Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:04

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:04

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 21:19 ngày 05/02/2020

Viện Công nghiệp thực phẩm: Nhiều đề tài được ứng dụng thành công

Là viện nghiên cứu ứng dụng thuộc Bộ Công Thương, trong những năm qua, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp Quốc gia và cấp Bộ, cũng như các đề tài do Viện tự đầu tư. Các đề tài, dự án nghiên cứu này đã gắn kết với sản xuất và đem lại hiệu quả, lợi ích kinh tế - xã hội cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và Viện.
Thành công trong nghiên cứu
Với 52 năm xây dựng và trưởng thành ở giai đoạn nào, Viện Công nghiệp thực phẩm cũng có những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Viện tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến và bảo quản thực phẩm, tạo ra các chế phẩm sinh học có hoạt lực cao, ứng dụng có hiệu quả trong chế biến thực phẩm và các lĩnh vực khác.
PGS.TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm - cho biết: Giai đoạn 2012 - 2017, Viện đã thực hiện thành công trên 80 đề tài, dự án các cấp và hợp tác quốc tế. Chỉ tính riêng các nhiệm vụ thuộc Chuơng trình Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì, Viện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài, dự án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, chuyển giao công nghệ cho rất nhiều doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điển hình là đề tài ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất một số sản phẩm từ tinh bột. Đề tài đã xây dựng được các quy trình công nghệ và mô hình thiết bị để sản xuất, kết quả nghiên cứu chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).
Cùng đó, đề tài nghiên cứu, sản xuất một số thực phẩm chức năng từ đậu tương lên men đã phân lập và tuyển chọn các chủng giống tốt và nghiên cứu quy trình lên men chìm có sục khí. Kết quả, thu được 3 chế phẩm đậu tương lên men giàu isoflavone, GABA axít amin. Các chế phẩm này được sử dụng để sản xuất isoflavone plus có tác dụng giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch; thực phẩm chức năng cho nguời cao huyết áp AGABA, mất ngủ và bánh xốp vừng BABA có tác dụng giảm huyết áp...
Ngoài ra, còn có Đề tài nâng cao chất lượng rượu đặc sản Mai Hạ, nâng cao chất lượng tương, chao... đã được chuyển giao cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh và Binh Dương... Dự án sản xuất thử nghiệm: Sản xuất dầu gấc và nước uống từ quả gấc bằng công nghệ enzyme. Dự án này đã thành công trong việc ứng dụng enzyme trong sản xuất dầu gấc và đặc biệt là đã sản xuất nước uống từ quả gấc có chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận.
Đặc biệt, nhiều đề tài, dự án cấp Bộ Công Thương cũng đã được nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thành công cho các doanh nghiệp, trong đó có một số sản phẩm được sản xuất tại Viện như đồ uống chức năng dạng bột tan từ nguyên liệu truyền thống: Tinh rau má, trà tía tô, tinh lá sen... Hoàn thiện công nghệ chế biến dầu hạt bí đỏ, công nghệ sản xuất hỗn hợp axit béo omega 3 và omega 6, vitamin E... Viện cũng thành công trong việc tạo hương liệu dạng bột nhờ công nghệ bảo quản bằng cyclodextrin. Trong đó, công nghệ chế biến hạt tiêu, cà phê xanh... đã được Viện chuyển giao, phục vụ nhu cầu của các tỉnh phía Nam.
Hướng trở thành trung tâm KHCN cấp quốc gia
Hiện nay, Viện Công nghiệp thực phẩm đang bảo tồn, lưu giữ trên 1.300 chủng giống vi sinh vật công nghiệp thực phẩm bằng các phương pháp đông khô, lạnh sâu, bảo quản trong ni tơ lỏng, cấy truyền, bảo quản trong cát, đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hàng năm, Viện thu thập, bổ sung hơn 100 chủng có những đặc tính quý. Các chủng giống của Viện được ứng dụng trong thực tiễn và chủ yếu ở doanh nghiệp chế biến rượu, bia, nước giải khát như Habeco và những đơn vị thành viên của Habeco...
Theo PGS.TS Lê Đức Mạnh, để có được kết quả đó, trong những năm qua, Viện đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực toàn diện cả về con người và cơ sở vật chất. Hiện nay, trong đội ngũ 140 cán bộ nghiên cứu, có 18 TS, 6 PGS. TS; 72 Ths, còn lại là cử nhân, kỹ sư và lao động họp đồng thời vụ. Với lực lượng cán bộ hiện có, Viện hoàn toàn có đù năng lực để tham gia đấu thầu các nhiệm vụ KH&CN không chỉ ở trong nước mà còn quốc tế. Viện đã đấu thầu thành công 2 nhiệm vụ nghiên cứu của Thụy Điển, cán bộ nghiên cứu của Viện được mời tham gia Hội đồng Khoa học Thụy Điển. Đây là những minh chứng cho thấy, công tác chăm lo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Công nghiệp thực phẩm.
Để trở thành Trung tâm KH&CN cấp quốc gia, thời gian tới, Viện cần phải làm tốt công tác nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu, cử nhiều cán bộ đi làm luận án tiến sĩ ở trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức để nâng cao năng lực toàn diện cho Viện. Viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các các bộ có điều kiện đến với thực tiễn nhiều hơn nưa, tìm kiếm cơ hội hợp tác không chỉ trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mà còn cả trong đầu tư cùng có lợi. Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện tốt trong thời gian tới. Nguồn vốn đầu tư được xác định từ ngân sách nhà nước, hợp tác quốc tế, vốn góp của cán bộ. công nhân viên và các doanh nghiệp.
Với những kết quả đạt được, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, dù với bất kỳ khó khăn nào, Viện Công nghiệp thực phẩm sẽ vượt qua trong cơ chế mới, xứng đáng là viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước, trực thuộc Bộ Công Thương.
Nhóm phóng viên (Thực hiện)
Bài đăng trên Báo Công Thương số 59 
lên đầu trang