Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:33

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:33

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:11 ngày 10/12/2019

Doanh nghiệp- "Hạt nhân" đổi mới, ứng dụng công nghệ

Xác định lấy doanh nghiệp (DN) là trung tâm của hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ (KH&CN), Đảng, nhà nước cũng như ngành KH&CN đã đẩy mạnh xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của DN. 

THACO đẩy mạnh đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô
Từ trước năm 2000, Bộ KH&CN đã quan tâm hỗ trợ các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ, giúp DN cải thiện chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đối với các DN quy mô lớn, trong hai thập kỷ gần đây, Bộ đã hỗ trợ triển khai thành công các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các dự án kinh tế - kỹ thuật lớn như: Cơ khí đóng tàu, chế tạo các tổ hợp phát điện; truyền dẫn điện; thăm dò, khai thác dầu khí; chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng theo công nghệ lò quay; sản xuất vắc xin; tạo giống và nuôi thương phẩm các loài thủy sản giá trị cao… Các dự án này ước tính mang lại lợi ích và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua việc hình thành Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình KH&CN quốc gia… Đây là những kênh tài chính cung cấp khoản tài trợ, hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh tín dụng, giúp DN tiến hành hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 được triển khai trên 50 lĩnh vực công nghệ, theo hình thức DN chủ trì hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học để đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và ngành kinh tế.
Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển với số lượng và giá trị giao dịch công nghệ tăng mạnh. Đến nay, cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp… Các giải pháp kích cung - cầu và thúc đẩy hệ thống trung gian cho thị trường công nghệ tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng, đưa nhanh kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy làn sóng đổi mới công nghệ ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp ở các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Là một trong số nhiều DN thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các chương trình, dự án KH&CN cấp nhà nước, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) - nhận định, Đảng và nhà nước rất quan tâm chỉ đạo và ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ trong DN để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy tăng chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ năm 2014, THACO đã tham gia thực hiện Dự án KH&CN cấp nhà nước "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam", đầu tư các phần mềm thiết kế và tính toán mô phỏng hiện đại, đào tạo đội ngũ kỹ sư R&D… Qua đó, đã góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và nâng tỷ lệ nội địa hóa xe bus lên 60%; xe tải lên 35 - 40%; đồng thời, tạo hiệu ứng lan tỏa về mọi mặt cho các nhà máy sản xuất của THACO tại Chu Lai. "Các kết quả hoạt động KH&CN đã tạo tiền đề cho DN có những bước phát triển vượt bậc" - ông Trần Bá Dương - nhấn mạnh.
Quỳnh Nga tổng hợp
lên đầu trang