[In trang]
Công nghệ - Giải pháp chủ chốt giải quyết thách thức lương thực toàn cầu
Thứ tư, 09/06/2021 - 10:03
Công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến giúp giải quyết thách thức lương thực phẩm toàn cầu, đồng thời cho phép quản lý và bảo tồn tốt môi trường sống xung quanh. Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để những đổi mới mang tính chất bước ngoặt này sẽ tới tay những người cần nhất.
Công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến giúp giải quyết thách thức lương thực phẩm toàn cầu, đồng thời cho phép quản lý và bảo tồn tốt môi trường sống xung quanh. Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để những đổi mới mang tính chất bước ngoặt này sẽ tới tay những người cần nhất.
Trong báo cáo “Cách thức để nuôi sống thế giới tới năm 2050”, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại.
Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy năng lực của nông dân (Nguồn: CropLife Asia)
Để đạt được con số này, sản lượng canh tác được tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước tại Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần phải tăng gần gấp đôi. 80% mức tăng cần thiết sẽ phải tạo ra từ tăng năng suất và cường độ canh tác dày hơn, 20% còn lại đến từ việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Công nghệ sẽ là một giải pháp chủ chốt giải quyết các thách thức này.
Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, điều này đã thúc đẩy năng lực của nông dân. Ngày càng có nhiều nền tảng nông nghiệp chính xác đang cung cấp trực tiếp cho nông dân công cụ, dữ liệu và những phân tích có ý nghĩa. Trong đó, thực hành phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nông nghiệp không cày xới, các hoạt chất sinh học, hóa chất xanh và thực hành canh tác có trách nhiệm đang cho phép nông dân không chỉ tăng năng suất mà còn bảo vệ đa dạng sinh học và các vùng đất tự nhiên.
Cùng lúc đó, việc sử dụng máy bay không người lái - drone trong hoạt động phun thuốc bảo vệ thực vật cũng đang là một công cụ hữu hiệu giúp nông dân giải quyết một số thách thức. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, công nghệ này giúp giảm chi phí lao động và nhiên liệu đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào. Sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm tiêu thụ nước và mức độ tiếp xúc của người vận hành.
Một giải pháp công nghệ khác có thể giúp sản xuất nhiều lương thực theo cách thức bền vững hơn đó là khoa học thực vật. Những đổi mới về khoa học thực vật tiếp tục cho phép nông dân sản xuất thực phẩm an toàn và bổ dưỡng hơn đồng thời hạn chế bớt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đặc biệt, cây trồng công nghệ sinh học đã được phát triển với các đặc tính cải tiến như tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và cải thiện hàm lượng dinh dưỡng hay cho phép hấp thụ cacbon trong đất thông qua các hoạt động như canh tác không cày xới. Các đặc tính công nghệ sinh học trên các cây trồng chủ lực như ngô, lúa và bông đã giúp tiết kiệm nước và thậm chí vẫn cho ra năng suất tăng trong điều kiện hạn hán. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền nông nghiệp truyền thống đang sử dụng khoảng 70% lượng nước sử dụng trên toàn cầu thì sự phát triển công nghệ này là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
Tuy nhiên, một công nghệ cho dù có tầm quan trọng như thế nào đối với sản xuất thực phẩm và bảo vệ môi trường thì đều cần có các quy định pháp lý phù hợp để nông dân có thể tiếp cận và phát huy lợi ích trong thực tế.
Các chuyên gia cho rằng, công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến giúp giải quyết thách thức lương thực toàn cầu đồng thời cho phép quản lý và bảo tồn tốt môi trường sống xung quanh. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để những đổi mới mang tính chất bước ngoặt này sẽ tới tay những người cần nhất.
Theo Báo Công Thương