Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 23:07

Thứ năm, 18/04/2024 | 23:07

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 22:06 ngày 25/01/2020

Đột phá về năng suất chất lượng – ‘Nét son’ từ những mô hình điểm

Với sự chủ động từ phía DN và sự hỗ trợ một phần của Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng, nhiều DN đã triển khai áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Công nghệ, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến - “bà đỡ” cho DN nâng cao năng suất
Theo số liệu điều tra về trình độ công nghệ thực hiện năm 2017, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất, sản xuất sản phẩm mới thì cải tiến chất lượng sản phẩm là phương thức được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn để cải thiện kết quả kinh doanh do không phải đầu tư nhiều nguồn lực.

Ông Hoàng Văn Anh, Phó trưởng ban – Ban Hội viên và Đào tạo – VCCI: Chương trình 721 đã gặt hái được những thành công nhất định. 
Trong những năm qua, chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712) với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp cho nhiều DN nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ qua đó tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và thời gian.
Với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.
Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các hệ thống, công cụ như: ISO, Lean/Kaizen; 5S,... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20%. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó.
Tại Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”, đánh giá về hiệu quả của Chương trình tác động đến DN, ông Hoàng Văn Anh, Phó trưởng ban – Ban Hội viên và Đào tạo – VCCI, cho biết qua triển khai Chương trình đã gặt hái được những thành công nhất định. Sự thành công này cho thấy nhiều DN từ việc nhận thức được lợi ích từ việc áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến dẫn đến hành động và có được những kết quả rất đáng kể.
“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng DN, đặc biệt trong bối cảnh khi cộng đồng DN bước vào giai đoạn phát triển mới khi chúng ta thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn”, ông Hoàng Văn Anh cho biết.
Điểm sáng từ các mô hình điểm
Theo nhiều chuyên gia về năng suất, để trở thành những mô hình điểm về năng suất chất lượng, không ít DN Việt Nam đã phải trải qua một chặng đường dài. Đơn cử như thương hiệu thời trang Canifa của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương ra đời nhằm khai thác nhu cầu tăng lên của thị trường nội địa bằng các dòng sản phẩm len, sợi với mẫu mã phong phú và chất lượng cao. Trước năm 2008, công ty sử dụng phương pháp thủ công (kéo sợi bằng tay), NSLĐ rất thấp, chất lượng lao động không ổn định, phụ thuộc nhiều vào người lao động. Thông số kỹ thuật của sản phẩm đo được rất khác nhau giữa các cá nhân và giữa các ca làm việc.

Công ty Cổ phần Dây cáp điện Thượng Đình CADI-SUN là doanh nghiệp điển hình trong việc áp dụng hiệu quả các hệ thống quản lý trong nâng cao năng suất và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
Với việc đưa ra chiến lược “tiên phong về công nghệ” đã giúp năng suất của công ty tăng lên gấp 8 lần. Cụ thể, công ty bắt đầu mua 5 chiếc máy dệt của Nhật để thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy năng suất cao hơn, thông số kỹ thuật ổn định hơn, công ty mới quyết định đầu tư hàng loạt. Đến nay khi công ty đầu tư toàn bộ sang máy dệt tự động thì 1 công nhân vận hành 8 máy, theo đó NSLĐ đã tăng lên 8 lần.
Công ty Cổ phần Dây cáp điện Thượng Đình CADI-SUN là DN tư nhân thuộc ngành Sản xuất thiết bị điện, với sản phẩm chủ yếu là dây cáp điện các loại. Với xuất phát điểm khiêm tốn là một xưởng sản xuất nhỏ, đến nay, vị thế của CADI-SUN đã được khẳng định trên thị trường, sản phẩm của công ty chiếm 36% thị phần dây cáp điện Miền Bắc, 17% thị phần Miền Trung, 5-8% thị trường miền Nam. Thương hiệu CADI-SUN chiếm được sự tin tưởng của khách hàng trong nước và dần mở rộng thị trường quốc tế. Những thành công trên của CADI-SUN bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là nỗ lực không ngừng của công ty trong việc thúc đẩy năng suất đi đôi với xây dựng và phát triển thương hiệu.
Điểm mấu chốt trong thúc đẩy năng suất của CADI-SUN là luôn so sánh NSLĐ của mình với các doanh nghiệp tiến bộ hơn cùng ngành để xây dựng lộ trình nâng cao NSLĐ. Hiện nay, công ty đang chuẩn đối sánh mình với các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn của sản phẩm sản xuất ra để từ đó phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện chiến lược dài hạn về chinh phục người tiêu dùng ở những thị trường khó tính như châu Âu.
Có thể thấy từ hai DN điển hình, việc áp dụng công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và công cụ nâng cao năng suất chất lượng, tạo nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của DN đang được nhiều DN áp dụng thành công.
Theo VietQ
lên đầu trang