Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:17

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:17

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 17:34 ngày 22/03/2020

Cải tiến năng suất: Những mô hình trực quan, thuyết phục

Gần 300 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp được tiếp cận các công cụ cải tiến năng suất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý vào sản xuất theo Chương trình 712. Đây là kết quả mà Bộ Công Thương đạt được trong giai đoạn 2019 - 2020 và khoảng 120 DN sẽ được tiếp cận chương trình trong năm 2020. 
Triển khai nhiều công cụ cải tiến
Thực hiện Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp đến năm 2020", Bộ Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ như: Tuyên truyền; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực như: Dệt may, thép, nhựa, hóa chất…; áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ…
Sau gần 9 năm triển khai, chương trình đã đem lại những lợi ích lớn đối với DN. Tham gia chương trình, DN được tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế (ISO 9.000, ISO 14.000) và hệ thống công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sixma... Việc triển khai dự án đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại DN. Mặc dù về số lượng, các mô hình triển khai tại DN chưa nhiều, nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ chương trình nói chung và hoạt động của dự án của Bộ Công Thương nói riêng rất tích cực. Trong năm 2019 - 2020, Bộ Công Thương triển khai 278 mô hình/DN được hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số hệ thống quản trị, quản lý, giao mới. Năm 2020, dự kiến sẽ có 100 - 120 DN thực hiện.
Qua quá trình triển khai tại DN và theo số liệu điều tra về trình độ công nghệ thực hiện năm 2017 cho thấy, cải tiến quy trình sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và sản xuất sản phẩm mới là ba phương thức được DN lựa chọn nhiều nhất để cải thiện kết quả kinh doanh. Trong đó, cải tiến sản phẩm hiện có thường chiếm tỷ lệ cao nhất do không phải đầu tư mới hoặc thay đổi nhiều như khi sản xuất sản phẩm mới. Tỷ lệ cải tiến quy trình sản xuất thường thấp hơn tỷ lệ cải tiến sản phẩm, nhưng cao hơn tỷ lệ giới thiệu sản phẩm mới.
DN khá tích cực thực hiện các biện pháp để cải thiện kết quả hoạt động với từ hơn 60 - 80% thực hiện ba hoạt động đổi mới. Quy mô DN tỷ lệ thuận với tần suất thực hiện các hoạt động đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó, hơn 80% DN quy mô lớn có tham gia vào một hoạt hoạt động đổi mới sản phẩm hoặc quy trình và gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các DN quy mô vừa và nhỏ, con số này dao động từ 50% và 17 - 18%.
Hiệu quả lớn
Các mô hình điểm triển khai tại DN đã mang lại hiệu quả rõ nét, như tại Công ty Cổ phần may Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/mã hàng xuống còn 32 giờ/mã hàng. Năng suất lao động tại phân xưởng may tăng 20 - 30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 5%.
Còn tại Tổng công ty May Đức Giang và 5 DN thành viên, sau khi áp dụng Lean, đã giúp DN nâng cao năng suất lao động bình quân từ 8 - 10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi hỏng trên chuyền từ 15 - 25% xuống còn 10 - 12%. Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đổi mới công nghệ và áp dụng công cụ cải tiến năng suất ở dây chuyền lắp ráp là Lean Six Sigma, giúp năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm, mô hình này đã được nhân rộng sang các dây chuyền khác trong ngành, năng suất lao động tăng từ 10 - 20% của toàn công ty.
Đây là những ví dụ trực quan, sinh động và có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại của DN. Đồng thời, đang dần tạo ra sức lan tỏa cho các DN khác.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang