể trên, có thể phân loại DN thành 03 loại DN: (i) các doanh nghiệp chỉ có sản phẩm mới (SPM); (ii) các doanh nghiệp chỉ có sản phẩm cải tiến (SPCT); và (iii) các doanh nghiệp có cả sản phẩm mới và cả sản phẩm cải tiến (SPM và SPCT).
Hình 1.7: Cơ cấu tỷ lệ % các doanh nghiệp “chỉ có SPM”, “SPM và SPCT” và “chỉ có SPCT”
Hình 1.7 mô tả cơ cấu các doanh nghiệp “chỉ có SPM”, “SPM và SPCT” và “chỉ có SPCT”. Theo đó, bình quân, trong các DN ĐMSP có 8% số DN chỉ có SPM, trong đó có 9% DN nhỏ, 6% DN vừa và 7% DN lớn. Về nhóm các doanh nghiệp “chỉ có SPCT”, bình quân, trong các DN ĐMSP có 6% số DN có SPCT, trong đó, có 8% DN nhỏ, 5% DN vừa và 3% DN lớn. Về nhóm các doanh nghiệp vừa có SPM vừa có SPCT, bình quân, trong các DN ĐMSP có 86% số DN vừa có SPM vừa có SPCT, trong đó, có 83% DN nhỏ, 89% DN vừa và 89% DN lớn.
1.6. Cơ cấu doanh nghiệp ĐMSP phân theo phương thức thực hiện sản phẩm mới
Để có được ĐMSP, các doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp hoặc thuê tổ chức, nhân lực bên ngoài thực hiện hoặc kết hợp cả hai hình thức: một phần tự thực hiện phần còn lại thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài. Bảng 1.2 và Hình 1.9 cho thấy, tại các loại quy mô doanh nghiệp, 84,1-85,9% doanh nghiệp ĐMSP là tự thực hiện để làm ra sản phẩm mới; 12,4 – 14,4% doanh nghiệp ĐMSP là kết hợp vừa tự thực hiện và vừa thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài thực hiện. Chỉ có chưa đến 2% (1,5 – 1,7%) doanh nghiệp là tiến hành hoạt động SPM theo hình thức đi thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài.
Bảng 1.2: Cơ cấu phương thức thực hiện sản phẩm mới của doanh nghiệp chia theo quy mô lao động
Hình 1.8: Cơ cấu phương thức thực hiện sản phẩm mới của doanh nghiệp chia theo quy mô lao động
Hình 1.9 trình bày về cơ cấu các loại DN lựa chọn các phương thức thực hiện sản phẩm mới phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp. Theo đó, có từ 84,4% đến 85,5% doanh nghiệp (nhà nước, ngoài nhà nước và có vốn ĐTNN) đã ĐMSP chủ yếu dựa vào lực lượng của riêng mình để tự thực hiện SPM, trong đó cao nhất là nhóm các DN có vốn ĐTNN (85,5%) và thấp nhất là nhóm các DN nhà nước (84,4%). Lựa chọn phương thức phối hợp với cá nhân, tổ chức khác để có SPM, có đến 14,4% DN nhà nước, 15,1% DN ngoài nhà nước và 13,8% DN có vốn ĐTNN. Phương thức hoàn toàn thuê ngoài thực hiện SPM chỉ có 0,7% đến 1,8% các DN lựa chọn.
Hình 1.9: Cơ cấu phương thức thực hiện sản phẩm mới của doanh nghiệp chia theo loại hình kinh tế
Như vậy, có thể nói rằng: Bình quân, gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện để có được sản phẩm mới, gần 14% các doanh nghiệp đã phối hợp với cá nhân, đơn vị ngoài để thực hiện sản phẩm mới và chỉ có khoảng hơn 1% các doanh nghiệp thuê cá nhân, tổ chức ngoài thực hiện để có được sản phẩm mới. Điều này thể hiện mức độ “đóng kín” của các DN trong hoạt động sáng tạo SPM.
1.7. Cơ cấu doanh nghiệp ĐMSP phân theo phương thức thực hiện sản phẩm cải tiến
Bảng 1.3, Hình 1.10 trình bày về cơ cấu tỷ lệ % các doanh nghiệp đã áp dụng các phương thức “Tự thực hiện”, “Thuê ngoài”, hay kết hợp “Tự thực hiện và Thuê ngoài” để có được SPCT của mình. Theo đó, bình quân có đến 87,6% các doanh nghiệp tự thực hiện cải tiến các sản phẩm đang sản xuất, trong đó, có 87,8% DN nhỏ, 88% DN vừa và 86,8% DN lớn; 10,7-12% doanh nghiệp ĐMSP là kết hợp thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài thực hiện cải tiến sản phẩm. Bình quân, chỉ có 1,3% (0,9-1,5%) doanh nghiệp là thuê hoàn toàn lực lượng bên ngoài để có được SPCT.
Bảng 1.3: Doanh nghiệp thực hiện các phương thức thực hiện cải tiến sản phẩm của phân theo quy mô lao động
Hình 1.10: Cơ cấu phương thức thực hiện cải tiến sản phẩm của doanh nghiệp chia theo quy mô lao động
Hình 1.11 trình bày về cơ cấu tỷ lệ các DN lựa chọn các phương thức thực hiện sản phẩm cải tiến phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp. Theo đó, có từ 84,1% đến 88,9% các doanh nghiệp đều tự thực hiện SPCT, trong đó cao nhất là nhóm các DN có vốn ĐTNN (88,9%) và thấp nhất là nhóm các DN nhà nước (84,1%). Có đến 14,8% DN nhà nước, 11,1% DN ngoài nhà nước và 10,4% DN có vốn ĐTNN lựa chọn phương thức phối hợp với cá nhân, tổ chức khác để có SPCT. Chỉ có 0,8% đến 1,4% các DN lựa chọn phương thức “thuê ngoài” hoàn toàn để thực hiện SPCT.
Hình 1.11: Cơ cấu phương thức thực hiện cải tiến sản phẩm của doanh nghiệp chia theo loại hình kinh tế
Như vậy, có thể nói rằng: Bình quân, gần 88% các doanh nghiệp tự thực hiện SPCT, khoảng 11% các doanh nghiệp đã phối hợp với cá nhân, đơn vị ngoài để thực hiện SPCT và chỉ khoảng hơn 1% thuê cá nhân, tổ chức ngoài thực hiện SPCT. Điều này thể hiện mức độ “đóng kín” (mức độ còn cao hơn so với việc thực hiện SPM) của các DN trong hoạt động SPCT.
1.8. Doanh thu của sản phẩm mới
Hình 1.12 mô tả cơ cấu các doanh nghiệp theo quy mô tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp (chia ra theo: 0%; >0-5%; 5-10%; 10-25%; 25-50%; 50-75%; >=75%) có được từ sản phẩm mới trên tổng doanh thu của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 và phân ra theo quy mô lao động của DN. Theo đó, có đến trên 30-32% số DN có SPM và có doanh thu của SPM đạt 10-25% tổng doanh thu giai đoạn 2014-2016; trên 20% số DN có SPM có mức doanh thu từ SPM là 25-50%; bình quân có 12-15% số DN có SPM có mức doanh thu từ SPM là 50-75%; và có 7-10% số DN có SPM có doanh thu từ SPM đạt mức từ 75% trở lên.
Hình 1.12: Tỷ lệ DN có SPM chia theo quy mô tỷ trọng doanh thucủa SPM và quy mô lao động
Bình quân có khoảng 10-19% DN có SPM nhưng chưa có được doanh thu từ những SPM này. Có thể, đây là những SPM mới được đưa ra thị trường cuối năm 2016 và chưa có doanh thu của sản phẩm trong giai đoạn 2014-2016.
1.9. Doanh thu sản phẩm cải tiến
Hình 1.13 mô tả cơ cấu các doanh nghiệp theo quy mô tỷ trọng doanh thu của doanh nghiệp (chia ra theo: 0%; >0-5%; 5-10%; 10-25%; 25-50%; 50-75%; >=75%) có từ  SPCT trên tổng doanh thu của doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 và phân ra theo quy mô lao động của DN. Theo đó, có đến 22-28% số DN có SPCT có doanh thu của SPCT đạt 10-25%; 19-20% số DN có SPCT có mức doanh thu từ SPCT là 25-50%; 9-14% số DN  có SPCT có mức doanh thu từ SPCT là 50-75% và từ 75% trở lên.
Hình 1.13: Tỷ lệ DN có SPCT chia theo quy mô tỷ trọng doanh thu của SPCT và quy mô lao động
Bình quân có 24-26% DN có SPCT nhưng chưa có được doanh thu từ những SPCT này (thuộc nhóm quy mô tỷ trọng doanh số = 0%). Có thể, đây là những SPCT mới được đưa ra thị trường vào cuối năm 2016 và chưa có doanh thu của sản phẩm trong giai đoạn 2014-2016.
1.10. Doanh thu sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến
Mục 1.8 và 1.9 cho thấy: doanh thu của doanh nghiệp có được từ các sản phẩm mới và sản phẩm được cải tiến chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Cơ cấu doanh thu của SPM, SPCT và SP khác còn lại của doanh nghiệp trong 03 năm 2014-2016 theo quy mô lao động và theo loại hình kinh tế doanh nghiệp được mô tả tại Hình 1.14 và 1.15 Theo đó, bình quân trong các doanh nghiệp được điều tra của ngành công nghiệp CB, CT có 29,8% doanh thu (bình quân 03 năm 2014-2016) thu được từ các sản phẩm mới, 32,2% doanh thu thu được từ các sản phẩm được cải tiến, còn lại 38% là doanh thu của các sản phẩm còn lại khác.
Hình 1.14: Cơ cấu doanh thu SPM, SPCT và sản phẩm khác còn lại, bình quân trong 03 năm 2014-2016, phân theo quy mô lao động
Hình 1.15: Cơ cấu doanh thu SPM, SPCT và sản phẩm khác còn lại, bình quân trong 03 năm 2014-2016, phân theo loại hình kinh tế doanh nghiệp
Hình 1.16 mô tả cơ cấu tỷ trọng doanh thu các sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến của các loại hình kinh tế doanh nghiệp. Theo đó, số liệu điều tra mẫu cho thấy, tỷ trọng doanh thu SPM của doanh nghiệp nhà nước (trên tổng doanh thu SPM) chỉ chiếm 3% (và 4% tỷ trọng doanh thu SPCT); tỷ trọng doanh thu SPM của doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 23% (và 43% tỷ trọng doanh thu SPCT); và, lớn nhất là tỷ trọng doanh thu SPM của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tới 74% (và 52% tỷ trọng doanh thu SPCT).
Hình 1.16: Tỷ trọng doanh thu SPM và SPCT theo loại hình kinh tế
Hình 1.17: Tỷ trọng doanh thu SPM và SPCT theo ngành kinh tế
Xem xét theo cơ cấu doanh thu SPM và cơ cấu doanh thu SPCT của toàn ngành chế biến, chế tạo, Hình 1.17 cho thấy:
- Theo cơ cấu doanh thu SPM, ngành “26.Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến và truyền thông; Dụng cụ y tế và quang học” có tỷ trọng doanh thu sản phẩm mới cao nhất (47,62%), gần 1/2 tổng doanh thu sản phẩm 3 năm 2014-2016; tiếp sau đó là ngành “Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan” (9,24%); ngành “14.Sản xuất trang phục” (7,81%); ngành “10.Sản xuất chế biến thực phẩm” (6,40%).
- Theo cơ cấu doanh thu SPCT, ngành “15.Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan” có tỷ trong doanh thu các sản phẩm cải tiến cao nhất, đạt 20,13%; tiếp theo là ngành “26.Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến và truyền thông; Dụng cụ y tế và quang học” (10,65%); ngành “Sản xuất chế biến thực phẩm” (9,77%); ngành “30.Sản xuất phương tiện vận tải khác” (9,63%); ngành “Sản xuất trang phục” (9,07%).
