[In trang]
Tái cơ cấu ngành Công Thương: Hiệu quả, thực chất
Thứ ba, 04/05/2021 - 15:44
Ngày 1/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tái cơ cấu ngành Công Thương ngày càng đi vào thực chất và đạt được những kết quả tích cực. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - xung quanh đề án này.
Ngày 1/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tái cơ cấu ngành Công Thương ngày càng đi vào thực chất và đạt được những kết quả tích cực. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - xung quanh đề án này.
Thưa bà, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đã được thực hiện 5 năm nay, làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành, tiêu biểu là lĩnh vực công nghiệp. Xin bà chia sẻ rõ hơn về những thay đổi này?
Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương không chỉ được thực hiện tại Quyết định số 2146 mà còn được chỉ đạo thực hiện thông qua Kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 tại Quyết định số 598 ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai nhiều chương trình, đề án và kế hoạch hành động ở cấp độ khác nhau.
Theo đó, quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp đã đi vào thực chất hơn và ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Theo đó, ngành công nghiệp đã trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với mức tăng 7,16% trong giai đoạn vừa qua. Cơ cấu nội ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng từ 8,12% năm 2015 xuống còn 5,55% năm 2020; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo từ 14,27% năm 2015 lên đến 16,7% năm 2020. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành với tốc độ tăng bình quân đạt mức rất cao - 15,86% trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Đã có sự dịch chuyển mạnh từ các ngành mà thâm dụng lao động như ngành dệt may, da giày sang các ngành công nghiệp công nghệ cao như máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại… Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp với năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao - vị trí thứ 44 trên thế giới.
Đối với thương mại, quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương đã đóng góp như thế nào vào thành tích chung của hoạt động này, thưa bà?
Về xuất nhập khẩu, xuất khẩu ngày càng củng cố được vai trò là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm vừa qua rất cao, đạt 11,7% - thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Điều này đã góp phần dịch chuyển thành công cán cân thương mại của Việt Nam từ thâm hụt thương mại trong giai đoạn trước đến thặng dư liên tiếp trong 5 năm trở lại đây. Quy mô xuất khẩu năm 2019 đã vượt mức 500 tỷ USD; con số tặng thặng dư kỷ lục cũng đạt được vào năm 2020 với 19,1 tỷ USD.
Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa và giảm dần xuất khẩu các sản phẩm thô. Hàng Việt Nam đã có sự dịch chuyển sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Nhập khẩu được kiểm soát rất tốt và đáp ứng được nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và tiêu dùng.
Cùng với thương mại quốc tế, thị trường trong nước cũng đã cho thấy vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột trong tăng trưởng kinh tế. Tổng mức bán lẻ của chúng ta luôn ở hai con số, trừ năm 2020 là năm có sự tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Thương mại điện tử đã là một trong những xu hướng phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng ở thị trường trong nước.
Đối với hội nhập quốc tế, chúng ta đã dịch chuyển dần từ một quốc gia tham gia hội nhập trở thành quốc gia dẫn dắt hội nhập với việc chủ động trong đàm phán và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam đã trở thành một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay với tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu trên GDP xấp xỉ 200%.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai những giải pháp gì, thưa bà?
Hiện nay, ngành Công Thương đã được Chính phủ giao xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương cho giai đoạn 2021 - 2030. Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị thuộc Bộ, Viện nghiên cứu và cũng tham khảo ý kiến của các DN để xây dựng kế hoạch này, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
Trước hết, để thực hiện tái cơ cấu thành công trong giai đoạn tới, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thể chế. Chúng ta phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện tái cơ cấu. Trong đó, cần nghiên cứu để xây dựng, đề xuất ban hành những luật liên quan đến những vấn đề mới như phòng vệ thương mại, thương mại điện tử… Bên cạnh đó, xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, như Chiến lược xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược phát triển thị trường trong nước; Chiến lược phát triển công nghiệp; Quy hoạch điện VIII, quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt… Rà soát hệ thống cơ chế, chính sách, các nghị định, thông tư còn có sự chồng chéo, chưa tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp.
Song song với đó, phải tập trung đưa tái cơ cấu ngành Công Thương phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử; tận dụng tối đa sự mở cửa của thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp chiến lược như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, công nghệ năng lượng sạch. Đối với dệt may, da giày, chúng ta phải ưu tiên tập trung vào các khâu tạo ra những giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực như cơ khí, ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện…
Ngoài ra, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững theo hướng hiện đại và đi trước một bước so với tiến trình chung của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, làm tốt công tác thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, khai thác tối đa với thị trường 90 triệu dân; đặc biệt quan tâm đến việc quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng buôn lậu để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhất cho hàng hóa của Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nâng cao chất lượng lao động để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh.
Xin cảm ơn bà!
Theo Báo Công Thương