Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:51

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:51

Chính sách

Cập nhật lúc 14:45 ngày 20/03/2020

Hợp tác quốc tế về công nghệ: “Đi tắt, đón đầu”

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những hoạt động quan trọng trong kinh tế đối ngoại giai đoạn hiện nay. Thông qua đó, không chỉ thu hút nguồn lực và công nghệ nước ngoài, mà còn nâng cao trình độ KH&CN trong nước.    
Theo Bộ KH&CN, thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được mở rộng với nhiều đối tác, tổ chức khu vực và quốc tế. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có 7 văn bản hợp tác với các đối tác: Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Cuba được ký kết. Hoạt động triển khai các thỏa thuận hợp tác cũng được chú trọng, thông qua việc chủ trì tổ chức và tham gia 9 khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN với các nước: Nga, Đức, Belarus... 5 Khóa họp Ủy ban liên Chính phủ với các đối tác như: Lào, Hàn Quốc, Mông Cổ, Cuba, Rumani, Bỉ...
Doanh nghiệp tích cực tham gia triển lãm khoa học - công nghệ quốc tế để tìm hiểu nhu cầu công nghệ các nước
Năm 2019, Bộ KH&CN cũng tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết với đối tác: Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và Hoa Kỳ. Tích cực tham gia đóng góp nội dung, phối hợp với tổ chức quốc tế như IAEA, WIPO, UNESCO...; hoàn thành thủ tục kết thúc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), với nhiều kinh nghiệm hữu ích về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; tiếp tục triển khai các dự án trọng tâm như: Dự án Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST); Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST); Dự án Tương lai nền kinh tế số Việt Nam.
Từ góc độ Bộ Công Thương, Vụ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu lãnh đạo Bộ phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thực hiện "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước"; cử người tham gia hội thảo, hội nghị, chương trình đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực về đổi mới sáng tạo, hoạt động tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như ISO, CODEX, ACCSQ… Đáng chú ý, trong năm 2019, Vụ KH&CN và Tập đoàn Siemens (CHLB Đức) đã phối hợp triển khai thúc đẩy số hóa các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, thông qua giới thiệu công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại cho một số ngành công nghiệp tiêu biểu. Hợp tác của Siemens và các tổ chức quốc tế tập trung vào chuyển giao công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá mức độ sẵn sàng, xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) luôn đề cao vai trò hợp tác quốc tế về KH&CN. Qua đó, Viện có thể kế thừa, ứng dụng các công nghệ hiện đại và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tạo ra sản phẩm công nghệ cao, có trình độ hiện đại tương đương với các sản phẩm của thế giới. Ngoài ra, với việc tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN, IMI đã thành công trong việc tư vấn, cung cấp các giải pháp công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp trong nước. Nhờ đó, IMI đã trở thành đối tác của nhiều hãng sản xuất thiết bị công nghệ hiện đại thuộc các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ đơn vị KH&CN, doanh nghiệp tham gia diễn đàn KH&CN quốc tế, để có điều kiện giới thiệu sản phẩm cũng như tìm hiểu, tiếp nhận nhu cầu công nghệ của phía bạn, mà đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác, các đơn vị KH&CN, doanh nghiệp cần nâng cao tiềm lực KH&CN; làm chủ những công nghệ tiên tiến, phù hợp, đánh giá và định giá công nghệ để thuận tiện trong quá trình đàm phán chuyển giao…
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang