Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:21

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:21

Tin KHCN

Cập nhật lúc 22:48 ngày 05/03/2020

Giấy đặc chủng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Hiện trạng sản xuất các loại giấy đặc chủng tại Việt Nam còn manh mún với công nghệ giản đơn, lạc hậu. Tuy nhiên, với những khảo sát thực tế, nếu đầu tư bài bản về công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ hay làng nghề có thể phát triển bền vững. 
Vào trung tuần tháng 08 năm 2019, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cùng với Công ty TNHH Hạo Thần Việt Nam đã tổ chức chuyến đi tham dự Hội thảo và tham quan, tìm hiểuvề lĩnh vực sản xuất giấy đặc chủng ở Trung Quốc.
Với sự hướng dẫn tận tình của Giáo sư Xiwen Wangthuộc trường Đại học Hoa Nam, đoàn đã có cơ hội tìm hiểu thực tế và thu thập được nhiều thông tin có giá trị về sản xuất - tiêu thụ giấy đặc chủng tại Trung Quốc, qua đó nhận thấy cơ hội để phát triển sản xuất loại giấy này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Các nhóm giấy đặc chủng
Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu sơ bộ về các loại giấy đặc chủng, đó là các loại giấy có các đặc tính riêng biệt đáp ứng cho từng mục đích sử dụng.Có thể liệt kê thành những nhóm sản phẩm sau:
Giấy in chuyển nhiệt (Transfer Printing Paper): Chủ yếu dùng trong công nghiệp in trên vải các loại, theo nguyên lý nội dung in sẽ được in lên giấy, sau đó được ép và gia nhiệt phù hợp để chuyển sang vải. Nhờ vậy, hình ảnh in ấn vừa rõ nét vừa đảm bảo độ thấm nước và thông thoáng cho vải.
Giấy keo dán dùng trong công nghiệp may mặc, giày dép, túi xách: Là giấy sau khi được xử lý, phủ lớp keo và được sấy khô sẽ được ghép với lớp vải lót, sau đó được giao tới các đơn vị gia công mayđể ghép với lớp các vật liệu da, giả da… 
Giấy đục mờ không thấm dầu, mỡ: Được sử dụng để tạo ra các loại sản phẩm khác nhau bao gồm mã vạch, các loại sản phẩm nhãn dính, băng dính, đề can..., và được sử dụng làm bao bì cho thực phẩm, trái cây.
Giấy kiến trúc trang trí, giấy dán tường,giấy giả vân gỗ cho công nghiệp sản xuất ván ép, ván MDF, OCAN…
Giấy lót coppha xây dựng: Để giữ nước cho bê tông trong quá trình ổn định, đồng thời dễ phân hủy rất thân thiện với môi trường.
Giấy in nhiệt (Thermal paper): Được tráng phủ lớp tạo màu nhạy nhiệt, sử dụng cho các máy in hóa đơn tính tiền trong các siêu thị, nhà hàng, cây xăng…
Giấy lọc: Dùng để lọc không khí, lọc nhiên liệu, lọc dầu…, được sử dụng trong các thiết bị lọc cho động cơ; lọc túi cho máy hút bụi, màng lọc khí trong điều hòa…
Giấy làm ống lõi và bìa hộp (core board, chip board) có định lượng cao 300-650g/m2.
Giấy lót và bao gói định lượng thấp cho ngành may mặc, túi xách, giày dép…
Giấy bao bì thực phẩm tiệt trùng (Tetra Pak): Chủ yếu được sử dụng để đóng gói sữa, nước trái cây, nước uống không ga và nước khoáng; trong đó bao bì đóng gói tiệt trùng cho sữa góp phần tăng thời gian bảo quản sữa tươi lên tới 45 ngày nên có nhu cầu tiêu thụ cao, chiếm phần lớn trên thị trường.
Giấy quấn thuốc lá.
Và cuối cùng là các loại giấy carbon, giấy điện giải/cách điện, giấy làm bao bì đặc biệt cho y tế, giấy làm tem nhãn, giấy bảo an…
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 5 giấy đặc chủng từ Trung Quốc
Các loại giấy đặc chủng đã đáp ứng rất tốt các nhu cầu tiêu dùng mang tính đặc thù với yêu cầu ngày càng cao, nên vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cả về cung và cầu cao trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.
Số liệu dưới đây cho thấy sản lượng giấy đặc chủng của Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng qua các nămtừ năm 2007 đến năm 2017 (Hình 1).
Để thấy rõ hơn sự tăng trưởng hết sức ấn tượng này, chúng ta hãy xem số liệu tổng hợp trong biểu đồ dưới đây:
Theo đó, năm 2018, sản lượng giấy đặc chủng ở Trung Quốc đạt 6,95 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 17,31% trong giai đoạn 2007-2018, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm3,24% của giấy và bìa các loại nói chung ở Trung Quốc. Năm 2007, sản xuất giấy đặc chủng của Trung Quốc chỉ chiếm 6,35% sản lượng giấy đặc chủng toàn cầu. Đến năm 2017, sản xuất giấy đặc chủng của Trung Quốc đã tăng lên chiếm 29,58% sản lượng giấy đặc chủng toàn cầu, vượt tỷ lệ giấy và bìa giấy là 26,5% so với thế giới. Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất các loại giấy đặc chủng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản lượng đang dần chậm lại, tốc độ tăng trưởng năm 2018 chỉ tăng 3,73% so với năm 2017.
