Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:18

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:18

Chính sách

Cập nhật lúc 20:12 ngày 26/03/2020

Công nghiệp sinh học: Mở rộng hợp tác để thúc đẩy sản xuất

Bộ Công Thương sẽ định hướng mở rộng các hoạt động hợp tác giữa bộ, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học. Từ đó thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam.  
Tích cực chuyển giao công nghệ
Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, được triển khai từ năm 2007. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, đồng thời lấy ý kiến xây dựng chương trình giai đoạn đến năm 2030.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương, mục tiêu chính của đề án bao gồm: Thúc đẩy nghiên cứu, tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; sản xuất quy mô công nghiệp các hợp chất thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; tạo ra sản phẩm chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học. Từ đó phát triển mạnh ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến của Việt Nam, đóng góp 40% tổng số nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh
Hiện, đề án đã được triển khai trên một số lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, trọng tâm là chế biến thực phẩm, hóa dược, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng… Đề án đã triển khai thực tế được 144 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đồng thời 123 DN được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động trực tiếp. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ tại các DN đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều sản phẩm sản xuất có giá thành chỉ bằng 60-80% so với sản phẩm ngoại nhập, đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng cho DN.
Bên cạnh đó, đề án đã góp phần đào tạo 38 tiến sỹ, 72 thạc sỹ, 70 kỹ sư và cử nhân khoa học phục vụ nhu cầu nhân lực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thực tế của các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên cả nước. Đồng thời, 2 phòng thí nghiệm tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ) đã được hỗ trợ xây dựng và nâng cấp.
Mở rộng phạm vi nghiên cứu
Đánh giá về đề án này, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng VụKH&CN, Bộ Công Thương - cho biết, nhằm mục tiêu xây dựng đề án mang tính khả thi cao và có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, thời gian qua, tổ chức KH&CN, các nhà quản lý, Tổ soạn thảo đề án đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế và làm việc với các DN, trường đại học, viện nghiên cứu tại 3 miền. Trong giai đoạn tới, đề án sẽ được nghiên cứu theo hướng mở rộng phạm vi triển khai để hướng tới phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Đề án góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, diễn ra mới đây, đại diện Quỹ Newton, ông Ryan Warren cũng rất ấn tượng với những thành quả mà đề án đạt được trong hơn 1 thập kỷ qua. Riêng tại khu vực châu Á và Đông Nam Á, Quỹ Newton và các tổ chức thành viên thuộc Hội đồng nghiên cứu Anh quốc (UKRI) đã có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học thành công, giúp cộng đồng hưởng lợi rất lớn. “Nổi bật trong đó là chương trình hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp tại Ấn Độ và Malaysia trong quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất chế biến. Đây cũng là thế mạnh mà Anh Quốc muốn giới thiệu và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam”, ôngRyan Warren chia sẻ.
Định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030 là nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực Công Thương; triển khai các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa trong công nghiệp chế biến; xử lý chất thải trong công nghiệp chế biến tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi.
Theo đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác nước ngoài trong nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Ngoài việc cử người của Bộ Công Thương và DNđi học tập trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, đề án sẽ kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước với cơ sở nghiên cứu uy tín của các quốc gia trên thế giới.
Trong khuôn khổ hoạt động của đề án, 33 giải pháp sở hữu trí tuệ đã được công nhận, 266 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước được công bố, 7 giải thưởng được trao cho các đề tài xuất sắc.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang