[In trang]
Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 1: Điểm sáng đổi mới sáng tạo
Thứ hai, 24/05/2021 - 11:19
Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt trong việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong phát triển doanh nghiệp và tăng nội địa hóa sản xuất.
Trước bối cảnh này, Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt trong việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghiệp hỗ trợ trong phát triển doanh nghiệp và tăng nội địa hóa sản xuất.
Theo đó, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề "Đưa công nghệ vào sản xuất", nhằm giới thiệu những kết quả phát triển khoa học và công nghệ được thương mại hóa sản phẩm, góp phần tăng nội địa hóa sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
 BÀI 1: ĐIỂM SÁNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam đứng số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam cũng tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam đã trải qua 10 năm phát triển, với những thuận lợi và thách thức đan xen trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động.
Vai trò của khoa học công nghệ
Dây chuyền sản xuất gia công cơ khí được trang bị hiện đại với nhiều máy móc thiết bị, robot..của Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Chu Lai-Trường Hải, thuộc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), tại khu phức hợp Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu rộng trên nhiều phương diện của đời sống, kinh tế, xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn vươn lên vị trí Top 10 nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. 
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, khoa học và công nghệ từ lâu đã là một bộ phận trọng yếu đối với phát triển kinh tế. Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. 
Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế bằng việc tham gia đàm phán ký kết đa dạng Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… với nhiều cam kết quốc tế. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ khi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Sở hữu trí tuệ; chính sách nhập khẩu và chuyển giao công nghệ; quy định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)...
Xu hướng tham gia ký kết FTA nở rộ trên thị trường toàn cầu, cũng khiến cho không ít quốc gia có xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại thông qua rào cản kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại phi thuế quan… Do đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng nghiêm túc tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm là yêu tố quyết định trong thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với đó, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới ngày nay, đòi hỏi hầu hết quốc gia phải chủ động liên kết, hội nhập với thị trường khoa học và công nghệ quốc tế. Đồng thời, huy động nguồn lực, kênh giao dịch hàng hóa từ nước ngoài để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Xu thế này cũng đã và đang mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội tăng cường liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ với nhiều nước phát triển, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khoa học và công nghệ. 
Để làm chủ và đổi mới công nghệ, một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ, chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện những báo cáo phân tích xu hướng công nghệ cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp xác định hướng phát triển công nghệ hiện có và triển vọng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ đột phá trong tương lai.
Thị trường khoa học và công nghệ nội địa cần phát huy vai trò làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam chủ động liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành công nghiệp phụ trợ có thể tìm kiếm cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
Khi Việt Nam hòa nhập vào thị trường khoa học và công nghệ thế giới sẽ tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, nhưng cũng đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đổi mới công nghệ , tăng năng suất lao động... Doanh nghiệp có thể mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện giao dịch và tiếp nhận công nghệ...
Định hướng chính sách trọng tâm
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, giai đoạn 2011-2020 vừa là giai đoạn đất nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, vừa là giai đoạn ngành khoa học thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020 (tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Trong giai đoạn này, việc hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Thị trường khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng khi Việt Nam đã tham gia vào thị trường toàn cầu và trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, những quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho đối tượng tham gia vào hoạt động giao dịch của thị trường trong nước, cũng như hội nhập với quốc tế.
Chính vì vậy, bước sang giai đoạn 2021-2030, định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Điển hình, nghiên cứu cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chế độ báo cáo thông kê về thị trường khoa học và công nghệ...
Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục dự thảo và đề xuất cơ chế, chính sách liên thông thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, tài chính, lao động... Đặc biệt, cơ chế đối tác công tư, liên kết viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động giao dịch, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. 
Ngoài ra, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, vấn đề cấp thiết hiện nay là tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế hoàn trả giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nhà nước giao quyền sở hữu khi tham gia thị trường khoa học và công nghệ. Cơ chế giao quyền sử dụng tài sản là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phân chia lợi nhuận với Nhà nước từ việc thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Còn một số chuyên gia khác cũng cho rằng, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến công nghệ, sự kiện kết nối chuyển giao công nghệ theo cả hai phương thức trực tiếp và trực tuyến trong nước và quốc tế phục vụ mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng, địa phương là rất cần thiết trong giai đoạn tới. Trên cơ sở này, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và vượt qua rào cản kỹ thuật trong thương mại, chính sách, công cụ bảo hộ, phòng vệ thương mại khi thực hiện giao dịch mua bán công nghệ để việc thâm nhập thị trường, mở rộng thị phần cho sản phẩm, dịch vụ.
Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong sự kết nối với thị trường toàn cầu và khu vực. Điển hình, Việt Nam nên chủ động gia nhập và trở thành thành viên tích cực của hiệp hội tư vấn xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quốc tế, trước hết là đối với khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á và một số thị trường khác như Singapore, Ấn Độ, Australia, Israel, Nam Phi...
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, Việt Nam nên sớm thiết lập mạng lưới kết nối và đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu nhân tài người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng thông tin về thị trường khoa học và công nghệ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và hệ tri thức Việt số hoá, chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành và địa phương để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế.
Theo: TTXVN