Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:25

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 20:12 ngày 26/03/2020

Ngành giấy với nền kinh tế tuần hoàn: Cơ hội và thách thức trong thu gom, tái chế giấy

Ngành giấy là một ngành kinh tế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thu gom và tái chế còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn.
Phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn
Nhiều ý kiến cho rằng sản xuất giấy gây ảnh hưởng đến rừng, điều này hoàn toàn không chính xác. Nguồn nguyên liệu chính (dăm mảnh gỗ) để sản xuất bột giấy nguyên liệu hoàn toàn được tái tạo từ rừng trồng nguyên liệu và một số phụ phẩm nông nghiệp.
Sản phẩm giấy sau sử dụng có thể được tái chế hoàn toàn với nhiều sản phẩm giấy sử dụng đến 100% nguyên liệu tái chế, đặc biệt là giấy bao bì.
Vòng tuần hoàn CO2 trong sản xuất và tái chế giấy gần như khép kín với mức độ phát thải CO2 rất thấp, do sự hấp thụ CO2 của các rừng cây nguyên liệu giấy. Việc sử dụng nguyên liệu giấy tái chế giúp giảm 75% lượng khí thải, 35% lượng nước thải và 1.500 lít dầu (hoặc tương đương).
Chất thải rắn trong quá trình tái chế (nylon, băng keo đi kèm) và phụ phẩm nông nghiệp (biomass) cũng được tận dụng để đốt lò hơi cung cấp nhiệt và điện phục vụ sản xuất.
Thêm vào đó, giấy là loại vật liệu có đặc tính thân thiện với môi trường do rất dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên với mức phát thải carbon thấp. Chính vì vậy, bao bì giấy hiện được cả thể giới khuyến khích sử dụng thay cho bao bì nhựa sử dụng một lần.
Vì vậy, ngành giấy là một ngành kinh tế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn và việc phân loại tại nguồi, thu gom và tái chế giấy đã được các nước chú trọng rất cao vì lợi ích của cả cộng đồng và xã hội, nhưng tại Việt Nam đây vẫn là những khó khăn và thách thức rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và toàn thể người dân.
Giấy không thể thiếu dù nhu cầu giảm
Theo dữ liệu của tạp chí RISI, tạp chí hàng đầu thế giới về giấy và bột giấy, chỉ ra nhu cầu tiêu dùng giấy thu hồi trên thị trường thế giới từ năm 1950 đến nay đang giảm dần. Trong đó, giai đoạn 20 năm đầu (từ 1950 đến 1970), tăng trưởng về nhu cầu giấy bình quân là 9,6%/ năm; hai mươi năm tiếp theo, từ 1970 đến 1990, nhu cầu chỉ tăng 4,5%/năm; từ 1990 đến 2010, mức tăng bình quân chỉ còn 3,1%/ năm và đặc biệt từ 2010 đến nay, mức tăng chỉ còn 1,3%/năm. Mức suy giảm tiêu dùng chủ yếu do tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự phát triển của công nghệ cũng đã làm giảm nhu cầu cầu sử dụng của một số loại giấy.
Tuy nhiên, giấy vẫn là sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống và nhu cầu một số loại giấy vẫn tiếp tục tăng cao như giấy bao bì, giấy vệ sinh, …  Đặc biệt, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển đối với nhu cầu sử dụng giấy và tái chế giấy vẫn rất lớn do nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho các sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp so với khu vực và thế giới.
Tại Việt Nam mức tiêu thụ giấy chỉ đạt 44 kg/người trong khi bình quân thế giới là 56 kg/người; Nhật Bản là 206 kg/người; và Mỹ: 233 kg/người.
Vì vậy, ước lượng nhu cầu sử dụng giấy các loại tại Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng ở mức 8-10%/ năm, đặc biệt với giấy bao bì có thể tăng trưởng lên tới 15-16 %/ năm. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn giấy hằng năm.
