Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:15

Thứ ba, 19/03/2024 | 10:15

Chính sách

Cập nhật lúc 08:59 ngày 21/02/2020

Phát triển thị trường KH&CN, tăng năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0

Việc tăng cường phát triển thị trường KH&CN là một trong những giải pháp quan trọng để làm vững chắc hơn nền tảng KH&CN đất nước, tăng cường năng lực tiếp cận mạnh mẽ cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam.

Thị trường KH&CN được mở rộng...

Năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của một nước phải dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ (KH&CN) của quốc gia, trong đó thị trường KH&CN là khâu then chốt, cầu nối giữa cung và cầu để chuyển những thành quả KH&CN vào thực tiễn phát triển kinh tế.

Theo Bộ KH&CN, trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan xây dựng chính sách và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, cá nhân nghiên cứu KH&CN ở trong và ngoài nước, hoạt động phát triển thị trường KH&CN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với môi trường pháp lý được cải thiện và năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ tăng lên, từ cả phía các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mạng lưới các tổ chức trung gian được hình thành, đa dạng về các loại hình, từ các tổ chức truyền thống như khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các sự kiện kết nối cung cầu cho đến các tổ chức mới như tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung.

Các hoạt động kết nối giữa các bên cung, cầu công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua hoạt động kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến (Techmart online) và ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (Techfest). Sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai đã tạo sự lan tỏa, thu hút hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào đổi mới công nghệ.

Thời gian qua, các hoạt động kết nối giữa các bên cung, cầu công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua sự kiện kết nối cung cầu công nghệ do Bộ KH&CN tổ chức

Bên cạnh các Techfest địa phương, vùng, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đối tác tổ chức thành công Techfest Hoa Kỳ, Techfest Hàn Quốc, Techfest Xinh-ga-po để kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong nước với quốc tế. Techfest Việt Nam 2019 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của đại diện Diễn đàn sáng tạo toàn cầu, Giải khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu và hơn 100 quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế, hơn 120 diễn giả có uy tín trong các lĩnh vực công nghệ, gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và nước ngoài, thu hút hơn 6.500 lượt người tham dự các hội thảo, diễn đàn . Triển lãm quốc tế về công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học (Analytica Vietnam 2019) đã thu hút được hơn 143 đơn vị trưng bày đến từ 15 quốc gia với hơn 4.100 lượt khách tham quan.

Chuỗi sự kiện Chợ công nghệ - thiết bị và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Techmart-Techfest Mekong 2019) được tổ chức tại thành phố Cần Thơ để tạo môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống. Techmart online ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp .

... nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế

Mặc dù hoạt động phát triển thị trường KH&CN trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng theo đánh giá của nhóm chuyên gia đến từ Trường ĐHQG TP.HCM (gồm PGS.TS Nguyễn Chí Hải và ThS. Phạm Mỹ Duyên), thị trường KH&CN là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác. Sự phát triển còn hạn chế của thị trường KH&CN Việt Nam thể hiện ở một số đặc điểm sau.

Thứ nhất, nguồn cung thị trường KH&CN phụ thuộc vào kỹ năng, trình độ nhân lực vẫn còn hạn chế. Số nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, bậc trung của Việt Nam còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số lao động, mức độ cải thiện không nhiều qua các năm. Tỷ trọng chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm khoảng 7,2% lao động năm 2017. Hiện cả nước có 1.629 tổ chức nghiên cứu khoa học công lập với 141.000 người; 1.961 tổ chức nghiên cứu khoa học ngoài công lập sử dụng hơn 23.000 người lao động.

Mặc dù Việt Nam có quy mô nhân lực đông, có sức khoẻ nhưng thiếu kỹ năng và năng lực đổi mới sáng tạo. Đây là điểm bất lợi của lao động Việt Nam để hội nhập với lao động thế giới. Theo đánh giá của WEF năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của người Việt Nam được đánh giá ở mức điểm 3,8 trên thang điểm 7 (xếp hạng 97), kỹ năng phản biện trong giảng dạy chỉ ở mức 3 điểm trên thang điểm 7 xếp hạng 106 trên 141 nền kinh tế).

Số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực KH&CN hiện nay chiếm tỷ trọng gần 9%, tỷ trọng này có khuynh hướng gia tăng, tuy nhiên tỷ trọng doanh nghiệp làm việc trực tiếp liên quan đến nghiên cứu khoa học và phát triển chỉ khoảng 351 doanh nghiệp, con số quá ít so với quy mô trên 560 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh tại Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, sự phát triển thị trường KH&CN phụ thuộc vào chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua R&D. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN là 69.592 tỷ đồng, tương đương 2% tổng chi ngân sách. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng chỉ chiếm 44%, chi sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng, chiếm 56%. Giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, cơ cấu chi đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp KH&CN vẫn theo tỷ lệ 40/60.

Bức tranh đổi mới sáng tạo của Việt Nam khá mờ nhạt so với các nước trong khu vực khi số bằng phát minh sáng chế, số sáng chế áp dụng để thương mại hoá ở Việt Nam đều ở khoảng cách khá xa so với các nước. Nguyên nhân có thể lý giải, mức chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam phụ thuộc vào vai trò của nhà nước, hầu như thiếu bàn tay của khu vực tư nhân ở thị trường KH&CN.