1.11. Mức độ đổi mới của sản phẩm
Kết quả của hoạt động ĐMSP có thể là: (i) Có sản phẩm đạt mức mới ở quy mô doanh nghiệp (mức mới thấp nhất); (ii) Có sản phẩm đạt mức mới với thị trường của doanh nghiệp (tức là đưa sản phẩm mới ra thị trường trước cả đối thủ cạnh tranh); và (iii) Có sản phẩm đạt mức mới với thế giới.
Theo dữ liệu điều tra (Bảng 1.4), trong 2.451 doanh nghiệp có ĐMSP thì có 792 doanh nghiệp (32,4%) có sản phẩm đạt mức mới với thị trường của doanh nghiệp, còn lại 1.659 doanh nghiệp (67,8%) có sản phẩm đạt mức mới ở quy mô doanh nghiệp.
Bảng 1.4: Doanh nghiệp có sản phẩm đạt mức mới với thị trường của doanh nghiệp, giai đoạn 2014-2016
Hình 1.18 mô tả cơ cấu tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt mức mới với thị trường của doanh nghiệp phân theo ngành kinh tế cấp 2 và phân theo quy mô của tỷ trọng doanh thu SPM trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Theo đó, một số ngành mà có tỷ lệ số doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu SPM đạt “mới với thị trường doanh nghiệp” thuộc quy mô trên 75% khá cao là: ngành “26.Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến và truyền thông; Dụng cụ y tế và quang học” (30%); ngành “21.Sản xuất sản phẩm hoá chất khác” (28,57%); ngành “33.Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị” (25%); ngành “30.Sản xuất phương tiện vận tải khác” (22,22%); ngành “27.Sản xuất thiết bị điện” (18,52%), ngành “25.Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)” (17,07%), ngành “32.Công nghiệp chế biến, chế tạo khác” (15,79%),…
Hình 1.18: Cơ cấu tỷ lệ doanh nghiệp có có sản phẩm đạt mức mới với thị trường phân theo quy mô tỷ trọng doanh thu của SPM và theo ngành kinh tế
Cũng theo số liệu điều tra, một số ngành mà có tỷ lệ số doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu SPM đạt “mới với thị trường doanh nghiệp” thuộc quy mô từ 50% trở lên (thuộc 02 nhóm doanh thu cao: 50-75% và >=75%) là: ngành “33.Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị” (50%); ngành “26.Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến và truyền thông; Dụng cụ y tế và quang học” (42,5%); ngành “11.Sản xuất đồ uống” (40,0%); %); ngành “30. Sản xuất phương tiện vận tải khác” (38,89%); ngành “29.Sản xuất xe có động cơ” (36,84%),…
Hình 1.19 mô tả cơ cấu các doanh nghiệp theo quy mô tỷ trọng doanh thu SPM đạt mức “mới với thị trường” phân ra theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp. Theo đó, trong các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu “SPM đạt mức mới với thị trường” từ 75% trở lên thì nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất là 15,8%, tiếp theo là nhóm các doanh nghiệp nhà nước 13,2% và cuối cùng là nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước 9,3%. Nếu tính trong các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu “SPM đạt mức mới đối với thị trường” từ 50% trở lên (nhóm 50-75% và >=75%) thì nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ cao nhất là 32,1% (16,3%+15,8%), tiếp theo lại là nhóm các doanh nghiệp ngoài nhà nước 23,2% (13,9%+9,3%) và cuối cùng, nhóm doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ trọng doanh thu “SPM đạt mức mới với thị trường” thấp nhất 21,8% (7,9%+13,9%).
Hình 1.19: DN có có sản phẩm mới với thị trường chi theo tỷ trọng doanh thu của SPM và theo loại hình kinh tế
Tiếp tục từ Hình 1.19, nếu tính trong các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu SPM mức mới với thị trường từ 25% trở lên (nhóm 25-50%, 50-75% và >=75%) thì thứ tự xếp tỷ trọng từ cao đến thấp càng thấy rõ đứng ở vị trí đầu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (56,3%=24,2+16,3+15,8), kế tiếp là doanh nghiệp ngoài nhà nước (55,7%=32,5+13,9+9,3) và xa xa cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước (37,6%=15,8+7,9+13,9). Như vậy, có thể thấy khả năng đổi mới sản phẩm để vươn ra thị trường trước các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cao nhất, tiếp sau đó là đến các doanh nghiệp ngoài nhà nước và cuối cùng mới đến doanh nghiệp nhà nước.
2. Đổi mới quy trình công nghệ
Theo Hướng dẫn Oslo 2005 của OECD, đổi mới quy trình công nghệ là việc thực hiện phương pháp sản xuất mới hoặc phương pháp sản xuất được cải tiến về kỹ thuật, bao gồm cả phương pháp vận chuyển, phân phối sản phẩm nhằm làm giảm các chi phí sản xuất hay chi phí phân phối, gia tăng chất lượng sản phẩm, hoặc nhằm tạo ra hay phân phối những sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến về kỹ thuật. Những phương pháp này, bao gồm:
- Các phương pháp sản xuất có được do thay đổi thiết bị hoặc thay đổi cách tổ chức sản xuất, hoặc thay đổi cả hai; và cũng có thể thông qua việc áp dụng tri thức mới. Ví dụ: các phương pháp sản xuất mới là ứng dụng thiết bị tự động mới trên dây chuyền sản xuất hay việc thực hiện việc thiết kế có sự trợ giúp của máy tính để phát triển sản phẩm; việc ứng dụng các thiết bị theo dõi bằng GPS cho các dịch vụ vận tải, quá trình áp dụng một hệ thống đặt chỗ mới ở một doanh nghiệp du lịch hoặc như phát triển những kỹ thuật mới để quản lý các dự án của một doanh nghiệp tư vấn.
