Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:19

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:19

Chính sách

Cập nhật lúc 20:58 ngày 25/03/2020

Hải Phòng: Phát triển KH&CN, đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất

Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, ngành KHCN Hải Phòng chú trọng hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong ứng dụng tiến bộ KHCN, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh... Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Ngọc Tuấn chung quanh vấn đề này.
Đề tài chế tạo thiết bị thử khả năng chịu áp suất thủy tĩnh di động cho ống nhựa của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Cán bộ Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong kiểm tra chất lượng sản phẩm
- Đồng chí cho biết những hoạt động trọng tâm của Sở KHCN nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển thành phố?
- Trên cơ sở tiếp nhận đề xuất của các tổ chức, cá nhân, năm qua, Sở trình UBND thành phố phê duyệt 47 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời tổ chức tư vấn thuyết minh, trình phê duyệt triển khai 30 nhiệm vụ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu 19 nhiệm vụ. Quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện cũng như nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp thành phố cho thấy, các nhiệm vụ không chỉ mang tính khoa học cao, mà còn bám sát nhu cầu thực tiễn, do đó tính khả thi cao. Và thực tế, nhiều nhiệm vụ đem lại lợi ích kinh tế và hiệu quả rõ rệt.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình đổi mới, Sở KHCN tiếp tục phối hợp Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài thành phố đào tạo giám đốc, quản trị doanh nghiệp giỏi thành phố Hải Phòng. Từ năm 2015 đến nay, 95 chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc; 377 quản đốc, trưởng phòng các doanh nghiệp đến từ 131 doanh nghiệp trên bàn thành phố được đào tạo bài bản. Nhờ hiệu ứng lan tỏa, nhiều doanh nghiệp chủ động đăng ký tham gia các khóa học do Hội phối hợp Tổ chức UPS (Hoa Kỳ) tổ chức, như “Quản lý chuỗi cung ứng”, “Ứng dụng 5S và Kaizen”; “Kỹ năng giao tiếp xây dựng và làm việc nhóm hiệu quả”. Đặc biệt, các khóa học này không sử dụng ngân sách của thành phố.
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, trọng điểm được triển khai ra sao?
- Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, trọng điểm; phát triển tài sản trí tuệ được Sở triển khai thông qua hoạt động của các chương trình KHCN trọng điểm. Qua đó, Sở tuyển chọn và hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ; 5 doanh nghiệp xây dựng dự án và triển khai các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ 3 dự án quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm, đặc sản làng nghề. Sở cũng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đăng ký, đăng ký lại Giấy chứng nhận hoạt động KHCN, Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN nhanh chóng, thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; tổ chức lớp đào tạo, tập huấn về áp dụng công cụ nâng cao năng suất lao động, hội thảo về phát triển năng lực quản lý sản xuất; giới thiệu công nghệ vật liệu mới, phổ biến tri thức KHCN.
- Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN. Sở KHCN tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để góp phần hiện thực mục tiêu trên?
- Sở tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KHCN, xây dựng và thực thi các chính sách thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu; ưu tiên tập trung triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố. Đồng thời thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sở quan tâm phát triển thị trường KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Sở thực hiện tốt việc thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thẩm định, có ý kiến về công nghệ trong các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, kiên quyết không chấp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường; hạn chế các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, tiêu tốn năng lượng,...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhiều hơn với KHCN, nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh và phát triển bền vững, Sở nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thẩm định và giám định công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin KHCN, thanh tra KHCN, đồng thời thực hiện chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí! 
Theo Báo Hải Phòng
lên đầu trang