[In trang]
Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy chủ động sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao
Thứ hai, 10/05/2021 - 10:29
3 giống bạch đàn Bạch đàn E28, E15 và TC2 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới
Ở nước ta năng suất rừng nguyên liệu giấy hiện nay vẫn còn thấp, chất lượng rừng cũng không được cao, các nhân tố đó làm giảm hiệu quả kinh tế kinh doanh rừng trồng nguyên liệu giấy. Việc nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu giấy là vô cùng cần thiết.
Công tác chọn tạo giống cây nguyên liệu giấy đã được Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy triển khai mạnh mẽ nhằm cung cấp giống cây nguyên liệu phục vụ các nhà máy bột giấy. Một số dòng vô tính đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia hoặc tiến bộ kỹ thuật như các dòng bạch đàn PN2, PN14, PN10, PN46, PN47, PN3d, PN54, PN116, PN24, PN108, PNCT3, PNCT và một số dòng keo lai KL2, Kl20 và KLTA3. Tuy nhiên, để có một số lượng giống cây nguyên liệu giấy đủ đảm bảo an toàn đa dạng di truyền vẫn rất cần tiếp tục chọn tuyển thêm nhiều cây trội, nguồn giống tốt và trồng rừng khảo nghiệm để bổ sung thêm những giống có năng suất cao hơn và bền vững hơn. 
Với những lý do trên, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy (Bộ Công Thương) được Bộ Công Thương giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”. Đề tài do ThS. Hoàng Ngọc Hải làm chủ nhiệm với mục tiêu tuyển chọn được ít nhất 1 giống/01 loài có năng suất cao (tăng ít nhất 10%) và hàm lượng xenlulô đạt tiêu chuẩn gỗ nguyên liệu giấy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực địa các giống cây của Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy triển khai
ThS. Hoàng Ngọc Hải cho biết, sản phẩm giống cây mới của Đề tài kế thừa các kết quả nghiên cứu và sử dụng các vật liệu di truyền của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các vật liệu cây trội của Viện nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã chọn tạo trước đây, ngoài ra trồng thêm một số giống bạch đàn nhập từ Trung Quốc để khảo nghiệm nhằm chọn ra các giống có khả năng thích nghi, sinh trưởng nhanh, đáp ứng tiêu chuẩn xenlulô phù hợp cho trồng rừng nguyên liệu giấy ở các vùng sinh thái như Đông Bắc bộ, Đông Nam bộ và vùng Trung bộ.
Triển khai Đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều tra chọn lọc và xây dựng cơ sở dữ liệu cây trội bạch đàn và keo; xác định địa điểm xây dựng thí nghiệm khảo nghiệm giống và tạo cây giống để trồng rừng khảo nghiệm.
Cụ thể, đối với Bạch đàn, chọn lọc và xây dựng cơ sở dữ liệu được 40 cây trội dự tuyển 12 dòng vô tính và 10 tổ hợp lai có triển vọng. Đã dẫn giống bằng phương pháp giâm hom cho 10 cây trội dự tuyển Bạch đàn, 17 dòng vô tính Bạch đàn có triển vọng để thiết lập vườn cấp hom với diện tích 200 m2. Đối với Keo, chọn và xây dựng cơ sở dữ liệu được 42 cây trội dự tuyển và 20 dòng vô tính keo lai có triển vọng. Đã gieo ươm 6 lô hạt giống Keo tai tượng, giâm hom 20 dòng vô tính bạch đàn có triển vọng để phục vụ trồng rừng khảo nghiệm dòng vô tính.
ThS. Hoàng Ngọc Hải cho biết: “Các giống cây mới do nhóm nghiên cứu chọn lọc (Bạch đàn: TC2, NC3, QY14, TTKT3, QY23, PT6, U16, E15, E28, NM13 và Keo tai tượng) được lựa chọn và sử dụng là những giống có triển vọng, từ đó tạo cây con và trồng cùng với 14-20 dòng khác tại các khảo nghiệm thuộc 3 vùng Đông Bắc Bộ (Bắc Giang); Vùng Đông Nam Bộ (Bình Dương) và Vùng Bắc Trung Bộ (Quảng Trị). Tại mỗi điểm khảo nghiệm cây Bạch đàn và cây Keo được trồng trên cùng 1 lô, cùng thời điểm trồng, cùng biện pháp kỹ thuật lâm sinh” 
Ngoài việc thu thập vật liệu, nhân giống, nhóm thực hiện Đề tài đã trồng mới được 7,5 ha rừng khảo nghiệm các dòng vô tính Bạch đàn và các xuất xứ Keo tai tượng. Cây trồng đạt tỷ lệ sống 90% được chăm sóc, bảo vệ tốt.