Dự báo thu gom và tái chế giấy đến 2025
Qua bảng dữ liệu từ tạp chí RISI về việc thu gom và sử dụng giấy tái chế trên thế giới trong năm 2017, cho thấy nguồn xuất khẩu giấy thu hồi chính là từ các nước, khu vực có tỷ lệ thu hồi giấy cao như khu vực Bắc Mỹ với lượng xuất khẩu hơn 20 triệu tấn và khu vực Tây Âu với lượng xuất khẩu gần 9 triệu tấn. Thị trường nhập khẩu nhiều nhất là châu Á, với mức thu gom thấp hơn so với nhu cầu sử dụng hơn 30 triệu tấn (trừ Nhật Bản, là nước duy nhất tại châu Á xuất khẩu giấy thu hồi hằng năm khoảng 4 triệu tấn).

Hiện nay, nhu cầu bột giấy tái chế nhiều hơn hẳn so với bột giấy nguyên sinh để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Theo tổng hợp của RISI, trong năm 2017 bột giấy tái chế chiếm đến 59% nhu cầu nguyên liệu sản xuất giấy. Như vậy, bột giấy tái chế đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất giấy và ngành công nghiệp giấy.
Để có được tỷ lệ thu gom cao và lượng giấy thu hồi xuất khẩu lớn, các nước khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống thu gom hoàn chỉnh và hiệu quả, trong đó giấy đã qua sử dụng từ các khu dân cư, hộ gia đình được thu gom bởi các tổ chức công ích, nhóm thu gom dân lập, tổ hợp tác; giấy từ các trung tâm, khu phố mua sắm được thu gom bởi những người dọn rác, thu mua nhỏ lẻ sau đó bán cho các thương nhân; giấy từ các nguồn lớn như các khu công nghiệp, các nhà máy bao bì, in ấn, xuất bản, … được thu gom bởi các nhà thu gom chuyên nghiệp. Sau đó được chuyển tới các nhà cung ứng lớn hoặc các đại lý riêng của các công ty giấy để bán cho nhà máy hoặc xuất khẩu. Thêm vào đó là sự hỗ trợ, khuyến khích rất lớn từ Chính phủ và chính quyền địa phương bằng các chính sách cụ thể đã được quy định trong luật.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc thu gom chủ yếu chỉ thông qua cá nhân  và tổ chức thu gom đơn lẻ không chuyên nghiệp, chưa được tổ chức chặt chẽ và có hệ thống; Người dân  chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn; Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ để khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy, chưa có quy chuẩn Quốc gia về phân loại giấy thu hồi. Do đó, chi phí thu gom cao, hiệu quả thấp và chất lượng không đồng nhất, tỷ lệ thu hồi chưa đến 40%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 56%, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản và các nước tiên tiến.
Đơn cử như tại Nhật Bản, ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Từ năm 1996 trở về trước, tỷ lệ giấy thu gom thu hồi tại Nhật Bản chỉ trên dưới 50%. Nhưng từ sau năm 1997, tỷ lệ thu gom giấy tại Nhật Bản tăng lên rất nhanh. Từ năm 2010 đến nay, mức thu gom tại Nhật Bản đã đạt tới mức trên 80%. Đây là tỷ lệ rất cao, mà theo đánh giá của Hiệp hội giấy Nhật Bản (JPA), nguyên nhân chính để đạt được kết quả này là nhờ việc Chính phủ đã ban hành “Luật khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” có hiệu lực thực hiện từ 25/10/1991, nay là Luật khuyến khích hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Qua đây, có thể thấy vai trò rất quan trọng của “Luật khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế”, cũng như thấy được độ trễ của chính sách khi đi vào thực tế cuộc sống, tại một quốc gia tiên tiến như Nhật Bản cũng phải mất tới 5 năm luật này mới phát huy tác dụng. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành luật khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế.
Với thị trường Trung Quốc, ngay từ năm 2004, việc nhập khẩu giấy thu hồi đã chiếm tới 29%, cùng với nhập khẩu bột gỗ chiếm 16%, nâng tổng lượng nhập khẩu hai loại nguyên liệu này chiếm đến 45% nhu cầu, góp phần giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu giấy cho nhu cầu phát triển của Trung Quốc hai thập niên vừa qua.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ 2016 đến 2019, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng giấy hàng năm lên tới 30,3%/năm, chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bao bì xuất khẩu cũng như xuất khẩu sản phẩm giấy; tỷ lệ thu gom trong nước cũng đã tăng gần 19%/năm nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Do vậy, tỷ lệ nhập khẩu giấy thu hồi của Việt Nam đang rất cao, tăng tới 42,8% hàng năm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cần nhanh chóng nâng cao tỷ lệ thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước, cũng như việc nhập khẩu giấy thu gom làm nguyên liệu sản xuất vẫn là một vấn đề rất quan trọng của nước ta hiện nay để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu của ngành giấy trong thập niên phát triển mạnh mẽ tới đây của đất nước. 
Đề xuất, kiến nghị
Như đã phân tích ở phần trên, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành giấy thì việc thu gom và tái chế giấy là khâu then chốt, quan trọng nhất, mà với Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:
Trước hết cần thông qua truyền thông và giáo dục để nâng cao giá trị nhận thức, khuyến khích và tạo nên thói quen phân loại rác và giấy tại nguồn, xử lý sơ bộ trước khi thu gom để nguyên liệu đầu vào cho quá trình tái chế đảm bảo đồng nhất và an toàn vệ sinh, đặc biệt là với các loại vỏ hộp đồ uống giấy. Như tại Nhật Bản, vỏ hộp đồ uống giấy, sau khi uống xong, người ta gỡ phẳng và lau khô. Khi đi siêu thị, người Nhật xách theo bịch giấy thả vào các thùng thu gom của các công ty tái chế giấy được đặt trước cửa siêu thị. Do đó, vỏ hộp đồ uống sau tái chế của Nhật Bản có chất lượng cao và sạch như vỏ hộp đồ uống chưa sử dụng.
Tiếp theo, cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống thu gom tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để đảm bảo hiệu quả bước đầu. Bởi  lẽ trước đây, khi muốn tăng sản lượng thu gom chúng ta gặp phải vấn đề về thiếu phân loại và xử lý sơ bộ. Và cũng vì vậy, các cá nhân, đơn vị thu gom buộc phải đi thu gom thường xuyên. Điều này dẫn đến lượng thu gom mỗi lần rất ít nhưng chi phí cho người đi thu gom và vận chuyển phát sinh rất cao, đẩy giá thành thu gom lên cao. Khi phát triển được hệ thống thu gom bài bản, hướng được người dân biết phân loại và xử lý sơ bộ từ trước thì khối lượng thu gom cho từng đợt sẽ lớn lên dẫn đến chi phí thu gom sẽ giảm xuống. 
Cùng với đó, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng tái chế giấy nhằm tạo ra được các sản phẩm hữu ích và có giá trị sử dụng ngày càng cao. Muốn vậy, cần phải dựa vào các yếu tố công nghệ như đầu tư hệ thống xử lý bột hoàn chỉnh, đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn; đầu tư máy xeo sản xuất giấy đặc chủng, giấy chất lượng cao để phát huy tối đa chất lượng sơ sợi thu hồi; nâng cấp máy ép nóng, máy tạo hạt để nâng cao chất lượng tái chế của nhôm, nhựa thu hồi từ tái chế vỏ hộp đồ uống giấy.
Cuối cùng, nhưng lại vô cùng quan trọng, đó là sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành và hiệp hội ngành nghề. Cụ thể, chúng tôi xin kiến nghị:
Chính phủ cần sớm có chính sách khuyến khích và không thu thuế với các hoạt động thu gom, phân loại, đóng kiện, phân phối và sử dụng giấy đã qua sử dụng (gồm cả vỏ hộp đồ uống giấy) làm nguyên liệu sản xuất giấy. Và đặc biệt, Chính phủ nên nhanh chóng cho xây dựng và trình Quốc hội ban hành “Luật tái chế và tiết kiệm tài nguyên” như Nhật Bản cùng các nước phát triển đã làm.
Các cơ quan nhà nước sẽ cấp nhãn xanh và có các chính sách ưu đãi cho các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tái chế.
Đối với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện đang tiến hành xây dựng chương trình Quốc gia về thu gom và tái chế giấy loại, nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom phấn đấu đạt được mức trên 50% vào năm 2025 và tiến tới đạt trên 75% vào năm 2045. 
BAN BIÊN TẬP
(Bài đăng trên Tạp chí Công nghiệp Giấy, số 5/2019)
lên đầu trang