[In trang]
Phát triển thị trường lao động: Thay đổi chính sách phân bổ nguồn lực
Thứ ba, 04/05/2021 - 11:49
Thị trường lao động (TTLĐ) Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ chủ thể trên thị trường. Theo đó, hoàn thiện chính sách phát triển TTLĐ là vấn đề đang rất được quan tâm.
Thị trường lao động (TTLĐ) Việt Nam thời gian qua đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ chủ thể trên thị trường. Theo đó, hoàn thiện chính sách phát triển TTLĐ là vấn đề đang rất được quan tâm.
Vẫn nhiều bất cập
Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển TTLĐ nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức mới đây, bà Lê Thị Xuân Quỳnh - Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) - cho rằng, những năm qua, TTLĐ đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm, tạo khung pháp lý để phát triển TTLĐ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả, TTLĐ đã có nhiều dịch chuyển tích cực. Lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh sang mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn. Lao động Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ những ngành nghề đơn giản sang đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao hơn; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn. Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thân thể (BHTT) cũng có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia BHXH, BHTT tự nguyện đã tăng nhiều so với trước.
Đặc biệt, theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, các chính sách phát triển TTLĐ thời gian qua cũng được ban hành rất nhiều, nổi bật là chính sách phát triển giáo dục đại học (GDĐH) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Về GDĐH, Chính phủ đã có Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020; Quyết định 89/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030; Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.
Về phát triển GDNN, thời gian qua cũng có sự thay đổi về quản lý. Tuy nhiên, các chính sách này chưa đồng bộ và triển khai trên thực tế còn chậm; việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan, tổ chức sử dụng lao động chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng "chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa". "Chất lượng nguồn lao động thấp, trong khi tuyển sinh GDNN chủ yếu vẫn là sơ cấp và hình thức đào tạo dưới 3 tháng chiếm tới 75,3%, trong khi hình thức đào tạo cao đẳng, trung cấp chỉ chiếm 24,7%" - bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết thêm. Cùng với đó, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% vào năm 2020; cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhu cầu của thị trường…
Hoàn thiện thể chế
Theo các chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế. Muốn làm được như vậy, cần ổn định, phát triển lại TTLĐ.
Chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao
Theo đó, để phát triển bền vững TTLĐ, giai đoạn tới, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động, chính sách tiền lương và phát triển các thể chế trung gian, cơ chế an sinh xã hội, BHXH cho người lao động, nhằm thúc đẩy TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với TTLĐ khu vực và thế giới, đáp ứng quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) - cho rằng: Để phát triển TTLĐ ổn định, bên cạnh hoàn thiện thể chế, cần khơi thông thị trường, giúp người lao động dễ dàng dịch chuyển theo tín hiệu thị trường, đi từ nơi dư thừa đến nơi thiếu lao động. Cùng với đó, cần đưa ra những chính sách để tăng cường kết nối giữa người sử dụng lao động và bên cung ứng lao động, bởi khi nhu cầu sử dụng lao động thay đổi, người sử dụng lao động nắm rõ nhất, nhưng nếu không có sự kết nối với những cơ sở đào tạo kỹ năng, lao động đào tạo ra sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, không đủ năng lực để đáp ứng trong khi người cần sử dụng vẫn không tuyển dụng được lao động.
TS. BÙI SỸ TUẤN - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Để phát triển TTLĐ, chính sách GDNN cần được ưu tiên quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, số lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.
Theo Báo Công Thương