- Các phương pháp nhằm sản xuất hoặc vận chuyển, phân phối sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến về kỹ thuật mà không thể sản xuất được hoặc không thể vận chuyển, phân phối được theo các phương pháp đã có. Ví dụ việc áp dụng hệ thống kiểm tra hàng hóa bằng nhận dạng tần số radio (RFID) hoặc bằng mã vạch là một phương pháp phân phối mới mà các phương pháp phân phối trước đó không thể làm được.
- Là các phương pháp nâng cao sản lượng hoặc hiệu quả phân phối sản phẩm đang có (kể cả các hoạt động hỗ trợ đối với các quy trình công nghệ như hệ thống duy tu, bảo dưỡng hoặc hoạt động mua sắm, thanh toán,…). Ví dụ như các phương pháp hỗ trợ mua bán, thanh toán, tính toán và bảo trì; hoặc như việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các phương pháp hỗ trợ này để nâng cao hiệu quả và/hoặc chất lượng của nó thì đó cũng là đổi mới quy trình công nghệ.
Bảng 1.5 mô tả số doanh nghiệp có phiếu điều tra sử dụng được, có đổi mới quy trình công nghệ, tức là những DN có ĐMQT bất kể là có các đổi mới sáng tạo khác (như: ĐMSP, ĐMTT, ĐMTC&QL) hay không. Tỷ lệ % các DN có ĐMQT trong giai đoạn 2014-2016 là 39,88% (3.047 DN). Như vậy, giai đoạn 2014-2016 có 60,12% số doanh nghiệp (4.594 DN) có phiếu điều tra sử dụng được, không ĐMQT, tức là không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh các phương pháp sản xuất mới hoặc phương pháp sản xuất được cải tiến về kỹ thuật (Hình 1.20).
Bảng 1.5: Số doanh nghiệp có đổi mới quy trình công nghệ trong giai đoạn 2014-2016
Hình 1.20: Tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới quy trình công nghệ trong ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2014- 2016
Bảng 1.5 và Hình 1.21 cũng cho thấy, trong 4.709 doanh nghiệp có ĐMST thì có 3.047 doanh nghiệp (64,69%) là có đổi mới QTCN, còn lại 1.662 doanh nghiệp (35,29%) không có đổi mới QTCN mà có các ĐMST chính khác, như đổi mới sản phẩm, đổi mới tiếp thị hay đổi mới tổ chức và quản lý.
Hình 1.21: Tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới quy trình công nghệ trong các doanh nghiệp có hoạt động ĐMST giai đoạn 2014-2016
So với tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới sản phẩm (32,02%), Hình 5.20 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới quy trình công nghệ (ĐMQT) cao hơn, đạt 39,88% và theo Hình 1.21, trong các doanh nghiệp ĐMST có tới 64,69% số doanh nghiệp ĐMQT. Như vậy, có thể thấy, trong 04 loại ĐMST chính, đa số các doanh nghiệp tập trung vào thực hiện và hoàn thành ĐMQT. Kết quả này (39,88% DN ĐMQT) cũng phù hợp với những gì có thể thấy được trong các nghiên cứu trước đây của OECD và WB [OECD&WB, 2014; World Bank, 2017: trang 29], theo đó, năm 2015, bình quân có 38% các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ĐMQT.
Doanh nghiệp ĐMQT trong từng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (cấp 2):
Xem xét tỷ lệ các doanh nghiệp ĐMQT trong từng ngành công nghiệp, phân theo ngành kinh tế cấp 2, Hình 1.22 cho thấy, ngành có tỷ lệ doanh nghiệp ĐMQT cao nhất là ngành “21.Sản xuất các sản phẩm hóa chất khác” (50%), tiếp đến là các ngành ngành “30.Sản xuất các phương tiện vận tải khác” (49%), ngành “12.Sản xuất sản phẩm thuốc lá” (47%), 28.Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu” (47%), “23.sản xuất sản phẩm cao su và plastic” (45%)...
Xem xét tỷ lệ các doanh nghiệp ĐMQT trong các doanh nghiệp ĐMST theo ngành kinh tế cấp 2, Hình 1.22 cho thấy, trong các doanh nghiệp có ĐMST, ngành có tỷ lệ doanh nghiệp ĐMQT cao nhất là ngành “15.Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan” (76%), tiếp đến là các ngành “30.Sản xuất các phương tiện vận tải khác” (71%), “13.Dệt” (71%), “Sản xuất các sản phẩm hóa chất khác” (71%), ngành “13.Dệt” (71%), ngành “23.sản xuất sản phẩm cao su và plastic” (69%), ngành “26. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; Sản xuất thiết bị vô tuyến” (68%), “14.Sản xuất trang phục” (68%),….
Hình 1.22: Tỷ lệ DN có ĐMQT giai đoạn 2014-2016 trong tổng số doanh nghiệp trả lời phiếu điều tra và doanh nghiệp ĐMST
Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ĐMQT phân theo quy mô lao động và loại hình kinh tế của doanh nghiệp:
Xem xét tỷ lệ % các DN có đổi mới quy trình công nghệ trong nhóm các loại hình doanh nghiệp khác nhau (Hình 1.23) cho thấy: (i) các doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn thì càng quan tâm nhiều đến ĐMQT (DN nhỏ=34,45%; DN vừa=43,17%; DN lớn= 52,59%); (ii) tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước có ĐMQT là khá cao (51,58%), còn các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ ở mức 38,23%; còn lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ số doanh nghiệp ĐMQT là 42,31%. Kết quả này phù hợp với những gì có thể thấy được trong các nghiên cứu trước đây, theo đó, các doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn càng có khả năng đầu tư cho đổi mới công nghệ; các doanh nghiệp nhà nước có nhiều điều kiện huy động nguồn lực tài chính để đầu tư cho đổi mới công nghệ hơn là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hình 1.23: Tỷ lệ doanh nghiệp có ĐMQT phân theo các loại hình doanh nghiệp
Phương thức thực hiện ĐMQT của doanh nghiệp:
Có thể phân loại các DN ĐMQT thành 03 loại như: (i) các doanh nghiệp chỉ có quy trình mới (“Chỉ có QTM”); chỉ có quy trình cải tiến (“Chỉ có QTCT”) và các doanh nghiệp có cả quy trình mới và cả quy trình cải tiến (“QTM và QTCT”).
Hình 1.24 mô tả cơ cấu các DN ĐMQT theo 03 loại hoạt động ĐMQT và phân theo quy mô lao động. Theo đó, Trong các DN nhỏ: có ĐMQT thì có 12% DN chỉ có QTCT, 12% DN chỉ có QTM, còn lại 76% DN đồng thời có QTM và có QTCT. Các tỷ lệ tương tự có thể đánh giá được đối với các DN vừa và lớn thông qua Hình 1.24.
Hình 1.24: Cơ cấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới quy trình công nghệ (chỉ có quy trình mới, có quy trình mới và quy trình được cải tiến, chỉ có quy trình được cải tiến) chia theo quy mô lao động
Để triển khai thực hiện QTM, các doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp (tự TH) hoặc thuê tổ chức, nhân lực bên ngoài thực hiện (Thuê) hoặc kết hợp cả hai hình thức: một phần tự thực hiện phần còn lại thuê tổ chức, cá nhân bên ngoài (Tự TH& Thuê). Bảng 1.6 cho thấy, tại các nhóm doanh nghiệp phân theo quy mô lao động, bình quân là 77,69% các doanh nghiệp là tự thực hiện hoạt động ĐMST để làm ra quy trình công nghệ mới; 10,06% các DN nhỏ, 9,25% các DN vừa và 9,68% các DN lớn đã lựa chọn phương thức đi thuê lực lượng bên ngoài để có được QTM; còn lại 12,27% đến 17,91% các doanh nghiệp có được QTM thông qua phương thức vừa tự thực hiện kết hợp với thuê ngoài.
Bảng 1.6: Phương thức thực hiện quy trình công nghệ mới của doanh nghiệp chia theo quy mô lao động
Đối với các phương thức mà các doanh nghiệp đã lựa chọn thực hiện để có được quy trình cải tiến (QTCT), Bảng 5.7 cho thấy, tại các loại quy mô doanh nghiệp, bình quân 78,29% các doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động ĐMST để cải tiến quy trình công nghệ; một tỷ lệ nhỏ (9,05%) các DN nhỏ, 9,31% các DN vừa và 7,54% các DN lớn đã thuê lực lượng bên ngoài để có được QTCT; còn lại 12,18-15,02% các doanh nghiệp có được QTCT thông qua hình thức vừa tự thực hiện vừa thuê ngoài.
Bảng 1.7: Phương thức thực hiện cải tiến quy trình công nghệ của doanh nghiệp chia theo quy mô lao động
Phương thức đổi mới quy trình công nghệ của doanh nghiệp:
Hình 1.25 mô tả các phương thức đổi mới quy trình công nghệ của các loại doanh nghiệp, theo đó, 78,7% (39,4%+39,3%=78,7%) các doanh nghiệp đổi mới quy trình công nghệ thông qua hai phương thức: "1. Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị" và/hoặc "2. Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại".
Hình 1.25: Phương thức đổi mới quy trình công nghệ của các doanh nghiệp
Trong các phương thức thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, đáng chú ý là bình quân có đến 7,3% các doanh nghiêp sử dụng các lao động có kinh nghiệm, có kỹ năng cao để chuyển giao, đổi mới công nghệ (đổi mới công nghệ "Thông qua ký hợp đồng lao động mới với người có kỹ năng và kinh nghiệm"). Số liệu cũng cho thấy, phương thức "Chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN công lập" (kể cả các đại học) chỉ được 0,3% các doanh nghiệp áp dụng; trong khi phương thức "Chuyển giao từ các tổ chức KH&CN khác" còn được 0,6% (gấp 2 lần các tổ chức KH&CN công lập) các doanh nghiệp áp dụng.
Kết quả này cũng khá tương tự như kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam của Viện Quản lý kinh tế Trung ương [VKTTW, 2015, p.30-31]: theo đó, năm 2013, tỷ lệ các DN ngành chế biến, chế tạo đổi mới QTCN với phương thức “công nghệ kèm theo thiết bị” là 42%, “Mua công nghệ” là 34%. Tuy nhiên, các phương thức để đổi mới quy trình công nghệ còn lại, theo kết quả điều tra lần này, lại thấp hơn nhiều so với kết quả điều tra của Viện KTTW. Cụ thể, theo kết quả điều tra của Viện KTTW: sử dụng công nghệ từ nhóm doanh nghiệp là 28%, sử dụng công nghệ từ các doanh nghiệp ngoài/khách hàng là 34%, sử dụng công nghệ thông qua lao động mới (có kỹ năng) là 38%, những mức này cao hơn khoảng 5 lần so với kết quả có được từ cuộc điều tra lần này.
Xem xét phương thức chuyển giao, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp, Hình 1.26 cho thấy, tại cả 3 loại hình kinh tế có trên 76% các doanh nghiệp đổi mới quy trình công nghệ thông qua 02 phương thức: "1. Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liến với hàng hóa, máy móc, thiết bị" và/hoặc "2. Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại" (Cụ thể: có 77,4% (=35,6%+41,8%) DN nhà nước; 79,3% (=39,8%+39,5%) DN ngoài nhà nước; và 76,8% (=38,7%+38,1%) DN có vốn đầu tư nước ngoài). Một số doanh nghiệp ĐMQT thông qua “3. Sử dụng công nghệ, thiết bị do các công ty khác trong công ty mẹ cung cấp” (Cụ thể: 11,1% DN nhà nước; 17,1% DN ngoài nhà nước; và 8,4% DN có vốn ĐTNN). Phương thức chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN công lập (kể cả đại học) ít được các doanh nghiệp lựa chọn (cụ thể: chỉ có 0,9% các DN nhà nước; 0,4% các DN ngoài nhà nước; và 0,2% các DN có vốn ĐTNN). Phương thức chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KH&CN khác (ngoài nhà nước) được các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn so với từ các tổ chức KH&CN công lập (Cụ thể: 1,3% các DN nhà nước; 0,8% các DN ngoài nhà nước; và 0,3% các DN có vốn ĐTNN).
Hình 1.26: Phương thức đổi mới quy trình công nghệ của các doanh nghiệp chia theo phương thức đã thực hiện và loại hình kinh tế
3. Đổi mới sản phẩm và/hoặc đổi mới quy trình công nghệ
Để đánh giá về mức độ ĐMST của doanh nghiệp, ĐMSP và ĐMQT được đặc biệt quan tâm, xem xét. OECD đưa ra khái niệm kép “đổi mới sản phẩm và/hoặc đổi mới quy trình” (ĐMSP và/hoặc ĐMQT) để gọi tên 02 loại ĐMST chính này. Doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” là doanh nghiệp có một trong ba loại ĐMST: chỉ có “ĐMSP” hoặc chỉ có “ĐMQT” hoặc có “ĐMSP và ĐMQT”.
Có hai khái niệm cần được phân biệt là: (i) Doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” là doanh nghiệp có ĐMSP và/hoặc có ĐMQT, bất kể là có ĐMTT và ĐMTC&QL hay không; và (ii) Doanh nghiệp chỉ có “ĐMSP và/hoặc có ĐMQT” là doanh nghiệp có ĐMSP và/hoặc có ĐMQT và, bên cạnh đó, không có ĐMTT hay ĐMTC&QL. Như vậy, các DN chỉ có “ĐMSP và/hoặc có ĐMQT” là một bộ phận trong các DN có “ĐMSP và/hoặc có ĐMQT”.
Hình 1.27 mô tả bình quân tỷ lệ các doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” và chỉ có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” trong giai đoạn 2014-2016. Số liệu điều tra cho thấy, trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có phiếu điều tra sử dụng được, bình quân có 49,0% các doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”. Tỷ lệ này tăng dần theo quy mô lao động của doanh nghiệp: 43,8% doanh nghiệp nhỏ, 54,0% DN vừa và 60,1% DN lớn có ĐMSP và/hoặc ĐMQT trong giai đoạn 2014-2016. Trong các DN có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, bình quân, có khoảng 1/3 số các DN là chỉ có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” (mà không có các ĐMST khác như: ĐMTT, ĐMTC&QL).
Hình 1.27: Tỷ lệ doanh nghiệp có và chỉ có ĐMSP và/hoặc ĐMQT trong tổng số phiếu SDĐ
Như vậy, quy mô lao động của doanh nghiệp càng lớn thì số các doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” càng nhiều; và trong các DN có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” thì chỉ có khoảng 1/3 các DN là chỉ có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, còn lại 2/3 các DN, bên cạnh có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, còn có các ĐMST khác như: ĐMTT và/hoặc ĐMTC&QL. Điều này có nghĩa là phần lớn các DN đã có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” thì cũng có ĐMTT
và/hoặc ĐMTC&QL.
Hình 1.28 mô tả cơ cấu tỷ lệ % các doanh nghiệp chỉ có “ĐMSP”, “ĐMSP và ĐMQT” và chỉ có “ĐMQT”. Theo đó, trong số các doanh nghiệp có “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, có đến trên ¾ số doanh nghiệp có ĐMQT (tức là “Chỉ ĐMQT” và “ĐMSP và ĐMQT”) và tỷ lệ này tăng tỷ lệ thuận với quy mô lao động của doanh nghiệp. Cụ thể là: có đến 87,43% (49,91%+37,52%) DN lớn, 79,91% (50,56%+29,35%) DN vừa và 78,62% (44,68%+33,94%) DN nhỏ có ĐMQT. Số liệu cũng cho thấy, quy mô lao động càng nhỏ thì sự quan tâm đến “chỉ ĐMSP” càng lớn: 12,57% DN lớn, 20,09% DN vừa và 21,39% DN nhỏ chỉ ĐMSP trong giai đoạn 2014-2016. Như vậy, doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn càng quan tâm nhiều đến “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, nhất là ĐMQT. Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì tập trung quan tâm chủ yếu nhiều đến ĐMSP.
Hình 1.28: Cơ cấu tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sản phẩm và/hoặc đổi mới quy trình công nghệ phân theo quy mô lao động giai đoạn 2014-2016
4. Đổi mới tổ chức và quản lý
Hình 1.29 mô tả tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới tổ chức và quản lý (ĐMTC&QL) trong giai đoạn 2014-2016. Theo đó, bình quân có 5,60% số doanh nghiệp chỉ có “ĐMTC&QL” và không còn có ĐMST nào khác, như ĐMSP, ĐMQT hay ĐMTT. Trong các loại quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ các DN nhỏ chỉ có “ĐMTC&QL” là 5,86% (cao hơn mức trung bình chung), chiếm tỷ lệ cao nhất; tỷ lệ này ở các DN vừa là 5,24%; và tại các DN lớn là 5,07%.
Hình 1.29: Tỷ lệ doanh nghiệp có ĐM TC&QL trong tổng số doanh nghiệp có phiếu sử dụng được
Số liệu điều tra cũng cho thấy, bình quân có khoảng 37,68% số doanh nghiệp có ĐMTC&QL và cũng có các ĐMST khác, như ĐMSP, ĐMQT hay ĐMTT; quy mô lao động của doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ số doanh nghiệp có ĐMTC&QL càng cao (34,17% DN nhỏ, 41,83% DN vừa và 45,03% DN lớn).
Các doanh nghiệp đánh giá rất cao vai trò của ĐMTC&QL đối với các mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đánh giá mức độ quan trọng của ĐMTC&QL đối với từng loại mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có những đánh giá như sau (Hình 5.30):
Hình 1.30: Doanh nghiệp đánh giá mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra cho đổi mới tổ chức và quản lý
- 78% các DN đánh giá ĐMTC&QL rất quan trọng (=điểm đánh giá mức “Cao”) đối với mục tiêu “Nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ”; trên 50% DN đánh giá ĐMTC&QL rất quan trọng đối với mục tiêu “Nâng cao khả năng phát triển sản phẩm  hoặc quy trình mới”, “Giảm chi phí trên từng sản phẩm đầu ra”;
- Có đến 98% các DN đánh giá ĐMTC&QL quan trọng (=điểm đánh giá mức “Cao” và “Trung bình”) đối với mục tiêu “Nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ”; 92% DN đánh giá ĐMTC&QL là quan trọng đối với mục tiêu “Nâng cao khả năng phát triển sản phẩm hoặc quy trình mới”, “Giảm chi phí trên từng sản phẩm đầu ra”; và có đến 90% các DN cho rằng ĐMTC&QL là quan trọng để “Giảm thời gian đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các nhà cung cấp nguyên vật liệu…”; 81% các DN cho rằng ĐMTC&QL có vai trò quan trọng để “Cải thiện việc trao đổi hoặc chia sẻ thông tin trong DN hoặc với các DN hoặc tổ chức khác”.
Như vậy, gần như toàn bộ các doanh nghiệp (98%) đánh giá ĐMTC&QL là quan trọng đối với mục tiêu “Nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ”; Đại đa số các doanh nghiệp (92%) đánh giá ĐMTC&QL là quan trọng đối với mục tiêu “Nâng cao khả năng phát triển sản phẩm hoặc quy trình mới”, “Giảm chi phí trên từng sản phẩm đầu ra”; và đa số các doanh nghiệp (81%-90%) cho rằng ĐMTC&QL là quan trọng để “Giảm thời gian đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các nhà cung cấp nguyên vật liệu…”, “Cải thiện việc trao đổi hoặc chia sẻ thông tin trong DN hoặc với các DN hoặc tổ chức khác”.
5. Đổi mới tiếp thị
Hình 1.31 mô tả tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới tiếp thị (ĐMTT) trong giai đoạn 2014-2016. Theo đó, bình quân chỉ có 2,29% số doanh nghiệp chỉ có ĐMTT và không có loại ĐMST nào khác, như ĐMSP, ĐMQT hay ĐMTC&QL. Trong các loại quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ các DN nhỏ chỉ có ĐMTT là 3,06%, chiếm tỷ lệ cao nhất; tỷ lệ này ở các DN vừa là 0,73%; và tại các DN lớn là 0,95%.
Số liệu điều tra cũng cho thấy, bình quân có khoảng 28,62% số doanh nghiệp có ĐMTT (và bên cạnh đó cũng có các loại ĐMST khác, như ĐMSP, ĐMQT hay ĐMTC&QL); tỷ lệ này cụ thể: 28,06% DN nhỏ, 30,61% DN vừa và 28,23% DN lớn.
Hình 1.31: Tỷ lệ doanh nghiệp có ĐMTT trong tổng số doanh nghiệp có phiếu sử dụng được
Các doanh nghiệp đánh giá rất cao vai trò của ĐMTT đối với các mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đánh giá mức độ quan trọng của ĐMTT đối với từng loại mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có những đánh giá như sau (Hình 1.32):
- 69% các DN đánh giá ĐMTT rất quan trọng (=điểm đánh giá là “Cao”) đối với mục tiêu “Giới thiệu sản phẩm đến nhóm khách hàng mới”; 64% DN đánh giá ĐMTT rất quan trọng đối với “Tiếp tục duy trì thị phần”; khoảng một nửa (52%-48%) số doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của ĐMTT đối với việc “Giới thiệu sản phẩm ra khu vực địa lý mới” hoặc “Giảm chi phí trên từng sản phẩm đầu ra”;
- Có đến 97% các DN đánh giá ĐMTT có vai trò quan trọng (=điểm đánh giá là “Cao” và “Trung bình”) đối với mục tiêu “Giới thiệu sản phẩm đến nhóm khách hàng mới”; 96% DN đánh giá ĐMTT là quan trọng đối với “Tiếp tục duy trì thị phần”; 88% DN cho rằng ĐMTT là quan trọng để “Giới thiệu sản phẩm ra khu vực địa lý mới” và “Giảm chi phí trên từng sản phẩm đầu ra”; còn lại 81% các DN cho rằng ĐMTT có vai trò quan trọng để “Cải thiện việc trao đổi hoặc chia sẻ thông tin trong DN hoặc với các DN hoặc tổ chức khác”.
Hình 1.32: Doanh nghiệp đánh giá mức độ quan trọng của các mục tiêu đặt ra cho đổi mới tiếp thị
Như vậy, tuyệt đại đa số (96%-97%) các doanh nghiệp đánh giá ĐMTT có vai trò quan trọng đối với mục tiêu “Giới thiệu sản phẩm đến nhóm khách hàng mới” và “Tiếp tục duy trì thị phần”; Đại đa số (88%) các doanh nghiệp cho rằng ĐMTT là quan trọng để “Giới thiệu sản phẩm ra khu vực địa lý mới” và “Giảm chi phí  trên từng sản phẩm đầu ra”; và đa số (81%) các doanh nghiệp cho rằng ĐMTT có vai trò quan trọng để “Cải thiện việc trao đổi hoặc chia sẻ thông tin trong DN hoặc với các DN hoặc tổ chức khác”.
6. Tổng hợp các loại đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp
Tổng hợp lại các loại đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, Hình 1.33 mô tả thực trạng về tỷ lệ các doanh nghiệp có các loại đổi mới sáng tạo chính như: ĐMSP, ĐMQT, ĐMTT, ĐMTC&QL, ĐMSP và/hoặc ĐMQT và ĐMST nói chung. Trong tỷ lệ chung là 61.6% số doanh nghiệp có ĐMST trong giai đoạn 2014-2016, “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” chiếm quy mô lớn nhất (49,0%). Trong 04 loại ĐMST chính thì tỷ lệ % số doanh nghiệp có ĐMQT là cao nhất (39,9%); tỷ lệ % số doanh nghiệp có ĐMTT trong giai đoạn 2014-2016 là thấp nhất (28,6%).
Hình 1.33: Doanh nghiệp thực hiện các loại đổi mới sáng tạo
Bảng 1.8 và Hình 1.34 cho thấy, nếu loại trừ ĐMTT thì tỷ lệ % số doanh nghiệp có ĐMSP, ĐMQT, ĐMTC&QL, “ĐMSP và/hoặc ĐMQT” hay ĐMST nói chung đều tăng theo quy mô lao động của doanh nghiệp.
Bảng 1.8: Doanh nghiệp thực hiện các loại đổi mới sáng tạo phân theo quy mô lao động
Hình 1.34: Tỷ lệ số doanh nghiệp thực hiện các ĐMST phân theo quy mô lao động
Hình 1.35 mô tả về tỷ lệ các doanh nghiệp có các loại ĐMST chính trong giai đoạn 2014-2016 phân theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ % các DN nhà nước có từng loại ĐMST chính đều là cao nhất so với DN ngoài nhà nước và DN có vốn ĐTNN. Cả ba loại hình kinh tế DN đều có tỷ lệ % số DN có ĐMQT là cao nhất; xếp vị trí thứ hai là tỷ lệ % số DN có ĐMTC&QL; thứ ba là tỷ lệ % các DN có ĐMSP; và cuối  cùng là tỷ lệ % các DN có ĐMTT.
Hình 1.35: Tỷ lệ số doanh nghiệp có các loại ĐMST phân theo loại hình kinh tế
Hình 1.35 cho thấy, trong từng loại ĐMST chính, tỷ lệ % của các DN nhà nước có ĐMST đều là cao nhất so với DN ngoài nhà nước và DN có vốn ĐTNN, nhưng khi tính chung lại (nhóm cột cuối cùng bên phải) về tỷ lệ % các DN ĐMST nói chung, thì thực tế, tỷ lệ % DN ĐMST của các DN nhà nước lại thấp nhất so với tỷ lệ này của các DN ngoài nhà nước và DN có vốn ĐTNN. Điều này có thể suy ra, trong các DN nhà nước có ĐMST, tỷ lệ % các DN cùng một lúc có nhiều loại ĐMST là khá cao.
Hình 1.36 mô tả cơ cấu tỷ lệ % các DN có các loại ĐMST1 chia theo loại hình kinh tế của doanh nghiệp. Số liệu cho thấy, cơ cấu tỷ lệ % các DN nhà nước ĐMST có cùng một lúc cả 4 loại ĐMST đạt 38% (hơn gấp 2 lần tỷ lệ này của các DN ngoài nhà nước: 19% và DN có vốn ĐTNN: 17%); cơ cấu tỷ lệ % các DN nhà nước ĐMST có cùng một lúc cả 3 loại ĐMST đạt 25% (cao hơn gấp 1,3 lần tỷ lệ này của các DN ngoài nhà nước: 19% và DN có vốn ĐTNN: 19%). Trong khi đó, cơ cấu tỷ lệ % các DN nhà nước ĐMST chỉ có 02 và 01 loại ĐMST chỉ có 19% và 17% (Thấp hơn nhiều tỷ lệ này của DN ngoài nhà nước là 30% và 32%; cũng như thấp hơn nhiều tỷ lệ này của DN có vốn ĐTNN là 17% và 36%).
Hình 1.36: Cơ cấu tỷ lệ % số doanh nghiệp có các loại ĐMST phân theo loại hình kinh tế
Như vậy, từ Hình 1.33, 1.34, 1.35 và 1.36 có thể thấy:
(1) Quy mô lao động càng lớn thì sự quan tâm đến các loại ĐMST chính (ĐMSP, ĐMQT, ĐM TC&QL, ĐMTT) càng cao, kể cả loại “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”. Trong 4 loại ĐMST chính, các doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là ĐMQT.
(2) Xét sự quan tâm của 3 loại hình kinh tế của doanh nghiệp đối với 4 loại ĐMST chính và loại ĐMST kép “ĐMSP và/hoặc ĐMQT”, tỷ lệ % các DN nhà nước có các loại ĐMST này là cao nhất, tiếp đến là DN ngoài nhà nước, cuối cùng, thấp nhất, là DN  có vốn ĐTNN.
(3) Xét về tỷ lệ % các doanh nghiệp ĐMST nói chung, tỷ lệ % các DN có vốn ĐTNN có ĐMST đạt mức cao nhất, tiếp đến là tỷ lệ % các DN ngoài nhà nước có ĐMST và cuối cùng, thấp nhất, là tỷ lệ % các DN nhà nước có ĐMST.
(4) Xét về mức độ các doanh nghiệp có đồng thời nhiều loại ĐMST chính thì các DN nhà nước ĐMST thường có một lúc nhiều loại ĐMST chính hơn các DN ngoài nhà nước hay DN có vốn ĐTNN. Có đến 63% (=38%+25%) các DN nhà nước ĐMST có  cùng một lúc từ 03 loại ĐMST chính trở lên; tỷ lệ này ở các DN ngoài nhà nước là 38% và ở các DN có vốn ĐTNN là 36%. Chỉ có 17% các DN nhà nước ĐMST có duy nhất 01 loại ĐMST; tỷ lệ này ở các DN ngoài nhà nước là 32% và ở các DN có vốn ĐTNN là 36%.
Chú thích:
1 Nhóm “1 loại ĐMST” là nhóm các DN chỉ có 1 loại ĐMST chính, như ĐMSP (ký hiệu (1)), ĐMQT  (ký hiệu (2)), ĐMTC&QL (ký hiệu (3)) hay ĐMTT (ký hiệu (4)); nhóm “2 loại ĐMST” là nhóm các DN có một lúc 2 loại ĐMST như: (1)+(2), (1)+(3); (1)+(4); (2)+(3); (2)+(4); (3)+(4); nhóm “3 loại ĐMST” là nhóm các DN có một lúc cả 3 loại ĐMST như (1)+(2)+(3); (1)+(2)+(4); (1)+(3)+(4); (2)+(3)+(4); nhóm “4 loại ĐMST” là nhóm các DN có cả 4 loại ĐMST cùng một lúc như (1)+(2)+(3)+(4).
Dự án FIRST


lên đầu trang