Đường màu xanh lá mạ cho thấy sản lượng giấy đặc chủng so với giấy và bìa nói chung liên tục tăng cao, năm 2017 mới chiếm 6% nhưng đến năm 2018 đã chiếm tới 6,7%, cùng với mức tăng trưởng rất ấn tượng,hàng năm trung bình lên tới hơn 25% giai đoạn từ 2008-2013 (đường màu xanh dương).
Hiện Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu số lượng lớn giấy đặc chủng,với các sản phẩm chính là giấy dán tường, giấy lọc, giấy cuấn thuốc lá, giấy đục mờ không thấm dầu mỡ. Trong đó, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 5 với sản lượng lên tới 50.000 tấn vào năm 2017.
Tham khảo dữ liệu ở biểu đồ dưới đây:
Sản lượng nhập khẩu của các nước Đông Nam Á giai đoạn 2013-2017: (hình 4)
Phù hợp doanh nghiệp nhỏ, làng nghề
Đó là nhận định của chúng tôi khi thăm quan thực tế các nhà máy sản xuất, gia công giấy đặc chủng tại Trung Quốc, do nhận thấy có một số đặc điểm chung trong sản xuất giấy đặc chủng, đó là: Quy mô sản lượng và chi phí đầu tư không quá lớn, lại có thể chia tách giữa công đoạn sản xuất giấy và công đoạn xử lý bề mặt, tráng phủ; Một dây chuyền sản xuất giấy có thể cung cấp giấy nguyên liệu cho vài cơ sở gia công tráng phủ; Chi phí đầu tư một dây chuyền tráng phủ chỉ khoảng 5-10 tỷ đồng Việt Nam; Sản xuất giấy đặc chủng đòi hỏi cầncó công nghệ/bí quyết riêng (nhưng có thể nhận chuyển giao từ các công ty chuyên nghiệp hoặc từ trung tâm nghiên cứu của Đại học Hoa Nam với các thỏa thuận chặt chẽ). Điều này khá phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp gia đình hoặc làng nghề của nước ta.
Trong khi đó, hiện trạng sản xuất các loại giấy này tại Việt Nam còn rất manh mún, hầu hết có công nghệ giản đơn, lạc hậu. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ tập trung sản xuất loại giấy không đòi hỏi công nghệ phức tạp như giấy làm ống lõi và bìa hộp (core board, chip board)có khoảng 10 doanh nghiệp với tổng sản lượng khoảng 150.000 tấn/năm; Giấy lót, bao gói định lượng thấp cho ngành may mặc, giày dép, có khoảng 3-5 doanh nghiệp với sản lượng vài ngàn tấn/năm.Về đầu tư nước ngoài, hiện có 2 doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất giấy đặc chủng đều ở Bình Dương là Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) đầu tư nhà máy sản xuất giấy bao gói tiệt trùng (giấy phôi được nhập khẩu) với tổng vốn đầu tư 120 triệu Euro trên khuôn viên 100.000m2, công suất có thể mở rộng lên tới 20 tỷ hộp giấy mỗi năm;Và một nhà máy sản xuất giấy cuốn thuốc lá có quy mô thương mại ở Bình Dương.Các loại giấy đặc chủng khác thì hầu hết mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm ở quy mô Pilot.
Để đáp ứng nhu cầu cao và tăng nhanh hàng năm, chúng ta hiện đang phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn mỗi năm hầu hết các loại giấy này. Cụ thể, năm 2018,Việt Nam nhập khẩukhoảng 100.000 tấn giấy bao gói tiệt trùng, 25.000-30.000 tấn giấy in chuyển nhiệt, 10.232 tấn giấy in nhiệt, 6.601 tấn giấy cuốn thuốc lá, cùng một số loại giấy khác chưa có số liệu thống kê, chia tách cụ thể.
Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp gia đình để nhanh chóng nắm bắt cơ hội nhận chuyển giao công nghệ và đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất giấy đặc chủng tại Việt Nam. 
Trước mắt, có thể là các loại giấy đặc chủng không đòi hỏi công nghệ quá phức tạp, không cần vốn đầu tư quá lớn như: giấy in chuyển nhiệt, giấy bao gói thực phẩm, giấy keo dán, giấy lót coppha, in vân gỗ,... Nhưng cần tập trung trong từng cụm công nghiệp với dịch vụ cung cấp hơi, xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn tập trung để vừa bảo vệ tốt môi trường, vừa có giá cả dịch vụ hợp lý, lại giúp các doanh nghiệp có điều kiện hợp tác và gắn kết với nhau trong một chuỗi cung ứng.
Chắc chắn, đây sẽ là hướng đi tốt và bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp làng nghề của nước ta. Do đó, vấn đề này cũng sẽ được Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA)quan tâm xem xét, nghiên cứu cẩn trọng để đưa vào định hướng chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045.
Nhân đây, thay mặt Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), một lần nữa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự phối hợp của công ty TNHH Hạo Thần Việt Nam và đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Giáo sư Xiwen Wang cùng trường Đại Học Hoa Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ trong chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin chuyên ngành giữa hai bên./.

(Bài đăng trên Tạp chí công nghiệp giấy số 1 - 2020 )
lên đầu trang