3 dòng bạch đàn Urophyla mới chọn lọc: TC2, E15 và E28 đều sinh trưởng tốt ở tất cả các điểm khảo nghiệm
Kết quả sau thời gian trồng khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chọn được 03 giống Bạch đàn mới (Dòng TC2, Dòng E15, Dòng E28) trồng tại Lục Nam, Bắc Giang, thời điểm 40 tháng tuổi cho sinh trưởng đường kính D1,3, chiều cao Hvn vượt đối chứng (PN108, PNCT3, PNCTIV) từ 9 – 13% và năng suất đạt từ 17,0 - 20,5 m3/ha/năm, vượt đối chứng (PN108, PNCT3 và PNCTIV giống tiến bộ kỹ thuật do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy chọn tạo) từ 10 – 30%. Ba Dòng TC2, Dòng E15, Dòng E28 đủ điều kiện để công nhận giống cây trồng lâm nghiệp mới.  
Đối với giống keo tai tượng thời điểm 40 tháng tuổi, trồng tại Lục Nam - Bắc Giang, nhóm nghiên cứu đánh giá có 4 xuất xứ cho sinh trưởng nhanh, có thể tích thân cây và năng suất gỗ đều vượt so với đối chứng và trung bình các xuất xứ cùng tham gia khảo nghiệm. Đó là, xuất xứ Pongaky lô hạt nhập từ Úc, xuất xứ từ lô hạt của 4 cây trội ở rừng giống Quang Bình (4CT.RGQB), xuất xứ từ lô hạt hỗn hợp ở rừng giống Quang Bình (HH.RGQB), xuất xứ từ lô hạt của 5 cây trội ở vườn giống Ba Vì (5CT.VGBV), độ vượt xếp theo thứ tự kể trên là 78,9%, 50,7%, 32,9% và 29,3% so với trung bình thí nghiệm là 21%.
Kết quả phân tích tỷ trọng kích thước xơ sợi và hàm lượng xenlulô cho thấy 01 mẫu Bạch đàn (dòng TC2) và 3 mẫu Keo tai tượng (HHRGQB, CT.RGQB,CT.VGTrB) đạt được sản lượng bột giấy đạt yêu cầu.  
Tại khảo nghiệm tại Bình Dương và Quảng Trị các dòng Bạch đàn và Keo tai tượng đều cho sinh trưởng và năng suất vượt đối chứng. Tuy nhiên, các giống này do tuổi còn non (15 - 27 tháng tuổi) nên chưa đạt được yêu cầu về tỷ trọng gỗ, kích thước xơ sợi và hàm lượng xenlulô cho sản xuất bột giấy cao, cần có thêm thời gian để khẳng định.
Chia sẻ về thành công của Đề tài ThS. Hoàng Ngọc Hải cho hay: ối với 3 dòng bạch đàn Urophyla mới chọn lọc: TC2, E15 và E28 đều sinh trưởng tốt ở tất cả các điểm khảo nghiệm. Đây cũng là các giống vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng lâm nghiệp. Theo đó, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy chịu trách nhiệm lưu giữ mẫu giống; phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật gây trồng đối với 3 giống được công nhận này. Đồng thời, Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đưa giống mới được công nhận vào sản xuất ở những nơi có điều kiện tương tự nơi khảo nghiệm."
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá các giống cây mới triển vọng để đủ thời gian công nhận thêm một số giống mới. -  ThS. Hoàng Ngọc Hải thông tin thêm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Quyết định số 1734/QĐ-BNN-TCLN công nhận giống cây trồng lâm nghiệp cho 3 giống bạch đàn Urophyla do Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy (Bộ Công Thương) nghiên cứu chọn tạo gồm: Dòng TC2, dòng E15 và dòng E28 là giống cây trồng lâm nghiệp mới.
Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thông qua việc triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu chọn giống bạch đàn và keo phục vụ ngành công nghiệp giấy”.
Một số hình ảnh đánh giá thực địa của đoàn công tác  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Mai Anh