Trong khi đó chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, 2,1% GDP của Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, chi cho hoạt động R&D hiện nay chiếm đến 4,2% GDP, số bằng được áp dụng thương hiệu vượt cả Nhật Bản với 4378 sáng chế/ triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 29.891 USD (năm 2018). Do vậy đối với Việt Nam việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong chi cho hoạt động R&D là hết sức cần thiết trong bối cảnh 4.0.

Thứ ba, cầu sản phẩm thị trường KH&CN còn khá sơ khai. Thị trường KH&CN 4.0 còn phụ thuộc vào cầu thị trường, tuy nhiên tại Việt Nam, cầu thị trường còn phát triển khá sơ khai do cơ chế thị trường chưa hoàn thiện, mức độ hội nhập quốc tế của phần lớn doanh nghiệp chưa cao, chưa thực sự đối đầu với cạnh tranh gay gắt nên mức cầu sản phẩm KH&CN còn thấp.

Thứ tư, cấu trúc ngành nghề của các doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển đổi sang 4.0. Sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam và cấu trúc ngành nghề hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có cơ hội chen chân tham gia vào những ngành nghề do 4.0 đem lại.

Thách thức đối với Việt Nam sẽ rơi vào chính bẫy lợi thế nhân công giá rẻ và phát triển các lợi thế trước mắt để phát triển các ngành nghề thuộc các lĩnh vực truyền thống so với các ngành thuộc 4.0 rủi ro cao. Hơn nữa, rào cản về bí quyết công nghệ đối với các nước đi sau khiến họ không thể chen chân để phát triển các ngành nghề có công nghệ mới trong điều kiện các nước này không thể tự nghiên cứu và phát triển công nghệ cho chính mình.

Thứ năm, các định chế trung gian trên thị trường KH&CN hoạt động thiếu bài bản, quy mô nhỏ lẻ không kết nối được cung- cầu thị trường. Một ví dụ, hiện nay các hội chợ triễn lãm gian hàng KH&CN diễn ra nghèo nàn về hình thức tổ chức, thu hút ít doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu tham gia.

Cần những giải pháp nào?

Để phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0, theo nhóm chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia TP.HCM, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, tăng cường đầu tư cho hoạt động KH&CN tương xứng với vai trò, vị trí của KH&CN gắn với định hướng phát triển theo chiều sâu. Trong đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển cần tăng cường vai trò của khu vực doanh nghiệp để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước tập trung cho các mảng nghiên cứu cơ bản. Trong các hoạt động nghiên cứu, chú trọng nghiên cứu ứng dụng trong công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp để phát huy lợi thế so sánh của sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, có chiến lược đầu tư đúng đắn về con người và trọng dụng nhân tài để phát huy tiềm lực con người. Thay đổi phương pháp dạy, học, đào tạo để phát huy tính sáng tạo của người học. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ nhà trường đến doanh nghiệp từ các dự án khởi nghiệp sinh viên.

Thứ ba, tăng cường tỷ lệ ứng dụng KH&CN vào sản xuất, phát triển hệ thống các vườn ươm công nghệ, các dự án khởi nghiệp sáng tạo để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo muốn vậy phải phát triển bền vững không chỉ là khẩu hiệu theo phong trào mà cần có môi trường, tổ chức hoạt động bài bản, thường xuyên để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.

Thứ tư, phát triển mạnh các tổ chức trung gian, môi giới trên thị trường KH&CN, sàn giao dịch. Tham gia kết nối cung cầu thị trường KH&CN, còn có vai trò của các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ trung gian, môi giới nhằm kết nối sản phẩm cung của viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, gắn tìm kiếm các giải pháp về công nghệ của doanh nghiệp với ứng dụng các phát minh của viện nghiên cứu, nhà trường; gắn đào tạo nhân tài và tuyển dụng của doanh nghiệp; gắn mở rộng nguồn vốn với đầu tư cho hoạt động nghiên cứu.

Do vậy cần phải phát triển hoạt động tư vấn KH&CN, có chính sách ưu đãi về thuế suất giá trị gia tăng cũng như về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động tư vấn, chuyển giao KH&CN.Nhà nước cũng khuyến khích thành lập các trung tâm tư vấn KH&CN thuộc các tổ chức KH&CN của nhà nước nhằm giúp các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp cần đầu tư, đổi mới công nghệ đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện đại hóa trung tâm thông tin, tư vấn hiện có của nhà nước, có tiêu chuẩn cụ thể về kỹ thuật, cơ sở vật chất, chuyên môn trong thiết lập mới các trung tâm thông tin tư vấn. Các trung tâm này phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, đủ khả năng tư vấn công nghệ trả lời được câu hỏi đầu tư cái gì, mua thiết bị công nghệ ở đâu, đảm bảo nguồn tiêu thụ khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo tư vấn của mình và hưởng phần trăm hoa hồng từ các dịch vụ đó. Đồng thời, nhà nước cần xây dựng và thực hiện pháp luật về thông tin tư vấn đảm bảo nâng cao tính trách nhiệm của các tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn về KH&CN.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN, nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, năng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần có sự chủ động từ phía các doanh nghiệp trong lựa chọn đầu tư, đổi mới công nghệ,.. đồng thời các cấp quản lý vĩ mô cần tạo môi trường thuận lợi, có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trưởng chuyển giao KH&CN giữa trong nước và nước ngoài.

Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập

lên đầu trang