Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:48

Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:48

Chính sách

Cập nhật lúc 18:21 ngày 29/02/2020

Đầu tư mạnh cho khoa học - công nghệ: Vai trò then chốt trong sản xuất hiện đại

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là động lực then chốt để phát triển bền vững cho các khối ngành sản xuất. Thời gian qua, hoạt động này đã được các tập đoàn, tổng công ty ngành Công Thương chủ động thực hiện.    
Các hoạt động KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho ngành. Các thành tựu đó đã được ghi nhận bằng các giải thưởng cao quý về KH&CN như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC. 
Cán bộ nghiên cứu của VPI khảo sát lấy mẫu môi trường ở khu vực nước sâu
Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp (DN) phối hợp triển khai sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn KH&CN cấp Bộ, các chương trình/đề án quốc gia Chính phủ giao. Hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các DN đã có những bước phát triển đáng kể. Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, bằng nguồn vốn trích lập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chủ động đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ.
Tiêu biểu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện lồng ghép hoạt động đầu tư xây dựng, ứng dụng kỹ thuật trong quản lý vận hành hệ thống điện và quản trị DN. Trong năm 2019, EVN nhận giải thưởng “DN chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại EVN, bao gồm các lĩnh vực: Quản trị DN; điều độ hệ thống điện; truyền tải; phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…; kinh doanh và chăm sóc khách hàng.
Không chỉ có EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động đầu tư phát triển Viện Dầu khí thành đơn vị nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên ngành theo hướng hiện đại, đồng bộ, với việc hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất mới, hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, PVN đã đầu tư hình thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm chuyên ngành dầu khí đạt tiêu chuẩn quốc tế; phòng thí nghiệm nhiên liệu sinh học… với tổng kinh phí ước khoảng hơn 800 tỷ đồng từ các nguồn quỹ KH&CN, quỹ đầu tư và phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Ngành điện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động.
Tương tự, bằng nguồn vốn từ quỹ phát triển KH&CN và vốn vay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư tập trung vào các cơ quan nghiên cứu, một số xưởng thực nghiệm, kiểm định, chế tạo thử nghiệm; hoàn thiện, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; triển khai hoàn thành 8 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng của các viện nghiên cứu và một dự án sản xuất thử nghiệm tại chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai.
Để tăng cường năng lực nghiên cứu và tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở mới, đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị sản xuất nhập từ nước ngoài, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Với Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, hiện có hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001… Đây là những minh chứng cho thấy các DN ngành Công Thương ngày càng quan tâm tới hoạt động đầu tư cho KH&CN.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thực thi cam kết các hiệp định thương mại tự do và xu hướng phát triển, ứng dụng nhanh chóng thành tựu mới về KH&CN, việc ứng dụng KH&CN là yếu tố quan trọng giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh.
Vai trò then chốt trong sản xuất hiện đại
Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 khẳng định, Việt Nam quyết tâm coi KH&CN là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước; quy định việc tăng đầu tư cho KH&CN ở mức 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% vào năm 2020. Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Công nghệ cao cũng đặt ra khung khổ pháp lý cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các hoạt động công nghệ cao, từ lĩnh vực chế biến, chế tạo đến giáo dục và đào tạo.
Công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng, triển khai tại nhiều doanh nghiệp/ngành nghề
Trong Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 có đặt ra mục tiêu: Số lượng doanh nghiệp (DN) thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm, trong đó 5% DN ứng dụng công nghệ cao; 100% DN sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất; 80.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý DN nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới.
Luật KH&CN 2013 quy định việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động KH&CN. DN có thể nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 30% tổng vốn đầu tư nếu họ thực hiện các dự án ứng dụng kết quả khoa học để tạo ra sản phẩm mới hoặc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Hoạt động này cũng có thể được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho các dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn hoặc hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho các dự án thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của nhà nước.
Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước tập trung vào cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ; chương trình tìm kiếm chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020, mục tiêu thành lập mạng lưới chuyên gia trên toàn cầu tìm kiếm các công nghệ tiên tiến, chuyển giao áp dụng tại Việt Nam.
Ngoài ra, các DN được thành lập hoạt động theo pháp luật Việt Nam và quyết định sử dụng vốn chủ sở hữu cho đổi mới và chuyển giao công nghệ được hưởng lợi từ một khoản khấu trừ tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập Quỹ Phát triển KH&CN (Điều 17, Luật Thuế thu nhập DN)…
Với những chính sách này, đã khẳng định KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hùng Linh
lên đầu trang