Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 19/03/2024 | 14:40

Thứ ba, 19/03/2024 | 14:40

Chính sách

Cập nhật lúc 15:13 ngày 21/02/2020

Xây dựng nền kinh tế số làm đòn bẩy cho phát triển

Vào tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Đây được coi là kim chỉ nam, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tạo ra phương thức điều hành mới, cách làm mới, góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số nhằm phát triển nhanh, bền vững đất nước...

Xu hướng tất yếu

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu và có tính toàn cầu. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định: Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số, dữ liệu để tạo ra mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình hoạt động theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại, sử dụng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Do đó, những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội, như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận... Việc tích hợp công nghệ số đã góp phần đáp ứng nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn nữa các nhu cầu của người dân.Ở Việt Nam, các hình thức kinh tế số bắt đầu xuất hiện, nở rộ trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, nơi lưu trú hoặc các dịch vụ truyền hình có trả tiền... Các doanh nghiệp tham gia vào kinh tế số dựa trên nền tảng quan trọng là viễn thông, công nghệ thông tin mà cơ bản là công nghệ số.

Theo chuyên gia công nghệ, để phát triển nền kinh tế số, cần dựa vào 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là hạ tầng số làm nền tảng cho các dịch vụ số hoạt động. Thứ hai là tài nguyên số, dữ liệu số để vận hành các dịch vụ số. Thứ ba là chính sách chuyển đổi số, đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế số.

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế phát triển của nền kinh tế số được dẫn dắt bởi thương mại điện tử. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển bởi hiện tại hơn 70% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, trong đó 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G, 4G. Có 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động.

Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%, mua hàng trực tuyến online qua điện thoại chiếm 53%.

Năm 2019, doanh thu bán lẻ thị trường Việt Nam ước đạt 211 tỷ USD, trong đó doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD tương ứng 4,92% thị phần bán lẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% -30%/năm, dự tính sẽ đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025.

Với những giá trị to lớn mà nền kinh tế số đã và sẽ mang đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam xác định kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số là đòn bẩy để Việt Nam có thể đi nhanh, đi tắt, trở thành "con hổ" thứ 5, biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á.

Giải quyết thách thức

Hiện nay, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực sau Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định: Tại Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng còn phổ biến. Mặc dù doanh số thương mại điện tử ở Việt Nam tăng nhưng nhưng tỷ lệ giao dịch trực tuyến chưa đáng kể. Việc người mua hàng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn rất phổ biến. Nhiều giao dịch mua bán phổ thông được thanh toán theo hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng (Cash On Delivery – COD).

Hình thức thanh toán này, theo ông Đặng Hoàng Hải, có khả năng làm "xói mòn" sự tin tưởng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, là trở ngại rất lớn cho sự phát triển của thương mại điện tử. Bởi lẽ, giữa bên bán và bên mua đều tồn tại vấn đề nghi kỵ về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các vấn đề sau bán hàng như bảo hành, đổi trả… dẫn đến khả năng thành công trong giao dịch thương mại giảm.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, cuối năm 2020 ước tính sẽ tăng lên khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này cần tiến hành chuyển đổi số bởi đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0. Trong hoàn cảnh này, các giải pháp hiến kế phát triển kinh tế số đã được các đơn vị, chuyên gia đưa ra.

Điều đầu tiên Việt Nam cần chú trọng là xây dựng nền tảng, thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... Cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số…

Yếu tố thứ hai để xây dựng nền kinh tế số là phát triển hạ tầng kết nối, khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Các cơ quan chức năng cần xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.

Trên cơ sở nền tảng viễn thông mạnh, Việt Nam cần tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, song song với phát triển các công nghệ yếu tố đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên không gian mạng.

Cuối cùng là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ chuyên ngành thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông... chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm trên môi trường internet là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Do vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cần tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, góp phần mang lại những bứt phá cho Việt Nam trong mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Nguồn: Công an nhân dân 

lên đầu trang