Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:54

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:54

Chính sách

Cập nhật lúc 13:09 ngày 10/12/2019

Đầu tư vào công nghệ cao: Thu hút doanh nghiệp lớn

Một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đang chuyển hướng chiến lược, đầu tư lớn cho nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao (CNC) với mong muốn sớm đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ có chất lượng, nâng tầm giá trị thương hiệu và niềm tự hào sản phẩm Việt Nam.

Bên trong Nhà máy Sản xuất thiết bị điện tử VinSmart
Mới đây, tại Khu CNC Hòa Lạc, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thỏa thuận này, quý I/2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC trên diện tích 9,1ha tại Khu CNC Hòa Lạc; đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm, sản xuất thiết bị CNC của Viettel. Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha, đây được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn, vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT... Trước đó, cũng tại Khu CNC Hòa Lạc, Viettel đã đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu (Data center) đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô và dung lượng lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn cũng xây dựng tổ hợp nghiên cứu, sản xuất công nghiệp CNC với quy mô gần 2.000 chuyên gia và kỹ sư làm việc.
Không chỉ có Viettel, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (Tập đoàn VinGoup) vừa khánh thành giai đoạn 1 Tổ hợp Nhà máy Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu CNC Hòa Lạc, với hệ sinh thái sản phẩm rộng lớn gồm điện thoại thông minh, thiết bị điện tử thông minh... Sau khi đi vào vận hành, tổ hợp sẽ trở thành trung tâm sản xuất các thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu khu vực, góp phần ghi dấu ấn của VinSmart trên bản đồ công nghệ quốc tế.
Tổ hợp Nhà máy Sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8ha với mặt bằng khu sản xuất 45.200m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các viện nghiên cứu độc lập. Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm. Đáng chú ý, khi đi vào hoạt động, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart sẽ có quy mô hiện đại hàng đầu khu vực với hệ thống dây chuyền được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, bảo đảm quy trình hoàn toàn khép kín, tự động hóa ở mức tối đa và đạt hiệu năng cao…
Những dự án này là minh chứng điển hình cho thấy, việc đầu tư vào công nghệ nói chung, đặc biệt là CNC của DN đang đón nhận những tín hiệu tốt. Sự đầu tư lớn của các DN thổi bùng lên khát vọng về việc người Việt, DN Việt hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ ngang tầm thế giới và là động lực để các DN vươn cao, vươn xa hơn. Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc Công ty VinSmart - khẳng định, việc cho ra đời các thiết bị điện tử thông minh đột phá sẽ là nền tảng để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ lớn trên thế giới. Trong xu thế đó, VinSmart đã song song triển khai xây dựng tổ hợp nhà máy tại Hòa Lạc, hợp tác với các đối tác hàng đầu quốc tế nhằm nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu các thế hệ sản phẩm mới, góp phần mở rộng hệ sinh thái sản phẩm và dần khẳng định tên tuổi VinGroup trên bản đồ công nghệ thế giới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc:
So với 5 năm trước, hiện nay, các DN, tập đoàn tư nhân đã bắt đầu quan tâm và đầu tư lớn cho khoa học - công nghệ, thành lập các viện nghiên cứu… Đây là một quy luật ở các quốc gia phát triển, không chỉ có Chính phủ đầu tư cho khoa học mà tư nhân, DN cũng đầu tư cho lĩnh vực này.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang