Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:17

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:17

Chính sách

Cập nhật lúc 07:37 ngày 30/03/2020

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ vì sao khó phát triển?

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN, tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc phát triển các doanh nghiệp KH&CN sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và giải phóng sức lao động. Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn so với tiềm năng vốn có.
Sản xuất chế biến nấm ở Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp (Bình Xuyên)
Số lượng khiêm tốn
Những năm qua, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có sản xuất công nghiệp phát triển bậc nhất miền Bắc.
Số lượng các dự án đầu tư vào tỉnh tăng theo từng năm, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới, như Toyota, Honda, Piaggio… cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp dân doanh được thành lập và đi vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút hơn 1.100 dự án còn hiệu lực, bao gồm hơn 750 dự án DDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 90 nghìn tỷ đồng; gần 390 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 5,5 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp dân doanh được đăng ký thành lập mới trong năm 2019 đạt hơn 1.100 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh lên gần 11 nghìn doanh nghiệp, trong đó, gần 73% doanh nghiệp đang hoạt động xuất kinh doanh. Tổng số vốn đăng ký hơn 121 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp KH&CN được cấp chứng nhận đến nay mới có 3 doanh nghiệp, đó là: Công ty TNHH CNC Trịnh Năng, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, xã Đạo Đức (Bình Xuyên). Đó là một tỷ lệ quá khiêm tốn với tổng số doanh nghiệp, các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực tế tại Công ty TNHH CNC Trịnh Năng, đơn vị chuyên nghiên cứu, sản xuất và thương mại các hợp chất thiên nhiên Nano và hợp chất siêu bán dẫn Endo Fulleren từ chính những sáng chế độc quyền của ông chủ doanh nghiệp Trịnh Đình Năng. Sau hơn 2 năm thành lập, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thể mở rộng sản xuất, mặc dù có vốn và có mặt bằng.
Ông Năng chia sẻ: "Theo quy định, đối với doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng những ưu đãi từ mặt bằng, hạ tầng cho đến vốn đầu tư. Nhưng đến nay, các ưu đãi đầu tư doanh nghiệp nhận được không đáng kể, ngay cả điện phục vụ sản xuất vẫn chưa có, doanh nghiệp phải chạy bằng máy phát, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn".
Cần giải pháp tổng thể
Theo đánh giá của Sở KH&CN, số lượng các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh phát triển hạn chế có nhiều nguyên nhân, trong đó, có thể kể đến như: Việc khó khăn trong chứng minh kết quả nghiên cứu KH&CN đối với các nghiên cứu do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí; hồ sơ, thủ tục để được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN còn mất nhiều thời gian; các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, nên hoạt động thiếu hiệu quả.
Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, nên việc đưa vào sản xuất theo quy mô doanh nghiệp không hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của doanh nghiệp KH&CN trong nền kinh tế cũng như các chính sách cơ chế hỗ trợ với doanh nghiệp KH&CN còn hạn chế…
Để việc phát triển các doanh nghiệp KH&CN có chuyển biến tích cực, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, theo đề xuất của cơ quan chuyên môn, tỉnh nên xem xét chỉ đạo triển khai tổng thể các giải pháp nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học trên cơ sở đảm bảo hàm lượng chất xám cao, sát với nhu cầu thực tế của đời sống để tăng khả năng thương mại cũng như đưa vào sản xuất quy mô lớn.
Chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và áp dụng cơ chế thị trường với các kết quả nghiên cứu KH&CN. Chủ động hướng dẫn, giám sát việc trích lập quỹ, sử dụng quỹ đầu tư và phát triển doanh nghiệp đối với hoạt động KH&CN.
Bên cạnh đó, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp KH&CN theo quy định của Nhà nước để tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Báo Vĩnh Phúc
lên đầu trang