Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:59

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:59

Chính sách

Cập nhật lúc 18:00 ngày 24/02/2020

Phát triển khoa học - công nghệ: Nghiên cứu song hành với ứng dụng

Trước đây, các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) thường tập trung ở viện nghiên cứu, trường đại học, thì gần đây, chính sách có sự xoay trục sang doanh nghiệp (DN).    
Qua triển khai các chương trình KH&CN quốc gia như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020… năng lực công nghệ của DN đã được nâng lên đáng kể. Nhiều DN Việt đã có thể làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô, robot, thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử trên thế giới…
Điển hình, Dự án "Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế", do Công ty TNHH Máy và Sản phẩm thép Việt chủ trì thực hiện. Kết quả của nhiệm vụ, đã sản xuất được các dây chuyền sản xuất linh hoạt nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà dân dụng và công nghiệp; chuyển giao được một số dây chuyền cho đối tác trong và ngoài nước như Australia, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc, giúp doanh thu của DN tăng hơn 20%.
Hay, Dự án "Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện", do Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam chủ trì thực hiện, đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương của Hàn Quốc, châu Âu; giá thành bằng 50% nhập khẩu, giúp DN sản xuất dây cáp điện của Việt Nam có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất…
Đây chỉ là một trong những minh chứng cho thấy sự dịch chuyển về chính sách đưa DN trở thành trung tâm của đổi mới KH&CN, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ DN, mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01) và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02).
Theo đó, thực hiện Nghị quyết này, Bộ KH&CN tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ đã qua sử dụng, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao. Đặc biệt, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ứng dụng KH&CN phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ…
Từ góc độ của Bộ Công Thương, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống, hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã có những điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ; khuyến khích thực hiện nhiệm vụ KH&CN gắn với DN; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

Quỳnh Nga/ báo Công Thương
lên đầu trang