Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:10

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:10

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:24 ngày 31/03/2020

Ngành than: Đẩy nhanh tốc độ tự động hóa

Chủ trương trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo của ngành than là ứng dụng công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất, từ khai thác đến chế biến và vận chuyển. Đây là nền tảng để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách với các nước có ngành than tiên tiến. 
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong quá trình đổi mới và phát triển, với nhận thức sâu sắc khoa học và công nghệ (KH&CN) giữ vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững, TKV đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, gia tăng sản lượng, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, từng bước đưa ngành công nghiệp khai thác than - khoáng sản trở thành ngành có trình độ công nghệ tiên tiến.
Đưa công nghiệp khai thác than - khoáng sản trở thành ngành có trình độ công nghệ tiên tiến
Đáng chú ý, đối với công tác đổi mới hiện đại hóa công nghệ, TKV luôn gắn nghiên cứu với sản xuất, đôn đốc các đơn vị tích cực đăng ký, thực hiện, triển khai xây dựng kế hoạch hàng năm, bao gồm các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, TKV còn xây dựng tiềm lực KH&CN, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ phát triển KH&CN. Đặc biệt, từ Quỹ Phát triển KH&CN của TKV đã triển khai các chương trình trọng điểm, dài hạn, giải quyết vấn đề hiện đại hóa mỏ than và khoáng sản; phát triển công nghệ sàng tuyển, chế biến sâu khoáng sản; phát triển sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng…
Điển hình, trong khai thác than lộ thiên, đã đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như: Máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3; hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tải; sử dụng máy cầy xới giảm khoan nổ mìn… Trong sàng tuyển, chế biến than - khoáng sản, các nhà máy có công suất gần 20 triệu tấn/năm được cải tạo đầu tư công nghệ mới để sản xuất các loại than cám chất lượng tốt, phát triển cụm dây chuyền công nghệ tuyển trong môi trường huyền phù tự sinh và huyền phù manhetit tạo ra sự tập trung hóa công tác sàng tuyển, nâng cao hiệu quả, thu hồi tối đa than trong khâu sàng tuyển… Ngoài ra, công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, hiện đại hóa quá trình sản xuất.
Nhờ áp dụng hiệu quả cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản lượng và năng suất khai thác than của một số đơn vị trong Tập đoàn tăng lên đáng kể; góp phần giúp TKV thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, TKV khai thác được hơn 40,5 triệu tấn than (tăng 3,9 triệu tấn so với năm 2018); lợi nhuận ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân 11,3 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, thời gian tới, ngành than sẽ tiếp tục ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng một số trạm vận hành không người trực; thực hiện mô hình tự động hóa gắn với sản xuất thông minh ở một số công đoạn nhằm mục tiêu minh bạch hóa và tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp cùng Bộ KH&CN và các đơn vị ngành than xây dựng nhiệm vụ lớn nhằm làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo một số thiết bị khai thác, chế biến than, giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu trang thiết bị khai thác than như: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tiên tiến trong khai thác bể than đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống các thiết bị phục vụ cơ giới hóa - tự động hóa trong đào lò và khai thác, vận chuyển than tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.
Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm. Đây được coi là chìa khóa để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang